Theo GS.TS Bùi Văn Nhơn, nguyên giảng viên cao cấp Học viện Hành chính, không nên gọi khoản trợ cấp thêm cho CSGT ở Đà Nẵng (5 triệu đồng/tháng) là tiền “dưỡng liêm” vì bản chất nó là tiền để giảm bớt tiêu cực, lương cao rồi, đủ sống rồi thì đừng “cựa quậy” nữa.
Không được “dưỡng” thì không “liêm”!
GS.TS Bùi Văn Nhơn nói: Tôi tiếp xúc với nhiều chuyên gia nước ngoài đến Việt Nam, họ đều nói rằng tham nhũng ở Việt Nam khó dẹp được vì lương của cán bộ quá thấp. Lương không đủ sống thì họ buộc phải “cựa quậy”.
Đà Nẵng có thể coi là địa phương đi đầu trong việc làm sạch đội ngũ công chức. Tuy nhiên, việc "dưỡng liêm" bằng cách trợ cấp 5 triệu đồng mỗi tháng cho CSGT không phải là giải pháp lâu dài. Nếu cứ mạnh anh nào anh nấy làm thì sẽ rất khó.
Ví dụ như cùng là cán bộ công chức ở Đà Nẵng, anh Hải quan, Y tế, Giáo dục… nhìn sang tiền “dưỡng liêm” của anh cảnh sát rồi bảo nhau: “Ơ, họ có tiền dưỡng liêm thì họ mới phải thế. Mình không có, tội gì…”.
“Ơ, họ có tiền dưỡng liêm thì họ mới phải thế. Mình không có, tội gì…” - GS.TS Bùi Văn Nhơn |
Do đó, đây không phải là chính sách bền vững. Đã làm thì phải đồng bộ các ngành, các địa phương.
Nhưng lấy tiền đâu để đồng bộ? Ngân sách nào chi được với một lực lượng lao động, cán bộ công chức lớn như vậy? Số người phải trả lương quá đông mà ta thì lại còn nghèo.
Theo GS.TS Bùi Văn Nhơn thì điều này xuất phát từ tình trạng thu nhập không đủ sống. Tất nhiên trong xã hội cũng có những người sống dựa vào lương là chính, nhưng tầng lớp đó sống cực kỳ khổ sở. Còn lại, sống được là nhờ “cựa quậy” lung tung như chăn nuôi thêm, mở cửa hàng kinh doanh riêng… Cuộc rượt đuổi giữa lương và giá thì bao giờ phần thắng cũng thuộc về giá. Giá luôn cán đích trước để chờ lương.
Tiền không mua được đạo đức
GS.TS Bùi Văn Nhơn cho rằng, tham nhũng vặt ở Việt Nam có mặt ở khắp nơi. Ở đâu xuất hiện quyền lực là ở đó có tham nhũng.
Sở dĩ Đà Nẵng chọn CSGT để dưỡng liêm có lẽ vì cách nhìn nhận của xã hội đối với bộ phận này. Ai cũng cho rằng ở vị trí đó thì dễ “ăn tiền”. Nhưng thực ra tham nhũng trong CSGT không phải là lớn lắm. Mỗi vụ bắt xe vi phạm được dăm chục, một trăm.
Thất thoát của đất nước chủ yếu nằm trong lĩnh vực đầu tư, thất thoát từ các công trình. Có giai đoạn, thất thoát trong lĩnh vực này đến 40 - 50% thì làm sao mà phát triển được. Thứ tham nhũng nữa là mua chức mua quyền, đút lót… làm băng hoại xã hội thì lại chưa có cách gì xử lý triệt để được.
Giải pháp tiền “dưỡng liêm” cho CSGT trước mắt sẽ làm giảm tiêu cực do siết chặt kỷ luật. Anh nào vi phạm sẽ bị đuổi ngay lập tức. Thế nhưng nó lại gây ra hệ quả xấu đối với các ngành khác.
Một vấn đề khác, GS.TS Bùi Văn Nhơn cho rằng không thể gọi đó là tiền “dưỡng liêm” được. Đây là giải pháp vật chất để động viên anh em giảm tiêu cực đi, siết chặt kỷ luật vào. Thực tế, người ta có thể mất đạo đức vì tiền nhưng tiền không hẳn đã mua được đạo đức. Giải pháp trợ cấp cho CSGT không phải là dùng tiền để mua đạo đức, mà nên hiểu là một hình thức kỷ luật siết chặt hơn.
"“Dưỡng liêm” cho toàn xã hội chính là hình thức tăng lương. Thế nhưng tiền đâu mà tăng hết cho cả đội ngũ công chức rộng lớn, người làm thì ít mà người chơi thì nhiều này? Thôi thì cứ để Đà Nẵng họ làm thí điểm, nhưng để giải quyết thất thoát tham nhũng của toàn xã hội thì vẫn chưa thể đâu".
|
Theo Bee