Quyết định mới công bố gần đây của Ngân hàng Nhà nước đã cho phép hệ thống ngân hàng mở rộng phạm vi áp dụng lãi suất thỏa thuận, không chỉ đối với lĩnh vực tiêu dùng đời sống mà cả cho vay trung dài hạn trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh, đầu tư phát triển nói chung.
Đây thực sự là bước đi quan trọng, nằm trong lộ trình từng bước nới lỏng cơ chế điều hành lãi suất một cách linh hoạt theo cơ chế thị trường. Thực tế hoạt động ngân hàng thời gian qua cho thấy, do vướng trần lãi suất cơ bản, quan hệ cung cầu vốn và lãi suất đã bị biến dạng nghiêm trọng. Thị trường vốn thường xuyên bị căng thẳng, lãi suất huy động bị biến tướng đẩy lên rất cao so với mức khống chế 10,5%/năm bởi nhiều chiêu khuyến mãi phá rào, trong khi ngoài lãi suất vay tối đa 12%/năm, một số ngân hàng buộc doanh nghiệp phải chấp nhận gồng gánh nhiều loại phí “bất thành văn” khác, cộng dồn lại có lúc có nơi lên đến 18 - 20%/năm (?). Có lẽ chưa khi nào môi trường kinh doanh tiền tệ tồn tại quá nhiều “nhân tố bất ổn” như thời gian vừa qua, mà nguyên nhân chính là do sự vận dụng chưa nhuần nhuyễn hoặc vận dụng một cách thái quá những biện pháp quản lý hành chính trong mô hình kinh tế thị trường.
Hiện nay, điều đáng quan tâm nhất chính là cơ chế lãi suất thỏa thuận sẽ có tác động như thế nào đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp? Trước mắt, về mặt tâm lý không tránh khỏi những quan ngại rằng mặt bằng lãi suất sẽ bị đẩy lên cao, phí tổn vay vốn sẽ tăng thêm, áp lực nợ nần đối với doanh nghiệp càng thêm khó khăn. Tuy nhiên, nếu nhìn tổng thể, việc áp dụng lãi suất thỏa thuận là bước đi linh hoạt, đúng quy luật, sẽ mang lại lợi ích dài hạn và nhiều mặt cho cả nền kinh tế.
Thời gian tới đây, quá trình cạnh tranh lãi suất giữa các ngân hàng sẽ diễn ra một cách đa dạng và mạnh mẽ, phản ánh đúng quan hệ cung cầu, lãi suất cho vay tất yếu từng bước giảm dần phù hợp với chiều hướng tự do hóa. Điều quan trọng hơn là trả lại cho thị trường tính công khai và minh bạch, ngân hàng không có lý do gì để “bắt chẹt” khách hàng bằng nhiều loại phí vô lý, thậm chí sai luật, doanh nghiệp cũng sòng phẳng trong quan hệ vay - trả, không phải đau đầu vì phải nghĩ ra nhiều chiêu kế nhằm hạch toán hóa giải những loại phí “không tên tuổi”.
Trong giai đoạn đầu, lãi suất cho vay có thể cao hơn lãi suất cơ bản một vài phần trăm, tuy nhiên nếu doanh nghiệp thuộc diện được hỗ trợ lãi suất (từ 2% đến 4%/năm) trong năm 2010 thì gánh nặng vay vốn thực ra không đáng lo. Ngoài ra, cũng cần thấy được yếu tố tích cực của lãi suất thỏa thuận trong việc kiềm chế và loại bỏ những nhu cầu vay vốn không cần thiết, kém hiệu quả, phi sản xuất, không cần khuyến khích.
Bước đi quan trọng tiếp theo của cơ quan điều hành chính sách tiền tệ là làm sao duy trì được tính ổn định thanh khoản cho nền kinh tế nói chung và hệ thống ngân hàng nói riêng, tạo điều kiện bình thường hóa hoạt động huy động vốn, chọn thời cơ chín muồi để tiến đến áp dụng đồng bộ cơ chế lãi suất thỏa thuận trong toàn bộ hoạt động ngân hàng.
Mặc dù vấn đề còn lại chỉ là thời gian, nhưng bài học quan trọng cần rút ra đó là trong mọi hoàn cảnh cần phải duy trì hành lang pháp lý vừa thông thoáng vừa bảo đảm kỷ cương phép nước trong điều hành. Công tác thông tin định hướng chính sách cũng cần phải đi trước một bước, một khi tạo được lòng tin trong dư luận, củng cố vững chắc tâm lý xã hội thì cũng có nghĩa là phần thắng đã gần như cầm chắc trong tay.
TÂM DÂN
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị COP26 và làm việc tại Anh: Ký kết thỏa thuận hợp tác trị giá hàng tỷ USD
(PLVN) - Nhân chuyến tham dự Hội nghị COP26 và làm việc tại Vương quốc Anh, chiều 31/10 (giờ địa phương), tại thành phố Edinburg, Scotland, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự, chứng kiến lễ ký, trao 26 thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực thương mại, nông nghiệp, năng lượng, y tế, giáo dục, đào tạo, bảo vệ môi trường, thể thao... của các bộ, ngành và doanh nghiệp Việt Nam và đối tác Anh.