Hình thành ý thức phòng bệnh sớm
Nhân dịp sinh nhật con trai lớn tròn 9 tuổi, chị M.Thuận (38 tuổi, Hà Nội) đã đưa con đi tiêm ngừa virus HPV. Khi biết thông tin vaccine HPV có thể tiêm cho trẻ từ 9 tuổi, chị đưa con trai lớn đi tiêm ngay khi vừa đủ tuổi và dự định 2 năm nữa sẽ tiêm cho con trai thứ hai. Chị M.Thuận cho rằng việc tiêm phòng HPV sớm cho trẻ kể cả bé trai là rất cần thiết, nhất là khi giới trẻ có xu hướng quan hệ tình dục sớm và việc virus HPV có thể lây lan âm thầm qua nhiều đường khác.
HPV (Human papillomavirus - HPV) - virus sinh u nhú ở người, lây truyền chủ yếu qua đường tình dục (Sexually transmitted infection - STI) gây ra những căn bệnh đặc biệt nguy hiểm như tổn thương tiền ung thư, ung thư cổ tử cung, ung thư hậu môn, ung thư âm đạo và các bệnh lý đường sinh dục khác. Tất cả mọi người, không phân biệt lứa tuổi, kể cả nam giới và nữ giới đều có nguy cơ nhiễm virus HPV. Tại thời điểm bắt đầu có quan hệ tình dục thì nguy cơ nhiễm HPV sẽ cao hơn.
Trên thế giới, gánh nặng bệnh tật liên quan đến virus HPV là rất lớn. Ước tính có hơn 99% trường hợp mắc ung thư cổ tử cung có liên hệ chặt chẽ đến loại virus này, hơn 90% trường hợp u nhú sinh dục, hơn 85% trường hợp ung thư hậu môn, gần 80% ung thư âm đạo và các bệnh khác do virus HPV.
Không chỉ gây bệnh ở nữ giới, virus HPV còn gây ra nhiều bệnh lý đặc biệt nguy hiểm cho nam giới, nhất là ung thư vòm họng với tỷ lệ cao gấp 5,3 lần nữ giới. Các nhà khoa học cũng phát hiện nam giới có tỷ lệ tự đào thải virus HPV ra khỏi cơ thể thấp hơn 26% so với nữ giới. Chính vì vậy, độ lưu hành HPV ở đường sinh dục của nam cao hơn nữ ở hầu hết các lứa tuổi.
Do đó, bác sĩ khuyến cáo không chỉ nữ giới, nam giới cũng rất cần tiêm vaccine HPV để phòng bệnh. Trước băn khoăn của nhiều phụ huynh về việc có nên cho con trai tiêm vaccine ngừa HPV hay không, theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), các bé trai cũng nên tiêm loại vaccine này để phòng các bệnh lý liên quan đến HPV xảy ra ở nam giới.
Sẽ đưa vaccine HPV vào tiêm chủng mở rộng
Vào tháng 7/2023, nhiều trung tâm tiêm chủng tại TP HCM, Hà Nội và các thành phố lớn ghi nhận nhiều lượt các bé trai, gái từ đủ 9 tuổi đến tiêm ngừa HPV tăng mạnh. Tại thời điểm đó, vaccine ngừa các bệnh lây qua đường sinh dục và ung thư do virus HPV gây ra đang “cháy hàng” tại một số trung tâm tiêm chủng. Số lượng gia đình đưa con đến hệ thống tiêm chủng VNVC để tiêm vaccine HPV tăng 30% so với cùng kỳ.
Hiện tại, vaccine HPV vẫn chưa được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng ở nước ta, người dân vẫn đang phải tự chi trả chi phí tiêm vaccine nếu có nhu cầu. Tuy nhiên, vì giá thành tiêm phòng HPV khá cao, chi phí cho mỗi mũi tiêm khoảng 1,8 - 3 triệu đồng nên nhiều gia đình chưa có cơ hội đưa con em đi tiêm. Tại Việt Nam, tỷ lệ tiêm vaccine HPV còn thấp, nghiên cứu năm 2021 cho thấy, chỉ 12% phụ nữ, trẻ em gái trong độ tuổi 15 - 29 được tiêm vaccine HPV.
Thời gian qua, Bộ Y tế đã trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 104/NQ-CP về lộ trình tăng số lượng vaccine trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng giai đoạn 2021 - 2030. Theo đó, vaccine HPV sẽ được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng từ năm 2026. Đồng thời, trong Nghị quyết, Chính phủ cũng cho phép các địa phương tự bố trí được kinh phí thì có thể triển khai sớm hơn cho người dân.
Do đó, các địa phương hoàn toàn có cơ sở pháp lý để sớm đưa vaccine HPV vào chương trình tiêm chủng mở rộng của địa phương, giúp giảm gánh nặng bệnh tật nguy hiểm cho trẻ em. Tại tỉnh Quảng Ninh, theo Kế hoạch số 85/KH-UBND ngày 18/5/2020, tỉnh triển khai tiêm vaccine HPV miễn phí cho trẻ em gái 12 tuổi trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025. Với mục tiêu đặt ra đạt tỷ lệ ≥ 90% trẻ em gái 12 tuổi tại tỉnh Quảng Ninh được tiêm đủ 3 mũi vaccine HPV theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
Không chỉ tại Việt Nam, với mục tiêu thanh toán căn bệnh ung thư cổ tử cung, WHO kêu gọi tất cả các quốc gia trên thế giới có các biện pháp cụ thể để bảo đảm 90% trẻ em gái trước 15 tuổi được tiêm chủng HPV.
Mới đây, giới chức Pháp bắt đầu triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine ngừa HPV cho các học sinh từ lớp 7 trở lên. Việc tiêm phòng được khuyến khích và hoàn toàn dựa trên quyết định tự nguyện của học sinh và phụ huynh. Theo đó, các em học sinh sẽ được tiêm liều đầu tiên vào mùa thu hoặc mùa đông này và liều thứ hai sau 6 tháng. Chính phủ Pháp đang đặt mục tiêu tiêm chủng 80% cho nhóm tuổi thanh, thiếu niên này vào năm 2030.
Tại Thái Lan, Bộ Y tế Thái Lan cho biết sẽ thực hiện dự án tiêm 1 triệu liều vaccine HPV phòng ngừa ung thư cổ tử cung và các bệnh ung thư khác cho phụ nữ và trẻ em gái từ 11 đến 20 tuổi trong vòng 100 ngày. Đây là một phần trong dự án “Thắng nhanh” của Bộ Y tế Thái Lan nhằm tạo ra một loạt thành tựu thiết thực trong vòng 100 ngày, trong nỗ lực tối đa hóa việc phòng ngừa ung thư cổ tử cung ở Thái Lan.