Tiềm năng phát triển du lịch y tế của Việt Nam

Người nước ngoài đến Việt Nam điều trị bệnh theo hình thức du lịch y tế ngày càng tăng. (Ảnh: VGP)
Người nước ngoài đến Việt Nam điều trị bệnh theo hình thức du lịch y tế ngày càng tăng. (Ảnh: VGP)
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Sức khỏe và du lịch là hai trong số các tiêu chuẩn đánh giá mức sống của người dân một quốc gia. Hiện nay nhu cầu khách du lịch đến Việt Nam, đặc biệt là TP Hồ Chí Minh để kết hợp giữa du lịch nghỉ dưỡng và khám, chữa bệnh rất cao, có thể đạt doanh thu mỗi năm khoảng 2 tỷ USD. Đây có thể nói là tiềm năng du lịch mới để xây dựng và phát triển.

Việt Nam đã có nhiều tiến bộ về khoa học kỹ thuật, loại hình dịch vụ y tế

Theo báo cáo của Grand View Research, doanh thu năm 2030 của ngành du lịch y tế (medical tourism) trên toàn cầu sẽ lên đến gần 100 tỷ USD. Xuất hiện và phát triển từ thời Hy Lạp và La Mã cổ đại, ngày nay, du lịch y tế đã trở thành ngành dịch vụ phổ biến toàn cầu, là lựa chọn của hàng triệu người mong muốn được trải nghiệm dịch vụ y tế chất lượng cao với mức chi phí lý tưởng.

Dự báo của Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) cho thấy, bên cạnh du lịch có trách nhiệm, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch thông minh và sáng tạo, du lịch y tế cũng là một trong những xu hướng của du lịch thế giới. Với tính chất là mô hình du lịch nghỉ dưỡng kết hợp chăm sóc sức khỏe bằng các liệu pháp y tế hiện đại, mang lại những trải nghiệm thư giãn, đồng thời phòng ngừa các tác nhân gây bệnh, sử dụng các liệu pháp thẩm mỹ làm đẹp không xâm lấn… du lịch y tế sẽ là một trong sáu xu hướng phát triển chính của du lịch thế giới.

Tại châu Á, du lịch y tế đang mở rộng nhanh chóng. Một số nước như Thái Lan, Hàn Quốc, Ấn Độ, Malaysia… đang là điểm đến du lịch y tế của lượng lớn du khách Mỹ và các nước châu Âu. Năm 2019, Thái Lan đón hơn 3 triệu lượt khách chữa bệnh, tạo doanh thu hơn 700 triệu USD. Cùng năm, Ấn Độ cán mốc 3 tỷ USD, Malaysia đạt 1,7 tỷ USD doanh thu. Khách hàng du lịch y tế tại các quốc gia châu Á có nhu cầu chủ yếu gồm thẩm mỹ, chăm sóc nha khoa, chỉnh hình…

Tại Việt Nam, với sự phát triển mạnh của hệ thống cơ sở y tế công lập và tư nhân thời gian qua, cùng với những tiến bộ về khoa học kỹ thuật, loại hình dịch vụ y tế ở nước ta ngày càng thu hút du khách nội địa và quốc tế, nhất là tại thị trường TP HCM.

Theo trang The Asean Post, đã có 80.000 người nước ngoài đến Việt Nam năm 2018 để tìm kiếm dịch vụ và điều trị về y tế mang lại nguồn thu hơn 1 tỷ đô la. Còn theo số liệu của Bộ Y tế, năm 2018, Việt Nam thu về hơn 1 tỷ đô la từ du lịch y tế tính riêng với bệnh nhân nước ngoài.

Từ năm 2017, Sở Du lịch và Sở Y tế TP HCM đã ký kết liên tịch về phát triển sản phẩm du lịch y tế thành phố. Sau đó, chương trình đã thực hiện nhiều hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm du lịch y tế đạt hiệu quả cao như: Công bố và giới thiệu trang thông tin điện tử cung cấp thông tin liên quan đến các đơn vị y tế, dịch vụ du lịch - y tế của hệ thống du lịch y tế thành phố, Ngày hội Du lịch nha khoa, gian hàng du lịch y tế để trưng bày, giới thiệu các sản phẩm và các gói dịch vụ y tế trong lĩnh vực nha khoa, y học dân tộc cổ truyền, khám tầm soát, điều trị chuyên sâu...

Đến nay, TP HCM đã xây dựng và triển khai tiêu chí để các bệnh viện, cơ sở y tế đăng ký tham gia chương trình du lịch y tế, công bố 30 combo chương trình tour kết hợp du lịch y tế, chăm sóc sức khỏe phù hợp với thị trường khách nội địa và quốc tế. Thành phố đã ra mắt website chuyên về du lịch y tế tại địa chỉ: www.dulichytetphcm.com và xây dựng video clip, cẩm nang du lịch y tế bằng 6 thứ tiếng, tổ chức chương trình khảo sát, tìm hiểu và học tập kinh nghiệm phát triển các mô hình du lịch y tế tại Thái Lan, Campuchia...

Triển vọng phát triển du lịch y tế ở TP HCM

Theo bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP HCM, với lợi thế của hệ thống cơ sở vật chất hiện đại gồm 131 bệnh viện, đội ngũ y, bác sĩ có trình độ chuyên môn cao cùng chi phí cho hoạt động khám, chữa bệnh hợp lý, các cơ sở y tế tại TP HCM có khả năng tiếp nhận bệnh nhân là khách du lịch có nhu cầu chữa trị và chăm sóc sức khỏe. Chính vì thế, Sở Du lịch và Sở Y tế TP HCM sẽ phối hợp và đề ra những nội dung hoạt động phát triển sản phẩm du lịch y tế nhằm quảng bá, giới thiệu sản phẩm du lịch này tại thị trường trong nước và thị trường quốc tế của ngành Du lịch và Y tế, thu hút thêm nhiều khách du lịch đến thành phố trải nghiệm dịch vụ. Trong đó, ngoài lĩnh vực du lịch nha khoa đã được hình thành, thành phố sẽ xây dựng thêm những gói sản phẩm y tế cao cấp, mở rộng thêm ở 3 lĩnh vực là Khám tổng quát, Tổng quát chuyên sâu và Y học cổ truyền.

Trong khi đó, TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM cho biết, trong quá trình xây dựng và phát triển, ngành Y tế thành phố đã xác định phát triển du lịch y tế là một trong những giải pháp cải thiện chất lượng dịch vụ, hiện đại hóa quy trình khám, chữa bệnh. TP HCM cũng xác định sẽ hướng tới xây dựng hệ thống y tế tiên tiến, hiện đại, phát triển một số lĩnh vực cao với mục tiêu sẽ đưa Y tế thành phố trở thành trung tâm chăm sóc sức khỏe của khu vực.

Du lịch nha khoa - một trong những sản phẩm du lịch “hút” khách tại TP HCM.

Du lịch nha khoa - một trong những sản phẩm du lịch “hút” khách tại TP HCM.

“Thời gian tới, thành phố sẽ tổ chức khảo sát, học tập kinh nghiệm phát triển các mô hình du lịch y tế tại Thái Lan. Sở Du lịch và Sở Y tế cũng sẽ phối hợp, hỗ trợ cơ sở y tế, doanh nghiệp du lịch hoàn thiện các gói sản phẩm du lịch y tế phù hợp với thị trường khách nội địa và quốc tế, đồng thời tổ chức xúc tiến, quảng bá sản phẩm du lịch y tế để thu hút khách du lịch tại một số thị trường du lịch”.

Theo ông Martin Koerner, Giám đốc Thương mại của Tập đoàn điều hành khu nghỉ dưỡng cao cấp The Anam, Việt Nam đang nổi lên như một điểm đến du lịch chữa bệnh đầy triển vọng.

Trong một bài đăng trên LinkedIn, ông lưu ý rằng Việt Nam có 4 bệnh viện được Tổ chức chuẩn chất lượng y tế Mỹ JCI công nhận và cũng có nhiều bác sĩ và y tá được các tổ chức uy tín như JCI và ISO công nhận. Ông cũng nói rằng Việt Nam cung cấp các dịch vụ y tế giá cả phải chăng với mức giá thấp hơn khoảng 10% so với ở Mỹ. Việt Nam cũng có lợi thế đáng kể so với các điểm đến du lịch y tế khác như Singapore, Thái Lan và Malaysia. Ví dụ, chi phí phẫu thuật bắc cầu tim ở Việt Nam là 10.000 - 15.000 USD, trong khi ở Thái Lan chi phí từ 25.000 - 30.000 USD.

Ông Koerner cũng đánh giá sức hấp dẫn của Việt Nam vượt ra ngoài lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Du khách đến đây chữa bệnh cũng có thể khám phá di sản văn hóa và lịch sử phong phú, chiêm ngưỡng nhiều kỳ quan thiên nhiên như vịnh Hạ Long và tận hưởng khí hậu nhiệt đới ấm áp. Ông nói: “Sự phong phú của các suối nước nóng tự nhiên càng làm tăng thêm sức hấp dẫn của Việt Nam là một điểm đến chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp”.

Theo nhiều chuyên gia, thực ra không phải tới bây giờ ngành Du lịch TP HCM mới đặt ra vấn đề phát triển du lịch y tế bởi trước đây, dù chưa có những sản phẩm chính thức, Việt Nam đã là một trong những điểm đến được du khách lựa chọn để đến... làm răng. Lý do khá đơn giản. Việt Nam có chi phí làm răng thấp hơn rất nhiều nước trên thế giới.

Cụ thể, theo thống kê của tạp chí International Living (Australia), chi phí làm răng tại Việt Nam thấp hơn một số quốc gia như Mỹ, Canada, Australia từ 6 đến 10 lần. Còn so với một số quốc gia lân cận như Thái Lan, Malaysia thì chi phí làm răng ở Việt Nam cũng rẻ hơn từ 30% đến 50%. Dù chi phí rẻ nhưng tại Việt Nam, chất lượng tay nghề của các nha sỹ cũng như việc đầu tư trang thiết bị, máy móc chữa trị cũng không thua kém so với bất kỳ quốc gia có nền nha khoa tiên tiến nào. Năm 2018, International Living đã bình chọn Việt Nam là một trong 3 quốc gia hàng đầu Đông Nam Á được du khách Australia ưa chuộng vì có dịch vụ nha khoa chất lượng cao và chi phí thấp.

Ông Đặng Vũ (Việt kiều Mỹ) về Việt Nam làm răng, kể: “Tôi thường về Việt Nam cấy ghép răng Implant. Tại Mỹ, chi phí cho mỗi lần làm răng như tôi lên tới 10.000 USD nhưng về Việt Nam tôi chỉ tốn khoảng 2.000 USD. Tay nghề của các nha sỹ ở Việt Nam giờ cũng không thua kém so với ở Mỹ, thậm chí các phòng khám nha khoa tại Việt Nam còn liên kết với các phòng khám tại Mỹ nên hồ sơ về răng của tôi luôn được bám sát, cập nhật đầy đủ. Về Việt Nam làm răng vừa rẻ, tôi vừa có dịp đi du lịch, thăm quê hương và bà con họ hàng...”.

Đọc thêm

Rước họa vì thói quen nhiều người hay làm

Bệnh nhân nhập viện vì uống thuốc nam không rõ nguồn gốc. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
(PLVN) -  Liên tiếp trong thời gian gần đây, các bác sĩ tại các bệnh viện thường tiếp nhận nhiều trường hợp cấp cứu vì tự ý uống thuốc nam không rõ nguồn gốc. Điều đáng nói, nhiều người hiện nay tự ý sử dụng các loại thuốc này để điều trị nhiều căn bệnh như: Viêm gan B, sỏi túi mật….

Không dễ dãi với mặt hàng đặc thù liên quan sức khỏe

Ảnh minh họa.
(PLVN) - Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược (dự kiến được trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 vào tháng 5/2024), mới đây khi được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đã được chỉ ra một số nội dung cần xem xét.

Tháng cao điểm an toàn thực phẩm: Địa phương phải kiên quyết xử lý nghiêm vi phạm

Nhiều học sinh là nạn nhân ngộ độc do đồ ăn trước cổng trường. (Ảnh minh họa - Nguồn: SKĐS)
(PLVN) - Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương kiên quyết xử lý nghiêm, đình chỉ hoạt động các cơ sở nếu không bảo đảm điều kiện, không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm; công khai các hành vi vi phạm, kết quả xử lý vi phạm của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng để cảnh báo kịp thời người sản xuất, kinh doanh và cộng đồng...

Người phụ nữ có 2 bàng quang

Người phụ nữ có 2 bàng quang. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
(PLVN) - Các bác sĩ khoa Phẫu thuật tiết niệu và Nam học, Bệnh viện E mới tiếp nhận và phẫu thuật thành công cho nữ bệnh nhân cao tuổi có 2 bàng quang.

Lạm dụng thực phẩm ngọt: Suy giảm sức khỏe gia đình

Trong 10 năm qua, trung bình mỗi người Việt uống 1 lít đồ uống có đường/tuần. (Ảnh minh họa - Nguồn: Shutterstock)
(PLVN) - Trong 10 năm qua, trung bình mỗi người Việt uống 1 lít đồ uống có đường/tuần, gây nguy hiểm cho sức khỏe bởi những tác nhân từ bệnh không lây nhiễm. Con số đáng báo động này được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam cảnh báo tại Hội thảo cung cấp thông tin cho báo chí về tác hại của đồ uống có đường vừa diễn ra vào đầu tháng 4/2024.