Nói đến tiềm năng du lịch Đam Rông, một huyện có đến gần 70% dân là người dân tộc thiểu số (tương đương 5.100 hộ/26.617 khẩu so với 8.284 hộ/38.016 khẩu), điều người ta nghĩ ngay đến là việc khai thác vốn văn hóa cổ truyền để làm du lịch.
Phó Chủ tịch UBND huyện Đam Rông Lưu Đại Phong cho biết: “Hầu hết trong các buôn làng người thiểu số bản địa Đam Rông vẫn còn lưu giữ các nhạc cụ truyền thống, nhất là các bộ chiêng của người Chil, người M’Nông, người K’Ho… Cùng với các nhạc cụ, trong vùng đồng bào thiểu số bản địa Đam Rông hiện vẫn còn lưu giữ khá nhiều các bài bản dân ca truyền thống. Nếu được đến với Đam Rông vào ban đêm, vào một buôn làng nào đấy của người N’Nông, người Chill hoặc người H’Mông, người Dao..., thì chắc chắn việc trực tiếp tham gia vào các lễ hội văn hóa cổ truyền của các tộc người này sẽ là cơ hội của bạn.
Rồi nữa, nói đến tiềm năng du lịch Đam Rông, hẳn phải kể đến những thắng cảnh thiên nhiên hùng vĩ và những nơi có triển vọng là điểm đến của du khách trong tương lai. Trong số đó, đáng chú ý nhất là suối nước nóng Đạ Long, suối Bướm ở Rô Men và nhà thờ đá ngay bên cạnh một nhánh sông của dòng Krông Knô rất nổi tiếng.
Suối nước nóng Đạ Long cách Đà Lạt chỉ khoảng 70km. Hiện tại, muốn đến đây phải đi đường vòng nên khá xa. Nhưng, trong tương lai không xa, khi con đường nối từ đường Trường Sơn Đông tại điểm xã Đinh Knớ của huyện Lạc Dương đến xã Đạ Long (Đam Rông) dài 30km hoàn tất (đã có chủ trương, kinh phí khoảng 100 tỷ đồng) thì việc đi lại của du khách từ Đà Lạt đến suối nước nóng này sẽ được thuận tiện hơn nhiều. Theo các chuyên gia, không những suối nước nóng Đạ Long được nằm ở một vị trí khá đẹp với xung quanh là rừng cây bao phủ mà nơi đây, thiên nhiên còn đặc biệt ưu đãi bởi dòng suối được phun lên ngay chính bên dưới lòng đất với nhiệt độ trung bình 40 độ C – 45 độ C và nồng độ lưu huỳnh cao hơn so với suối nước nóng ở những vùng khác.
Một điểm đến khác: Suối Bướm, thuộc xã Rô Men. Suối Bướm nằm ngay bên trục lộ từ thị trấn Bằng Lăng đến trung tâm xã Rô Men. Ở đây, cảnh trí thật tuyệt vời: Một dòng nước trong xanh và lạnh ngắt trườn qua những gờ đá rồi len vào những khu rừng già mát rượi; những con bướm vàng, bướm nâu tung tăng bay lượn; tiếng róc rách của dòng suối hòa cùng tiếng gió xuyên tán cây xanh tạo nên khúc nhạc rừng du dương êm ái... Đặc biệt, nếu đến được nơi này và nghe câu chuyện về một loài bướm nâu đã “bắc cầu” cho các thiên thần trong một đêm tối trời do chính người dân tộc thiểu số địa phương kể lại, chắc chắn cảm giác thú vị trong chúng ta sẽ tăng lên rất nhiều.
Rời suối Bướm, “lữ khách” chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình đến với dòng Krông Knô chảy ven theo ranh giới giữa hai tỉnh Lâm Đồng và Đắc Lắc. Rất tiếc là chúng tôi không có nhiều thời gian lưu lại để tìm hiểu nhiều về nhà thờ lớn nhất khu vực Đam Rông này, nhưng nhìn thoáng bên ngoài, chúng tôi cũng phần nào cảm nhận được cả quần thể kiến trúc “đá – gỗ” này chính là sự phản ánh tâm thức của con người ta trước thiên nhiên hùng vĩ và các thế lực siêu nhiên quyền năng. Cả công trình “nhà thờ đá” Đam Rông không vươn cao vút như thường thấy mà trải rộng ra, và đối xứng nhau qua một trục trung tâm với cấu trúc “thượng thu hạ thách” (càng lên cao càng nhỏ). Đứng trước công trình kiến trúc giữa mây nước đất trời (tuy còn đang dở dang) này, trong chúng tôi bỗng ngân lên nhạc khúc thiên cung để lòng mình thanh thản đến kỳ lạ!
Xin được nhắc lại, với Đam Rông, du lịch cho đến lúc này vẫn là con số không. Tuy nhiên, với những tiềm năng vừa “chấm phá” ở trên, chúng tôi muốn lưu ý một điều: Xin đừng xem nhẹ du lịch của vùng đất này! Và, Đam Rông không thể “trắng” du lịch!
Thi Hoàng