Mùa hè những năm trước, giới trẻ đã manh nha biết đến sự xuất hiện của pool party ở Việt Nam, một thể loại tiệc phổ biến ở các nước phương Tây. Nhưng phải đến năm nay, pool party mới thực sự bùng nổ và được nhiều người biết tới. Bởi lẽ quy mô tổ chức pool party ở Thủ đô Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh đã mở rộng và mang tầm cỡ hơn hẳn.
Chúng ta thường thấy pool party xuất hiện nhiều trên phim ảnh Mỹ nhưng ít thấy ở các sự kiện của châu Á do tính chất của những bữa tiệc này quá phóng khoáng. Vì vậy, không có gì lạ khi loại tiệc này bị phản đối dữ dội khi đang trong quá trình phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam.
Một bữa tiệc hồ bơi thường có số lượng người tham gia rất đông, đi kèm với các màn chơi nhạc của các DJ, ca sĩ nổi tiếng. Tại bữa tiệc này, dĩ nhiên khách mời phải mặc các bộ áo bơi mát mẻ, cùng hòa mình vào tiếng nhạc và quậy phá càng tưng bừng ở bể bơi càng tốt. Thực đơn cho pool party thường không quá cầu kỳ nhưng đa số khách mời đều chọn cocktail, bia hoặc rượu làm thức uống.
Nếu được tổ chức chuyên nghiệp, pool party thực sự là một cuộc chơi trẻ trung, đáng tham dự nhất vào mùa hè. Ngược lại, nếu buông lỏng các qui định an toàn hay cố ý vi phạm pháp luật, đại tiệc bể bơi sẽ trở thành nơi thác loạn bầy đàn, ẩn họa mọi mối nguy hiểm.
Vừa uống rượu vừa nô đùa, chuyện say rượu ở bữa tiệc bể bơi là điều thường thấy. Chuyện buôn bán hay sử dụng các chất kích thích, quan hệ tình dục không lành mạnh cũng từng xảy ra trong các bữa tiệc bể bơi ở nước ngoài do khách mời quá đông, ban tổ chức thường khó kiểm soát hết mọi hoạt động của khách mời. Vì vậy, tổ chức pool party cần rất chuyên nghiệp và thận trọng. Ở một số tiệc bể bơi chuyên nghiệp, chủ nhà có thể thuê nhân viên giám sát hồ bơi để đảm bảo an toàn cho khách vui chơi.
Một bữa tiệc hồ bơi vào tháng 5 vừa qua ở Hà Nội đã thu hút hơn một nghìn bạn trẻ tham gia. Tuy nhiên, những hình ảnh về sự kiện này lại gây nhiều tranh cãi trên mạng. Theo một số bạn trẻ, việc tổ chức đại tiệc bikini không vi phạm pháp luật, song lại không phù hợp với văn hóa Á Đông.
Một bạn đọc phản đối tiệc bikini đã bày tỏ: “Việc tiếp thu trào lưu “tiệc bikini’’ từ phương Tây như vậy, tôi thấy đó là một bước đi xuống của văn hóa, nhất là đối với các bạn trẻ, những chủ nhân của đất nước. Đó là một trào lưu mang tính ăn chơi, thác loạn, bầy đàn, không phù hợp với nền văn hóa Á Đông của người Việt chúng ta.
Giữa tiếng nhạc chát chúa là rất nhiều nam thanh, nữ tú mình trần nhảy nhót trong một hồ bơi chật chội. Đó là văn hóa chỉ phù hợp bên phương Tây, còn ở Việt Nam thì đó là những hình ảnh phản cảm với nền văn hóa. Các bạn nên suy nghĩ kỹ về những hành động hôm nay để xứng đáng hơn với những lời dạy của cha ông. Hãy suy nghĩ đến sự cống hiến cho đất nước, đừng để lối sống ảo làm hao mòn đi giá trị văn hóa quý giá của dân tộc”.
Bình luận nhận được hơn 3.000 lượt ủng hộ và vẫn có chiều hướng tăng. Trái ngược với ý kiến trên, nhiều bạn trẻ bày tỏ bức xúc vì bị phê phán: “Theo tôi nghĩ thì chuyện như vậy cũng là bình thường thôi, không có gì là phá vỡ bản sắc dân tộc cả. Tuổi trẻ của chúng ta có những bứt phá trong cuộc sống cũng là một điều tốt. Với thời tiên tiến hiện nay thì chúng ta phải có những thích nghi phù hợp chứ không thể nào mà cứ mãi chôn vùi cái hình ảnh gắn mác ngày xưa miễn sao chúng ta đừng làm điều xấu là được!”. Những tranh cãi ủng hộ và phản đối cứ tiếp tục diễn ra mà không có dấu hiệu dừng lại.
Vấn đề là, cùng xuất phát từ phương Tây tại sao một số trào lưu được mọi người tôn vinh, còn một số lại không? Ví dụ như các điệu nhảy hiện đại, các trò chơi truyền thống Nhật Bản, terrarium (trồng vườn trong lọ thủy tinh), vẽ henna… thường xuyên được xuất hiện trong các sự kiện của giới trẻ mà không ai phản đối. Rõ ràng đó không phải lỗi của việc du nhập nền văn hóa phương Tây.
Tiệc bể bơi không có gì xấu. Đó cũng là một trong những thú vui giải trí độc đáo của mùa hè đã tồn tại ở những nước phát triển trong một thời gian dài, thậm chí hơn 50 năm. Nhưng để bữa tiệc thực sự vui khỏe, có ích, khách mời cần thể hiện mình là người có văn hóa, có học thức.
Khi tham gia đại tiệc bể bơi, các bạn trẻ hãy tự biết cách bảo vệ mình và tránh những cám dỗ vô bổ. Đừng để thảm kịch trèo rào, trêu chọc bạn bè, say rượu, dùng chất kích thích… biến những bữa tiệc lành mạnh thành những cuộc “thác loạn bầy đàn”.
Song song với ý thức của người chơi, những người quản lý văn hóa cũng cần đề ra qui định chặt chẽ cho việc tổ chức sự kiện này. Việc có mặt của cơ quan chức năng bảo vệ an ninh cho khách mời là điều cần thiết ở mọi sự kiện.
Ranh giới giữa phản cảm và phóng khoáng thường rất mong manh. Xã hội phát triển, việc du nhập văn hóa không thể tránh khỏi nhưng bạn trẻ cần có cách ứng xử đúng đắn trong mọi hoạt động văn hóa của mình. Để được xã hội công nhận, người tiếp nhận hãy là những người am hiểu và chơi đẹp trong mọi lúc.