Mới đây, liên Bộ Công Thương - Tài chính quyết định giảm 4.100 đồng/lít đối với xăng E5 RON 92 và 4.252 đồng/lít với xăng RON 95. Mức giá bán lẻ tối đa với xăng E5 RON 92 là 11.956 đồng/lít và xăng RON 95 là 12.560 đồng/lít.
Mức giá xăng dầu này được đánh giá là thấp nhất kể từ tháng 4/2009, thậm chí với mức giá hiện nay nhiều người cho rằng 1 lít xăng chỉ ngang với giá 1 chai nước lọc.
Ngay sau đó, một số fanpage trên mạng xã hội đã xuất hiện status với ý tưởng: Nhân dịp giá xăng, dầu giảm thấp, có nên mua tích trữ xăng, dầu số lượng lớn về dùng dần, phòng khi giá mặt hàng này lại tăng cao trở lại…
Trao đổi về vấn đề này, ông Phan Thế Ruệ, Chủ tịch Hiệp hội xăng dầu Việt Nam, cho rằng, cá nhân tích trữ xăng dầu đặc biệt nguy hiểm và là hành vi bị cấm. Hơn nữa, trong bối cảnh hiện nay, giá xăng dầu còn có thể giảm thấp hơn cho nên mua xăng dầu số lượng lớn còn có thể bị lỗ.
“Cá nhân tích trữ xăng dầu rất dễ bị coi là hành vi đầu cơ trục lợi nên có thể vi phạm pháp luật. Hơn thế nữa, mặt hàng này không an toàn nếu không có hệ thống lưu cất quy chuẩn và đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ. Chính vì thế người dân tuyệt đối không nên mua xăng dầu tích trữ dù chỉ 1 lít. Rất không an toàn cho bản thân, gia đình và những người xung quanh”, ông Ruệ cảnh báo.
Trao đổi với PV, luật sư Hoàng Tùng - Trưởng Văn phòng luật sư Trung Hòa (Đoàn luật sư TP Hà Nội) - cho biết, việc giá xăng, dầu giảm mạnh cũng tạo ra cơ hội cho một số cá nhân, pháp nhân có những hành vi như găm xăng dầu, tích trữ xăng dầu thời giá rẻ để khi tình hình ổn định trở lại, đợi giá xăng dầu được điều chỉnh tăng lên rồi đem bán để thu lợi nhuận cao.
Cũng theo Luật sư Hoàng Tùng, đối với hành vi găm xăng dầu theo quy định tại Điều 47, Nghị định 185/2013/NĐ-CP sẽ bị xử phạt từ 5 - 10 triệu đồng.
Đặc biệt, người nào có hành vi đầu cơ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới cộng đồng, hành vi tích trữ số lượng xăng dầu lớn nhưng không bán ra ngoài cho người tiêu dùng thì có thể sẽ bị xử lý hình sự về tội đầu cơ.
Theo quy định tại Điều 196 BLHS năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017, người nào lợi dụng tình hình khan hiếm hoặc tạo ra sự khan hiếm giả tạo trong tình hình thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh hoặc tình hình khó khăn về kinh tế mua vét hàng hóa thuộc danh mục mặt hàng bình ổn giá, hoặc thuộc danh mục hàng hóa được Nhà nước định giá có trị giá từ 500 triệu đến dưới 1,5 tỷ đồng, nhằm bán lại để thu lợi bất chính từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng thì bị phạt tiền từ 30 - 300 triệu đồng, hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Phạt tiền từ 300 triệu đồng đến 1,5 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 3 - 7 năm nếu phạm tội có tổ chức; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức đối với hàng hóa trị giá từ 1,5 tỷ đồng đến dưới 3 tỷ đồng; Thu lợi bất chính từ 500 triệu đến dưới 1 tỷ đồng; Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Phạt tiền từ 1,5 – 5 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 7 - 15 năm nếu mua găm hàng hóa trị giá 3 tỷ đồng trở lên; Thu lợi bất chính 1 tỷ đồng trở lên; Tái phạm nguy hiểm. Trường hợp pháp nhân thương mại phạm tội sẽ bị áp dụng hình phạt từ 300 triệu đến 9 tỷ đồng và có thể bị áp dụng cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 1 - 3 năm.
Cũng theo Luật sư Hoàng Tùng, việc kinh doanh xăng dầu luôn phải đảm bảo các quy định về an toàn phòng cháy, chữa cháy. Trường hợp tích trữ xăng dầu nhưng lại vi phạm các quy định về phòng cháy chữa cháy, kinh doanh trong lĩnh vực này sẽ bị tiến hành xử lý theo quy định của pháp luật.
Cụ thể, Nghị định 67/2017/NĐ-CP quy định về việc xử phạt hành chính trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí dầu mỏ hóa lỏng đã có hiệu lực quy định về các hành vi kinh doanh xăng dầu vi phạm sẽ bị xử phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng nếu cửa hàng bán lẻ xăng dầu không được xây dựng đúng quy định hiện hành về tiêu chuẩn, quy chuẩn của cửa hàng bán lẻ xăng dầu; Cửa hàng xăng dầu trên mặt nước xây dựng không đúng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về yêu cầu thiết kế cửa hàng xăng dầu trên mặt nước.
Bên cạnh đó, Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt trong an toàn phòng cháy chữa cháy còn quy định hạt tiền từ 8 -15 triệu đồng đối với trường hợp không lắp đặt các thiết bị phát hiện và xử lý rò rỉ của các chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ ra môi trường xung quanh; Không có phương án hoặc thiết bị xử lý sự cố bục, vỡ bể chứa, thiết bị, đường ống chứa, đựng, dẫn dầu mỏ, sản phẩm dầu mỏ và các chất lỏng dễ cháy khác.
Phạt tiền từ từ 15-25 triệu đồng đồng đối với một trong những hành vi sản xuất, kinh doanh, san, chiết, nạp chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ mà không có giấy phép; San, chiết, nạp chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ không đúng nơi quy định hoặc san, chiết, nạp chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ sang các thiết bị chứa không đúng chủng loại, không phù hợp với chất, hàng nguy hiểm cháy nổ.
“Trường hợp việc tích trữ xăng dầu lại không đảm bảo các điều kiện an toàn gây ra cháy nổ, thiệt hại đến người và tài sản thì có thể phải chịu trách nhiệm hình sự và trách nhiệm dân sự bồi thường thiệt hại cho người bị hại”, Luật sư Hoàng Tùng chỉ rõ.