Hội nghị do Bộ Tư pháp tổ chức với sự phối hợp của USAID. Cùng dự có đại diện Sở Tư pháp, các cơ quan nghiên cứu, truyền thông, báo chí, các hiệp hội doanh nghiệp khu vực phía Nam, đại diện các Sở, ngành trên địa bàn TP HCM và đại biểu một số đơn vị thuộc Bộ Tư pháp.
5 loại chi phí cần cắt giảm
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh cho biết: Ngày 1/1/2019, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021. Trong đó, Chính phủ đã giao Bộ Tư pháp xây dựng tài liệu hướng dẫn các bộ, cơ quan, địa phương để có cách hiểu đúng, thống nhất về chỉ số chi phí tuân thủ pháp luật (chỉ số B1). Tài liệu hướng dẫn này đã được Bộ Tư pháp ban hành trong quý I/2019 theo đúng thời hạn được giao.
Theo Thứ trưởng, mục đích tổ chức Hội nghị là nhằm tiếp tục nghiên cứu, đề xuất những giải pháp thiết thực, hiệu quả để cắt giảm chi phí tuân thủ pháp luật cho doanh nghiệp. Cụ thể, có 5 loại chi phí là chi phí hành chính; chi phí đầu tư để tuân thủ quy định; phí, lệ phí; chi phí rủi ro pháp lý; chi phí không chính thức. Từ đó, hướng đến mục tiêu nâng xếp hạng chỉ số B1 của Việt Nam từ năm 2019 đến năm 2021 lên từ 5 – 10 bậc, trong đó năm 2019 tăng ít nhất 2 bậc.
Cần giải pháp tổng thể
Trên cơ sở gợi mở của Lãnh đạo Bộ Tư pháp, Hội nghị đã tập trung giới thiệu, phổ biến, quán triệt về Tài liệu hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương, các hiệp hội doanh nghiệp; lắng nghe các chuyên gia phân tích, đánh giá về việc nhận diện và phương thức cắt giảm chi phí tuân thủ pháp luật; kinh nghiệm trong nước và quốc tế về cắt giảm chi phí tuân thủ pháp luật cho doanh nghiệp…
Giới thiệu Tài liệu hướng dẫn, Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật Đặng Thanh Sơn chia sẻ sâu hơn về định hướng thực hiện các giải pháp cắt giảm chi phí tuân thủ pháp luật. Theo đó, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục khẩn trương rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định không rõ ràng, không khả thi, cản trở điều kiện đầu tư kinh doanh, gây khó khăn, phiền hà cho doanh nghiệp; kiểm soát chặt chẽ việc xây dựng, ban hành các văn bản quy định điều kiện đầu tư, kinh doanh, thủ tục hành chính…
Ủng hộ cách tiếp cận giảm gánh nặng chi phí tuân thủ theo nghĩa rộng của Bộ Tư pháp, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Phan Đức Hiếu cũng quan niệm có vô vàn cách thức cắt giảm chi phí tuân thủ pháp luật cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, tập trung lại thì có 2 nhóm: Các cơ quan soạn thảo, thẩm tra cần nâng cao chất lượng quy định pháp luật. Còn các cơ quan thực thi (bộ, ngành, UBND, sở, huyện...) cần tổ chức thực thi pháp luật một cách hiệu quả.
Chuyên gia kinh tế Lê Duy Bình phân tích các chỉ số về cải thiện môi trường kinh doanh (từ A1 đến A10) để chỉ ra rằng các chỉ số này mà đạt kết quả tích cực sẽ tác động lập tức và trực tiếp tới chỉ số B1. Trong bối cảnh nước ta có hàng nghìn văn bản pháp luật, trong mỗi văn bản lại có rất nhiều quy định mà doanh nghiệp hoặc người dân phải tuân thủ. Bởi thế, ông Bình đồng tình, việc giảm bớt chi phí tuân thủ pháp luật đòi hỏi phải có giải pháp tổng thể và sự vào cuộc cùng thực hiện của các bộ, ngành, địa phương.
Từ kết quả điều tra chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, Phó Trưởng Ban Pháp chế VCCI Phạm Ngọc Thạch đề xuất, cần sử dụng nguồn tin độc lập và khách quan trong đánh giá kết quả cải thiện chỉ số B1; tham vấn thực chất cộng đồng doanh nghiệp trong xây dựng văn bản. Ngoài ra, rà soát các lĩnh vực thủ tục hành chính còn nhiều phiền hà; ứng dụng triệt để công nghệ thông tin trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính...