Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC), Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương Võ Văn Dũng, Ủy viên Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC đồng chủ trì Hội nghị.
Khai mạc Hội thảo, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc nhấn mạnh, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta đã sớm nhận thức và ngày càng xác định rõ hơn về nguy cơ, tác hại của tham nhũng, tiêu cực đối với Đảng, chế độ và sự nghiệp xây dựng đất nước, từ đó không ngừng tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTNTC. Đảng ta luôn xác định đấu tranh PCTNTC là nhiệm vụ trọng tâm, vừa cấp bách, vừa lâu dài; là “một cuộc đấu tranh gay go giữa cái tốt và cái xấu, cái cũ và cái mới, giữa đạo đức cách mạng là cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư và kẻ địch là tệ tham ô, lãng phí, quan liêu”; phải được tiến hành thường xuyên, liên tục, không ngừng, không nghỉ, kiên quyết, kiên trì, nhằm mục đích xây dựng Đảng, Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh.
Trong từng giai đoạn phát triển của đất nước, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, giải pháp về PCTNTC, được thể hiện ở nhiều văn bản khác nhau, từ Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, các Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc đến các Luật, Nghị quyết, Nghị định, Quyết định, Chỉ thị, Kết luận, tập trung ở các văn bản chuyên đề về PCTN.
Đặc biệt, qua 40 năm đổi mới, nhất là trong 10 năm gần đây từ khi thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC, công tác PCTNTC được lãnh đạo, chỉ đạo ráo riết, quyết liệt, tạo bước tiến mới cả về nhận thức, lý luận, cả về công tác phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng, tiêu cực. Thực hiện kế hoạch của Ban Chỉ đạo tổng kết 40 năm đổi mới, Ban Nội chính Trung ương tổ chức Hội thảo này nhằm nghiên cứu, tiếp thu, hoàn thiện Dự thảo Báo cáo, làm cơ sở để tham mưu, đề xuất những nội dung về công tác PCTNTC trong Văn kiện Đại hội XIV của Đảng.
Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: PV) |
Trưởng Ban Nội chính Trung ương đề nghị các đại biểu trao đổi, góp ý thẳng thắn, ngắn gọn, tập trung luận giải rõ, sâu sắc, khoa học những vấn đề lý luận về công tác PCTNTC của Đảng qua 40 năm đổi mới; những thành tựu, kết quả đạt được, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm rút ra trong Dự thảo Báo cáo đã đầy đủ, toàn diện chưa.
Ông cũng đề nghị làm rõ những vấn đề đặt ra đối với công tác PCTNTC hiện nay như vừa qua chúng ta chống tham nhũng quyết liệt, xử lý nghiêm nhiều cán bộ, đảng viên vi phạm, cả cán bộ cấp cao, cả đương chức và nghỉ hưu, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, nhưng vẫn xảy ra nhiều vụ án tham nhũng, tiêu cực lớn, gây bức xúc trong dư luận; về mô hình cơ quan, đơn vị chuyên trách chống tham nhũng; về xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc; những yếu tố và giải pháp đột phá nào để đảm bảo sự đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp hướng tới mục tiêu “bốn không” trong đấu tranh PCTNTC và những kinh nghiệm quốc tế có thể vận dụng vào thực tiễn của Việt Nam…
Tại Hội thảo, với tinh thần tâm huyết, trách nhiệm cao, các ý kiến phát biểu tham luận đã tập trung làm sâu sắc hơn về nhiều nội dung trong Dự thảo Báo cáo như đánh giá thực trạng và những vấn đề đặt ra đối với công tác PCTNTC hiện nay; nhiệm vụ, giải pháp cần tập trung giải quyết để đạt được “bốn không” trong PCTNTC; kiến nghị đề xuất công tác điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực qua 40 năm đổi mới, nhất là 10 năm gần đây; kiến nghị đề xuất công tác điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực qua 40 năm đổi mới, nhất là 10 năm gần đây; PCTNTC trong hoạt động tư pháp; công tác thu hồi tài sản tham nhũng…
Phát biểu kết luận, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc ghi nhận, đánh giá cao chất lượng các ý kiến tham luận tại Hội thảo, đồng thời yêu cầu tiếp thu đầy đủ các ý kiến góp ý để làm cơ sở cho việc hoàn thiện, nâng cao chất lượng Báo cáo chuyên đề. Ông cũng mong muốn, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà hoạt động thực tiễn tiếp tục nghiên cứu và góp ý vào Dự thảo Báo cáo chuyên đề.