“Thiên đường” của chó
Người ta chỉ biết người phụ nữ đó tên Lan. Nhân chứng kể lại câu chuyện là anh Nguyễn Văn Thảo (47 tuổi, ngụ khu phố 1, thị trấn Đạmri) người từng gắn bó với công việc chăm chó cho bà Lan hơn 15 năm. Anh Thảo thuật lại quan điểm của bà Lan: “Con người, tiền bạc đều có thể bỏ ta đi. Duy có một “người bạn” không bao giờ rời bỏ ta, không bao giờ tỏ ra vô ơn, đó chính là… con chó”.
Bà Lan xây nhà cho chó ở Tây Nguyên bắt nguồn từ năm 1994, khi người này đi du lịch và công tác ở Đà Lạt về, dừng lại Đạmri nghỉ ngơi. Bà nhận thấy đất đai ở đây còn rộng rãi nên mua một mảnh đất trên 7 hecta sát mặt đường quốc lộ 20 rồi thuê thợ xây thành những “ngôi biệt thự nhỏ” dành cho chó.
Đúng lúc đó, bà gặp anh Thảo vừa đi đào giếng thuê về. Nhìn người đàn ông lấm lem bùn đất, bà Lan móc ví đưa cho anh khoảng 1 triệu đồng, trong khi đó ngày công đi làm thuê của anh thời điểm đó chỉ được 20 ngàn đồng. Bà Lan ngỏ ý nhờ anh Thảo về chăm sóc các chú chó cho bà với mức lương 600 ngàn/tháng, bao ăn ở.
Anh Thảo nhớ lại, trên diện tích 7 hecta đất, bà Lan vừa bố trí làm vườn vừa cho xây ba ngôi nhà nhỏ ngăn cách thành từng phòng nhỏ. Mỗi phòng nhỏ bà cho 3 chú chó ở chung. Mặt khác bà xây thêm sân phục vụ nhu cầu vận động của chó. Gian bếp rộng 3 gian để nấu thức ăn và khu vực nhà tắm cho chó với đầy đủ thiết bị, tiện nghi. Đồng thời, bà Lan thuê gần 30 người làm công, trong đó chỉ có 10 người chuyện chăm làm vườn tược, số còn lại chăm chó. Điều đặc biệt khác, bà gọi những chú chó bằng “em” và xưng… “mẹ” với chúng.
Anh Thảo lục lại những chiếc áo len mặc cho chó khi trời lạnh |
Người phụ nữ này quả là có “quá đáng” trong cách chăm sóc chó. Theo anh Thảo, để chó không bị lạnh, bà đặt áo len từ Đà Lạt. Mỗi con chó đều có một bộ chăn, ga, gối nệm riêng. Hằng ngày chó phải được tắm, chải chuốt bằng các loại dầu thơm. Sau đó, người làm tiếp tục bế chó ra sân sấy khô lông rồi mới thả về nơi ở. Đêm xuống, bà chủ mở vô tuyến cho chó xem. Nước uống và nước để nấu chín thức ăn cho chó nhất nhất sử dụng loại nước đóng chai. Nếu bà Linh thấy nhân viên nào lỡ tay múc nước giếng nấu cho chó ăn, ngay lập tức nhân viên đó bị đuổi việc.
Cuối đời phá sản
Trong ký ức của người làm công, bà Lan khó hiểu ở chỗ không rõ nguyên cớ gì, bà lại “cuồng yêu” chó như vậy. Người phụ nữ thu gom tất cả những chú chó bệnh tật ở mọi nơi về chăm sóc. Một kỷ niệm đáng nhớ khác, một lần đi từ TP.HCM lên thăm trại chó, ngang qua ngã ba Dầu Giây, bà vô tình nhìn qua kính xe hơi thấy một chiếc xe tải vận chuyển hàng chục sọt chó trên đường ra quán nhậu. Bà bắt lái xe quay lại đuổi theo chiếc xe chở chó, tăng tốc độ chạy ra đến tận Nha Trang mới chặn đầu được chiếc xe chở chó, xin mua lại 107 con chó với giá cao gấp 3 lần bình thường.
Nuôi chó với số lượng lớn, hầu như tháng nào cũng có chó bị bệnh rồi chết. Mỗi con chó chết, bà Lan cho người tắm rửa sạch sẽ, sấy khô bộ lông, quấn khăn kĩ càng rồi đưa vào hòm khâm liệm. Trang trại luôn túc trực 4 người đào huyệt, chôn cất, xây mộ khắc chữ lên bia cho chó. Khu đất rộng gần 1 hecta nằm mé ngoài cùng trong khuôn viên được bà “quy hoạch” thành nghĩa địa của các chú cẩu.
Một ngôi mộ chó được bà Lan cho người xây và khắc bia |
Năm 2006, bà Lan đổ bệnh, con cái ở Sài Gòn rước về chăm sóc. Sau đó, do làm ăn thua lỗ, nợ nần nhiều, bà phá sản. Không còn tiền trả lương, người làm công cho bà tự động nghỉ việc. Các con chó nửa bị bắt trộm, nửa bị chết gần hết. Để có tiền trả nợ, bà Lan bán khu đất cho một người bạn. Năm 2009, bà Lan qua đời. Khu đất chủ mới đã mua nhưng vẫn giữ nguyên hiện trạng. Anh Thảo là người gắn bó với bà Lan lâu nhất, lại có nhà ở Đamri nên người mua vườn tiếp tục thuê anh trông coi và chăm sóc cây cối.
Hàng chục năm làm công cho người phụ nữ trên, nhưng anh Thảo chỉ biết mang máng nhân thân bà chủ, rằng bà là người Sài Gòn, có 4 đứa con, hai đi học nước ngoài. Cuộc đời bí ẩn vung tiền không cần đếm có thể đã khiến bà phá sản khi về già. Lại thêm “tình yêu” ngông cuồng, nên khi chết vì bệnh ung thư, nguyện vọng được chôn cạnh mộ chó của bà đã không thành hiện thực vì khu đất và nghĩa trang của chó nay đã thuộc về người khác./.