Ở Việt Nam, ăn xin hoạt động tự do
Ở Việt Nam, hình ảnh những người ăn xin già nua hay tàn tật ngồi trên xe lăn được một người thanh niên khỏe mạnh đẩy đi khắp chợ; những đứa trẻ đen nhẻm, lếch thếch, đáng thương đi xin xỏ từng đồng trong quán xá, ngoài đường phố hay những bà mẹ trên tay bế con ngồi bê lề đường… không còn xa lạ. Tất cả những người này, thường do hoàn cảnh éo le nào đó mà họ phải làm một việc ngoài ý muốn là đi cầu xin sự bố thí của người khác để sống qua ngày.
Thậm chí trước kia, người ta còn thường xuyên nhắc đến cụm từ “làng ăn xin”, “làng ăn mày” và thường là tên quen thuộc như: xã Quảng Thái (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa); xã Xuân Lãnh (Đồng Xuân, Phú Yên), Ích Hậu (Lộc Hà, Hà Tĩnh)... Quả thực đây là những địa chỉ “có tiếng” về việc người dân đồng loạt tỏa đi khắp nơi ăn xin, ăn mày như một nghề truyền thống.
(Ảnh minh họa) |
Nguyên nhân một phần cũng là do thiên tai bão lũ nhiều, nhà cửa ruộng vườn bị tàn phá hết, người dân không có công ăn việc làm, nhiều gia đình lâm vào cảnh khốn cùng nên để sống sót, rất nhiều người dân ở đây mới phải bỏ quê đi tứ xứ hành khất, xin ăn. Tuy nhiên theo những người dân địa phương đó chỉ là quá khứ, hiện tại công việc này không còn duy trì, phổ biến mà thay vào đó người dân làm những công việc danh chính ngôn thuận khác.
Ngày nay nghề ăn xin vẫn duy trì, người ăn xin vẫn xuất hiện nhan nhản trên đường phố, quán ăn. Thế nhưng, họ không còn là những người hành nghề ăn xin tự do như trước kia hay vì rơi vào đường cùng mới phải đi ăn xin, mà nhiều người đi ăn xin theo một đường dây “có tổ chức”, có người đứng sau chỉ đạo. Tiền những người này xin về được không phải là nuôi bản thân, nuôi gia đình… mà phải nộp cho những ông bà trùm “chăn dắt ăn xin” đứng đằng sau “giật dây”, bắt họ phải làm công việc này. Thực trạng này vẫn đang diễn ra tràn lan, phổ biển ở các thành phố lớn.
Tình trạng này đang bị xã hội lên án rất nhiều, luật pháp Việt Nam cũng đã có những quy định về hành vi “chăn dắt ăn xin”. Cụ thể, về xử phạt hành chính, hành vi ép buộc thành viên gia đình đi ăn xin hoặc lang thang kiếm sống sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng. Hành vi của cha, mẹ, người giám hộ ép buộc trẻ em đi lang thang kiếm sống hoặc lợi dụng trẻ em đi lang thang để trục lợi cũng bị phạt tiền từ 5 đến 10 triệu đồng. Hành vi ép buộc người cao tuổi lao động hoặc làm những việc trái quy định của pháp luật bị phạt tiền đến 10 triệu đồng.
Còn hành vi tổ chức, ép buộc trẻ em đi xin ăn hoặc cho thuê, cho mượn trẻ em hoặc sử dụng trẻ em để xin ăn bị phạt từ 10 đến 15 triệu đồng. Hành vi bắt nhịn ăn, nhịn uống, không cho hoặc hạn chế vệ sinh cá nhân; bắt sống ở nơi có môi trường độc hại, nguy hiểm hoặc các hình thức đối xử tồi tệ khác với người cao tuổi bị phạt tiền từ 5 đến 10 triệu đồng.
Ngoài ra, hành vi bắt, ép buộc người già, trẻ em đi ăn xin, làm công việc nặng nhọc, độc hại… cũng có thể xử lý hình sự về tội “Hành hạ người khác” theo Điều 110 Bộ luật Hình sự (BLHS) nếu xác định được đối tượng chăn dắt đối xử tàn ác với người lệ thuộc. Mức phạt cho hành vi này là phạt tù từ 3 tháng đến 3 năm. Và nếu hành vi đối xử tàn ác này gây thương tích thì người phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự về tội “Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác” (Điều 104 BLHS).
Mặc dù có xử lý hình sự, nhưng cơ quan chức năng ở Việt Nam đa phần chỉ dừng lại ở mức xử lý hành chính. Bởi vì, để chứng minh được hành vi này đã cấu thành tội hành hạ người khác thì phải chứng minh những kẻ chăn dắt này có hành vi đối xử tàn ác như gây đau đớn về thể xác, đè nén, áp bức về tinh thần của người bị lệ thuộc. Đồng thời phải chứng minh người già, người khuyết tật hay trẻ em phải là người lệ thuộc (có thể lệ thuộc về quan hệ gia đình như con cái, cha mẹ hay lệ thuộc về kinh tế…) với những kẻ chăn dắt. Còn đối với Điều 228 BLHS thì rõ ràng để xác định sử dụng trẻ em đi xin ăn, bán vé số… có phải là làm những công việc nặng nhọc, nguy hiểm hay không là rất khó.
Muốn đi ăn xin phải đóng lệ phí
Ở Việt Nam, ăn xin không được coi là một nghề, các chế tài xử phạt kể trên hầu như chỉ nhằm vào đối tượng chăn dắt lừa đảo, lợi dụng những người yếu ớt, không có khả năng lao động để thu lợi bất chính. Còn đối với những người đi ăn xin tự do sẽ không chịu bất kỳ sự quản lý hay hình phạt nào.
Tuy nhiên, tại thị trấn Eskilstuna là nơi đầu tiên tại đất nước Thụy Điển lại coi ăn xin cũng là một nghề kiếm tiền chính thức và do đó bất kỳ người nào làm nghề ăn xin cũng phải có giấy phép. Những ai vi phạm quy định này sẽ bị xử phạt.
Tại Thụy Điển, muốn đi ăn xin thì phải có giấy phép |
Cụ thể, những người ăn xin trên đường phố phải xuất trình căn cước hợp lệ và điền vào đơn trực tuyến hoặc nộp tại đồn cảnh sát địa phương để được giấy cấp phép. Mức phí dành cho mỗi tờ giấy phép là 250 krona (khoảng 600.000 đồng) và có giá trị 3 tháng. Hành động xin tiền khi không có giấy phép sẽ bị phạt tới 4.000 krona (gần 10 triệu đồng).
Hội đồng thị trấn Eskilstuna đã tuyên bố, thị trấn này trở thành nơi đầu tiên ở Thụy Điển đưa ra phí cấp giấy phép hành nghề cho người ăn xin. Những người trả khoản phí hàng tháng này sẽ có thể đi ăn xin bất cứ nơi nào họ muốn và không bị phạt tiền. Sau khi ban bố quy định này, 8 người đã gửi đơn xin cấp phép lên chính quyền thị trấn. 3 công dân EU thường ăn xin tại trung tâm thị trấn đã chuyển đi nơi khác.
Hơn nữa, thành viên của Hội đồng thị trấn Eskilstuna cho biết quy định mới nhằm “quan liêu hóa” việc ăn xin, qua đó gây khó dễ cho người muốn sống bằng nghề xin tiền. Ngoài ra, các nhà lập pháp cũng hy vọng quy định này sẽ giúp người vô gia cư tránh bị tổn thương khi tiếp xúc với nhà chức trách địa phương, đặc biệt với cơ quan bảo trợ xã hội. “Tôi hy vọng rằng cảnh sát sẽ có thể có căn cứ để thực hiện việc yêu cầu người ăn xin cần phải có giấy phép mới được hành nghề mỗi ngày”, ông Jimmy Jansson - Ủy viên hội đồng thành phố cho biết.
Tuy nhiên cũng có một số nhà phê bình cho rằng, việc hợp thức hóa hành vi ăn xin sẽ khiến những người này càng dễ bị tổn thương. Các băng đảng tội phạm có thể mua giấy phép và từ đó o bế những người ăn xin đang phụ thuộc vào chúng.
Quyết định trên được đa số người dân Thụy Điển ủng hộ. Bởi lẽ tại Thụy Điển, đa phần những người ăn xin là dân nhập cư. Bởi vậy quyết định đó về thực chất là nhằm buộc dân nhập cư phải trở về quê hương bản quán của họ. Hiện có khoảng 5.000 người ăn xin là người nhập cư ở nhiều đất nước khác nhau, họ tìm đến tất cả các thành phố của Thụy Điển với ý định hành nghề xin ăn. Theo lời của nhiều người ăn xin này, tiền họ kiếm được trong một ngày ở Thụy Điển bằng những gì họ kiếm được trong một tháng ở đất nước của họ. Những người ăn xin đến Thụy Điển thường trở về nước sau 3 tháng ở lại đây.
Thị trấn Eskilstuna là nơi đầu tiên biến ăn xin trở thành một nghề và đưa ra mô hình cấp giấy phép hành nghề. Trong khi đó kể từ tháng 12/2018, việc ăn xin đã bị cấm triệt để ở một số thị trấn khác của Thụy Điển. Các thành phố tự trị đang yêu cầu hành động pháp lý để xử lý tình trạng này vì số lượng người ăn xin ngày càng tăng.