Thụy Điển lo ngại tình trạng đánh bom gia tăng

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
(PLVN) - Thụy Điển – đất nước thường được nhắc đến như một điển hình về sự an toàn và hòa bình – trong năm nay đã chứng kiến làn sóng các vụ đánh bom chưa từng thấy khi các băng đảng tội phạm ngày càng có xu hướng sử dụng chất nổ tự chế để giải quyết những mâu thuẫn.

Theo AFP, Thụy Điển thường có mặt trong top đầu của bảng xếp hạng về Chỉ số Phát triển Con người của Liên Hợp quốc và những quốc gia giàu nhất thế giới về GDP bình quân đầu người. Tuy nhiên, quốc gia Scandinavia này lại đang phải đối mặt với một thách thức bất thường khi các vụ đánh bom đang ngày càng trở thành “chuyện thường ngày ở huyện”.

Chỉ trong tuần qua, một quả bom đã phát nổ ở cầu thang của một tòa nhà chung cư Malmo, một thiết bị nổ được tìm thấy bên ngoài một trung tâm mua sắm ở thị trấn Kristianstad và một vụ nổ đã làm rung chuyển ban công tại một dãy nhà ở Hassleholm ở miền nam Thụy Điển.

Theo thống kê, trong 10 tháng đầu năm nay, đội xử lý bom quốc gia của Thụy Điển đã được triệu tập để điều tra 99 vụ nổ. Một số vụ trong đó đã gây ra thương tích nghiêm trọng về người. Con số này nhiều hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài ra, lực lượng đặc nhiệm của Thụy Điển cũng đã điều tra 76 thiết bị chưa được kích nổ.

“Phải kết luận rằng việc này đã trở thành một xu hướng, một xu hướng đang leo thang”, bà Linda Staaf - người đứng đầu đơn vị tình báo hình sự của cảnh sát quốc gia Thụy Điển – nói. Giới chức Thụy Điển cho hay, những quả bom đã được phát hiện có kích thước đa dạng, một số tương đương với những quả pháo hoa lớn nhưng cũng có những khối thuốc nổ có kích thước lớn hơn, bao gồm quả bom đã xé toạc mặt tiền của 2 tòa nhà chung cư ở thị trấn Linkoping hồi tháng 6 vừa qua.

Cảnh sát trưởng của Thụy Điển Anders Thornberg cũng thừa nhận sự gia tăng các vụ đánh bom ở Thụy Điển không phải là xu hướng chung trên thế giới. Còn theo bà Staaf, phần lớn các vụ đánh bom xảy ra thời gian qua là kết quả của sự trả thù giữa các băng đảng tội phạm.

Bà Staaf cũng cho hay, trước đây, vũ khí mà những tên tội phạm ở Thụy Điển ưa thích là lựu đạn cầm tay và các chất nổ khác do nhà máy sản xuất. Song, trong vài năm qua, chúng có xu hướng chuyển sang các thiết bị nổ tự chế, có sức công phá mạnh hơn để giải quyết mâu thuẫn.

Vẫn theo người đứng đầu đơn vị tình báo hình sự của cảnh sát quốc gia Thụy Điển, tội phạm ở nước này thường sử dụng bom để đe dọa, tống tiền mục tiêu còn khi muốn triệt tiêu kẻ thù, chúng vẫn thường sử dụng súng. Trong 10 tháng đầu năm 2019, thống kê cho thấy ở Thụy Điển đã có 268 vụ nổ súng và 33 người chết, tăng hơn so với 248 vụ nổ súng và 37 người chết trong cùng kỳ của năm trước đó. 

Dù vậy nhưng cảnh sát Thụy Điển khẳng định, nhìn chung nước này vẫn là một quốc gia có mức độ bạo lực thấp. Cảnh sát trưởng Anders Thornberg cho rằng tình trạng bạo lực trong những băng nhóm tội phạm đang gia tăng là một thách thức cực kỳ phức tạp nhưng việc thực thi pháp luật của giới chức Thụy Điển cũng đang được đẩy mạnh.

Thống kê của Văn phòng tội phạm và ma túy Liên Hợp quốc cho thấy, tỉ lệ các vụ giết người trung bình trên toàn cầu năm 2017 là 6,1/100.000 người. Tỉ lệ này ở châu Âu là 3 vụ còn ở Thụy Điển chỉ là 1,1 vụ.

Tin cùng chuyên mục

Giải thưởng Nhà giáo Ghana 2024 là một trong những giải thưởng cao quý nhất để công nhận, tôn vinh những đóng góp của các giáo viên khắp cả nước này. (Ảnh: UNICEF)

Nghề giáo bốn phương

(PLVN) - Giáo viên tại các quốc gia đang phát triển thường xuyên đối diện với nhiều thách thức lớn như nghèo đói, thiếu hụt nguồn lực, lớp học quá tải, điều kiện công nghệ hạn chế. Tuy nhiên, họ vẫn luôn kiên trì và tận tâm, không ngừng nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để mang lại tri thức và hy vọng cho từng học sinh, dù cho điều đó đôi khi vượt xa trách nhiệm công việc của họ.

Đọc thêm

Nghề độc đáo ở Nhật Bản: Ra sức 'nhồi nhét' khách lên tàu, mỗi năm thu nhập trên 800 triệu đồng

 Số lượng người dân đi tàu điện ngầm ở Nhật Bản lúc nào cũng quá tải. (Ảnh: Japan Insider)
(PLVN) - Nhật Bản vốn nổi tiếng là đất nước sử dụng tàu điện ngầm là phương tiện giao thông chính và quan trọng, phục vụ hàng triệu người mỗi ngày. Với hệ thống tàu điện hiện đại, hiệu quả và có mặt khắp các thành phố lớn, việc sử dụng tàu điện là cách tốt nhất để di chuyển trong và ngoài thành phố.

Úc cấm trẻ em dưới 16 tuổi sử dụng mạng xã hội

Hình minh họa
(PLVN) - Chính phủ Úc vừa cam kết sẽ ban hành luật giới hạn độ tuổi sử dụng mạng xã hội là 16 tuổi, kèm theo hình phạt cho các nền tảng không tuân thủ. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ làm thế nào để các ông lớn công nghệ như Facebook, Instagram, TikTok... có thể thực thi hiệu quả quy định này.