10km một công trình thủy điện
Nhiều chuyên gia nhận định, do hệ lụy của những công trình thủy điện vùng thượng lưu được xây dựng dày đặc tại miền Trung nên những năm gần đây, bão lụt xảy ra ngày càng đột ngột và gay gắt hơn, gây nhiều tổn thất về người và tài sản.
Theo thống kê, dải đất miền Trung từ Quảng Nam đến Phú Yên chỉ dài không đến 1.000 km đã có đến hơn 100 công trình thủy điện lớn, nhỏ được xây dựng dày đặc. Riêng tỉnh Quảng Nam đã có đến 20 công trình thủy điện. Như vậy, tính trung bình cứ 10km lại có một công trình thủy điện.
Với đặc điểm địa hình khu vực miền Trung ngắn dốc, nhỏ hẹp, ăn sâu ra biển nên mỗi khi bước vào mùa mưa, bão lũ thường đến nhanh hơn. Mọi năm trước, khi chưa có các công trình thủy điện thì mỗi khi đến mùa mưa bão, người dân vẫn có thể có đủ thời gian để sắp xếp, dọn dẹp hay thậm chí sơ tán kịp thời; nhưng kể từ khi các công trình thủy điện mọc lên, những cánh rừng nguyên sinh bị tàn phá để “hy sinh” cho thủy điện, lũ về nhanh, đột ngột làm người dân không kịp trở tay.
Nhiều mùa mưa bão qua đi, người dân vùng hạ lưu con sông Vu Gia (Quảng Nam) còn phải chịu tình trạng ngập úng cục bộ hoặc toàn phần trên diện rộng. Đó chính là tình trạng ngập lụt do nước từ các nhà máy thủy điện ở thượng nguồn xả về.
Đi dọc triền sông qua các xã Đại Đồng, Đại Lãnh, Đại Hưng…(huyện Đại Lộc) có thể cảm nhận rõ những tàn tích của “hậu lũ” để lại. Từng lớp bùn đất đỏ đặc quánh trộn lẫn với củi cây khô tươi vẫn còn vương vãi, ngỏn ngang khắp nơi. Sau “hậu lũ”, nhiều nhà cửa, đồ đạc bị cuốn trôi, vườn tược, hoa màu bị vùi lấp ,vùng quê nghèo vốn đã nghèo này lại trở nên tiêu điều, xơ xác, tàn tạ hơn.
Người dân đang cố gắng xoay xở tìm cách khắc phục sau lũ. Sống ở đây cả nửa đời người nhưng vài năm trở lại đây, họ thường xuyên phải chống chịu cảnh ngập lụt sau mỗi mùa mưa bão. Bão đi, nước lũ từ thượng nguồn đổ về, dâng cao nhanh, người dân không kịp trở tay. Bao nhiêu gạo, thóc, của cải lại bị thấm nước, hư hỏng hết. Họ trắng tay sau khi lũ lên nhấn chìm căn nhà nhỏ.
Sau bão lụt, các công trình thủy điện Quảng Nam ồ ạt xả lũ gây ngập lụt trên diện rộng |
Từ ngày xây dựng các nhà máy thủy điện ở thượng nguồn như A Vương, Sông Bung, Đắk Mi4, sông Tranh… thì lũ lụt trở nên hung dữ và sức tàn phá nặng nề hơn. Lũ đến nhanh, đột ngột. Các nhà máy thủy điện cứ đến mùa mưa bão lại xả nước làm cho người dân phải nhiều phen mất ăn mất ngủ. Lũ về, giao thông bị chia cắt, không có lương thực, nước uống, sinh hoạt khó khăn, nói chung khổ trăm bề.
Cũng từ ngày có thủy điện mọc lên, nhưng chuông báo động xả lũ được đặt ở khắp nơi vùng hạ lưu. Theo những người dân cho biết, những chiếc còi hú báo xả lũ được lắp đặt năm 2012 đã trở thành nỗi ám ảnh đối với người dân nơi đây. Và chưa bao giờ người dân có cảm giác an tâm khi phải ngày ngày giờ giờ chầu chực và thấp thỏm.
Nhiều người dân chia sẻ, có khi vừa cày đất hay cấy lúa nghe tiếng hú inh ỏi phải bỏ dở công việc để về nhà lo sơ tán, dọn dẹp đồ đạc. Thành ra cũng chả mặn mà gì với làm ăn. Bao năm nay không có thủy điện, cuộc sống bình yên, ít lo lắng. Giờ ai cũng thấp thỏm, không biết khi nào cuộc sống và tính mạng của mình sẽ bị trôi theo dòng nước kia.
Đó mới chỉ là những khó khăn trước mắt khi người dân hàng ngày chống chọi với lũ vào những đợt mưa lớn đổ về. Chưa kể tới việc các em học sinh phải nghỉ học hàng tuần. Lũ dâng, ngập đường ách tắc giao thông. Đối với những em học sinh ở vùng cao ráo không ngập nước thì mưa lớn vẫn có thể tới trường được. Còn các em ở đây thì không. Nước chảy cuồn cuộn, vượt lũ đi học thì sợ bị nước cuốn. Thành ra nhà nào cũng vậy. Thà cho con nghỉ học hàng tuần còn hơn là giao tính mạng của con mình cho “thần” nước.
Gia đình làm ăn, dành dụm cả năm trời. May ra thì đủ ăn cho gia đình qua ngày đoạn tháng, thêm chút nữa thì có một ít để dành dùm tậu con heo, con bê, con gà... nhưng mỗi đợt lũ về trong đêm bà con không ứng cứu kịp thì lại bị lũ cuốn trôi mất. Thế là hết, đi tong cả một gia tài. Các gia đình chỉ biết ngẩn ngơ và ôm nhau khóc trong lũ. Đó là hoàn cảnh chung của tất cả mọi người dân nơi đây.
Có phương án là mua ghe và xây nhà chống lũ. Nhưng giá của một chiếc ghe từ 5 đến 7 triệu đồng. Xây một cái nhà lên đến cả trăm triệu đồng. Ở đây chỉ có những nhà nào thực sự khá giả mới làm nổi hai việc đó. Tính trên địa bàn toàn xã hơn 10 ngôi nhà chống lũ và chỉ có một cái ghe của nhà ông Thi. Cũng nhờ có cái ghe này mà ứng cứu kịp thời những hộ gia đình bị ngập sâu trong lũ. Dân tâm niệm: chỉ muốn Nhà nước phân đất, hỗ trợ di dời đến nơi cao ráo để tránh được những trận nước lớn do thủy điện dồn về.
Mỗi mùa mưa bão, phố cổ Hội An phải sống chung với lũ |
Thực tế cho thấy, từ chục năm nay, trước sự bất thường của những đợt “lũ nhanh” do lũ về, người dân vùng rốn lũ đã tìm cách thích nghi, sống chung với lũ. Tuy nhiên, vẫn cần nhiều lắm sự quan tâm của chính quyền. Phải có phương án kịp thời cho người dân nơi đây đang hàng ngày, hàng đêm chống chọi với lũ. Vì nguyên nhân chính là những đợt lũ do thủy điện xả nước. Thủy điện đã xây không thể nào phá bỏ, nhưng hệ lụy của nó lại là cả một vấn đề... !