Phát biểu tại họp báo, Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam Periric Hogberg nhắc lại việc 50 năm trước, ngày 11/1/1969, ở đỉnh điểm của cuộc Chiến tranh tại Việt Nam, Thụy Điển đã trở thành quốc gia phương Tây đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Ngay sau đó, văn phòng đầu tiên của Đại sứ quán Thụy Điển đã được khai trương tại Khách sạn Metropole ở Hà Nội.
Tin rằng cuộc chiến tranh tại Việt Nam “thật đáng trách về mặt đạo đức”, ông Olof Palme - người sau này trở thành Thủ tướng của Thụy Điển - là chính trị gia phương Tây đầu tiên đã lên tiếng rất rõ ràng và mạnh mẽ phản đối cuộc chiến tranh. Hơn 2,7 triệu người dân Thụy Điển, tức 1/3 dân số Thụy Điển tại thời điểm đó, đã ký đơn lên án cuộc chiến tranh và kêu gọi chấm dứt ngay các vụ ném bom.
Theo Đại sứ Hogberg, hỗ trợ phát triển chính thức kéo dài trong 46 năm và lên tới hơn 4 tỷ USD theo giá trị tiền tệ của hiện nay. Thụy Điển là nhà tài trợ ODA lớn thứ hai cho Việt Nam trong thập niên 70, lớn nhất trong thập niên 80 và lớn thứ tư trong thập niên 90 của thế kỷ XX. Những con số này đã thể hiện khía cạnh về sự giúp đỡ của Thụy Điển.
Hợp tác song phương đã tập trung vào mảng y tế với các dự án như Bệnh viện Uông Bí và Bệnh viện Nhi T.Ư tại Hà Nội, Nhà máy giấy Bãi Bằng và các dự án trồng rừng, cải cách hành chính về luật và thuế như Dự án Hỗ trợ Tư pháp. Thụy Điển cũng đã hỗ trợ quá trình cải cách kinh tế “Đổi mới”, xóa đói giảm của Việt Nam.
Ông Hogberg cho biết, dù hợp tác phát triển song phương đã kết thúc vào năm 2013 nhưng Thụy Điển vẫn hỗ trợ đáng kể cho người dân Việt Nam thông qua các chương trình viện trợ vùng của Thụy Điển cho khu vực các nước tiểu vùng sông Mekong và thông qua ngân sách viện trợ trong khuôn khổ EU và Liên hợp quốc dành cho Việt Nam. “Thụy Điển đã và đang là một đối tác tin cậy và tiếp tục duy trì một mối quan hệ có một không hai với Việt Nam”, ông nói.
Đại sứ Hogberg cũng cho rằng quan hệ đối tác giữa Việt Nam và thế giới không chỉ là mối quan hệ giữa chính phủ với chính phủ mà còn giữa người dân Thụy Điển với người dân Việt Nam. Trong những năm qua, hàng ngàn người Việt Nam đã tham gia các chương trình đào tạo tại Thụy Điển, học tập nghiên cứu tại các trường đại học Thụy Điển hay làm việc cho các công ty Thụy Điển. Hàng ngàn người Thụy Điển cũng đã và đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam.
Về thương mại, kim ngạch hai chiều hiện đạt hơn 1 tỷ USD mỗi năm với tiềm năng còn tăng mạnh trong thời gian tới. Đến nay, một số các tập đoàn đa quốc gia lớn nhất và thành công nhất của Thụy Điển như ABB, Ericsson, H&M, IKEA, Volvo, AstraZeneca, Atlas Copco, SKF, Tetra Pak, Electrolux và nhiều công ty khác đã và đang kinh doanh tại Việt Nam. “Với việc phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU, chúng ta sẽ thấy sự hiện diện mạnh mẽ hơn nữa của Thụy Điển tại Việt Nam”, Đại sứ Hogberg nhấn mạnh.
Cho biết 2019 là năm sẽ có rất nhiều bước mới mẻ trong quan hệ đối tác Việt Nam – Thụy Điển, với nhiều chuyến thăm cấp cao, giao lưu văn hóa đẳng cấp thế giới…, Đại sứ Hogberg bày tỏ tin tưởng chắc chắn rằng tình hữu nghị giữa hai nước sẽ lớn mạnh hơn và phát triển hơn. Dẫn câu ca dao “Yêu nhau vạn sự chẳng nề/Một trăm chỗ lệch cũng kê cho vừa”, Đại sứ Thụy Điển tin tưởng rằng Việt Nam chắc chắn sẽ tiếp tục câu chuyện thành công về phát triển kinh tế và xã hội của mình. Đất nước và nhân dân Thụy Điển cũng sẽ luôn là người bạn thân thiết của đất nước và nhân dân Việt Nam.
Vụ trưởng Vụ châu Âu, Bộ Ngoại giao Đinh Toàn Thắng cảm ơn sự ủng hộ chân thành và to lớn về tinh thần cũng như vật chất của Chính phủ và nhân dân Thụy Điển trong thời kỳ đấu tranh giành độc lập dân tộc cũng như trong các giai đoạn phát triển của Việt Nam sau này. Theo ông Đinh Toàn Thắng, trong bối cảnh mới, hai nước vẫn giữ những sợi dây gắn bó giữa hai nước, tiếp tục đồng hành hướng tới những mối quan hệ mang tính đối tác chặt chẽ trên cơ sở chia sẻ các mục tiêu chung về phát triển bền vững và về một thế giới hòa bình, hợp tác.
Trong thông cáo chung được đưa ra nhân dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Thụy Điển, hai bên nhất trí đánh giá quan hệ song phương trong 50 năm qua đã được mở rộng trên tất cả các lĩnh vực từ chính trị - ngoại giao, thương mại – đầu tư đến văn hóa – giáo dục, đem lại lợi ích cho nhân dân hai nước; đồng thời khẳng định quyết tâm đưa quan hệ song phương lên tầm cao mới; thúc đẩy thịnh vượng và phát triển bền vững của cả hai nước. Hai bên khẳng định sự cần thiết của hợp tác tại các thể chế đa phương như Liên Hợp quốc, ASEM, ASEAN – EU nhằm góp phần duy trì hòa bình, an ninh, ổn định và phát triển tại khu vực và trên thế giới.
Hai bên khẳng định sẵn sàng đối thoại và hợp tác trên các vấn đề toàn cầu mà hai bên cùng quan tâm. “Thông qua việc tham gia tích cực vào hệ thống đa phương, chúng ta có thể góp phần tạo ra một trật tự thế giới quốc tế dựa trên các nguyên tắc chung và đứng lên bảo vệ các giá trị và nguyên tắc mang tính toàn cầu”, thông cáo nêu rõ. Thụy Điển cam kết hỗ trợ lâu dài cho tiến trình phát triển kinh tế của Việt Nam thông qua tăng cường thương mại, trao đổi các giải pháp kinh doanh và chia sẻ kinh nghiệm của Thụy Điển.