Mong một ngày dài hơn 48 giờ!
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh nói rằng, hỗ trợ doanh nghiệp là hoạt động thường xuyên của các Thương vụ ở nước ngoài, trong đó, tập trung việc cung cấp thông tin liên quan đến chính sách quản lý xuất nhập khẩu của nước sở tại; giúp đỡ, tư vấn cho doanh nghiệp trong nước khi tìm hiểu thị trường và kết nối ký kết hợp đồng với các đối tác ngoại...
Số liệu thống kê gần đây cho thấy, hiện trên toàn thế giới, Việt Nam đang có 57 Thương vụ và 7 Chi nhánh thương vụ. Trong đó, khu vực châu Á - Thái Bình Dương có 15 Thương vụ và 4 Chi nhánh; khu vực châu Phi - Tây Nam Á có 13 Thương vụ; khu vực châu Âu có 20 Thương vụ và 1 Chi nhánh; khu vực châu Mỹ có 9 Thương vụ và 2 Chi nhánh.
Một số Thương vụ gặp được thuận lợi khi mối quan hệ cấp cao giữa Việt Nam với nước sở tại rất tốt hoặc bản thân doanh nghiệp nước sở tại cũng muốn tìm hiểu, đầu tư vào Việt Nam..., các hoạt động hỗ trợ qua lại được dễ dàng, thuận lợi.
Có lần tiếp xúc với một vài Tham tán thương mại trong một dịp gần đây, chúng tôi nhận thấy, mong muốn lớn nhất của hầu hết những “người đi xây cầu” là một ngày nhiều... hơn 48 tiếng đồng hồ. Một Tham tán còn chia sẻ, công việc ở Thương vụ, nói vụng “không làm không ai biết” nhưng không thể không làm vì việc thì ngày một chồng chất trên vai. Do đó, mà không có chuyện làm theo giờ như ở Việt Nam; vì thế, họ cả ngày “quay cuồng” với một “núi” những công việc vừa có tên và vừa... không tên.
Chẳng hạn khi thì làm nhiệm vụ đón đoàn công tác từ “nhà” sang, lúc thì cùng doanh nghiệp bay đi xúc tiến thương mại; Việc tìm hiểu và nắm bắt thị trường là việc thường xuyên, liên tục... Thậm chí, Thương vụ còn phải kiêm luôn việc “điều tra” lai lịch doanh nghiệp nước sở tại để có thông tin giúp doanh nghiệp trong nước bàn chuyện giao thương, ký kết. Điều đáng nói là đa phần các Thương vụ của ta ở nước ngoài đang trong tình trạng, việc nhiều người ít. Cơ quan Thương vụ tầm cỡ nhất của Việt Nam cũng chỉ có... 3 người (1 Tham tán thương mại và 2 Tuỳ viên thương mại), còn lại đa phần chỉ có chừng 1 hoặc 2 người.
Thậm chí, có những Thương vụ phải kiêm nhiệm thêm vài quốc gia như ở Italia kiêm nhiệm Hy Lạp, Malta, Cộng Hoà Sip; Thương vụ Thuỵ Điển kiêm nhiệm thêm Đan Mạch, Phần Lan, Iceland, Nauy, Latvia; Thương vụ Achentina kiêm nhiệm thêm Uruguay, Paraguay... Việc nhiều, nhân lực ít, trong khi thị trường phụ trách lại rộng, nên có những Tham tán thương mại đã phải trả giá vì chuyện quá tập trung vào công việc khiến vợ con hiểu lầm, gia đình đối khi gặp sóng gió...
Hà Nội quảng bá hàng nông sản Việt Nam tại châu Âu |
Nguyên đơn bất đắc dĩ tại…. toà
Như đã nói, công việc chính của các Thương vụ là nắm bắt thông tin thị trường và tìm hiểu chính sách xuất nhập khẩu của nước sở tại để có những tham mưu, khuyến nghị kịp thời cho bộ, ngành trong nước. Cùng với đó, là việc hỗ trợ doanh nghiệp trong nước xác minh, tìm hiểu thông tin về đối tác tại địa bàn; tham gia giải quyết các vụ việc tranh chấp; tư vấn các vấn đề pháp lý giúp doanh nghiệp trước khi tiến hành ký kết hợp tác cũng là một nhiệm vụ trọng tâm của Thương vụ.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Công thương Trần Quốc Khánh, lời giới thiệu hay tư vấn của một Thương vụ đôi khi không thể đảm bảo chính xác 100%, vì việc giới thiệu một doanh nghiệp nước sở tại có uy tín chỉ là theo sự hiểu biết của các Tham tán thương mại và chỉ đúng ở một thời điểm nhất định. Đa số Tham tán thương mại không thạo điều tra để tìm hiểu tung tích, lai lịch của các công ty nước sở tại. Đây cũng chính là khó khăn mà nhiều Thương vụ của Việt Nam đã gặp phải trong quá trình thực thi công vụ ở nước ngoài.
Trao đổi với PLVN, ông Lê An Hải - nguyên Tham tán thương mại tại Hàn Quốc cho hay, ông đã từng nhận được nhiều lời đề nghị tìm hiểu về doanh nghiệp nước sở tại từ các doanh nghiệp Việt Nam. “Chỉ một email với vài dòng từ quê nhà gửi qua, có khi Thương vụ phải mất cả tuần, thậm chí cả tháng mới tìm hiểu xong thông tin để đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp trong nước”, lời ông Hải
Cụ thể, có những trường hợp doanh nghiệp nước ngoài hoạt động rất tốt, nhưng đến khi họ bắt tay hợp tác với doanh nghiệp Việt thì sự cố xảy ra, hàng hoá không tiêu thụ được, bị tịch biên tài sản… Lúc này, mọi khó khăn lại đổ lên DN Việt vì hàng đã xuất đi, tiền chưa thu về được. Khi ấy, doanh nghiệp lại tìm đến cầu cứu Thương vụ (qua thư điện tử) và các Thương vụ lại phải vào cuộc tháo gỡ giúp doanh nghiệp Việt.
Ông Hải nói, bản thân ông, rõ ràng mang chức danh ngoại giao nhưng đã từng phải đứng ra làm nguyên đơn tại… toà, để đại diện cho một doanh nghiệp Việt kiện doanh nghiệp sở tại phương vì… xù nợ. “Đó là năm 2009, Công ty Thái Sơn xuất khẩu dầu hương nhu vào Hàn Quốc, có 2 hợp đồng trị giá hơn 200.000 USD, nhưng phía đối tác không trả tiền. Nhận được email từ Thái Sơn, tôi đã lập tức vào cuộc và nhận thấy, doanh nghiệp nước sở tại đã từng hoạt động rất uy tín nhưng đến khi mua hàng từ phía Việt Nam thì họ lại gặp vấn đề từ phía đối tác của họ. Gần như họ bị phá sản, tài sản bị ngân hàng tịch thu để giải quyết nợ nần”, nguyên Tham tán thương mại ở xứ Kim Chi nhớ lại.
Lúc bấy giờ, ông Hải đã phải gặp gỡ rất nhiều cơ quan chức năng địa phương, từ Công an, Sở thuế đến người của chính công ty mà ông đứng “vai” nguyên đơn để kiện. Nhưng họ trình bày, vì khó khăn, không bán được hàng, muốn trả lại hàng cho phía Việt Nam nhưng khi phá sản, bị ngân hàng tịch thu nên không thể. Mà khi tịch biên tài sản bán đấu giá thì việc trả công nợ quốc tế đứng ở vị trí cuối cùng nên doanh nghiệp của ta đành chịu thiệt thòi.
Đó là một câu chuyện mà đến giờ này khi đã hết nhiệm kỳ trở về nước, kể lại với PLVN, ông Hải vẫn còn day dứt trong lòng vì cuối cùng Công ty Thái Sơn không thể đòi lại được tiền từ đối tác Hàn Quốc. Nói vậy, những vẫn không ít nhiệm vụ mà các Thương vụ Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc vai “ông mai, bà mối”, góp phần quảng bá hình ảnh, hàng hoá, thương hiệu Việt Nam đi khắp 5 châu.