Trong chúng ta, ai mà chẳng có một miền quê trong tâm tưởng, trôi qua những tháng năm tuổi thơ đầy hoài niệm và ước vọng. Với người xa quê điều đó càng trở nên rõ nét. Với người xa quê, nỗi nhớ và yêu quê đôi khi còn trở thành phương thuốc kỳ diệu, giúp anh ta vững tâm và vững tin hơn trong cuộc sống.
Càng rõ nét hơn trong tâm hồn những người là nghệ sĩ. Nghệ sĩ có cách yêu quê của riêng mình bởi trời phú cho cái tài nghệ thuật. Anh ta nói bằng tiếng nói của nghệ thuật. Bởi thế đã có hàng nghìn tác phẩm văn học, nghệ thuật ra đời với nhiều cung bậc tình cảm khác nhau.
Với màu yêu và màu nhớ khác nhau. Người thì thắp lên những tán thơ ý tình và vẻ đẹp tha thiết của quê hương. Người lại trồng màu xanh của cây, sắc thắm của hoa lên những toan tranh diễm vóc tuyệt diệu. Cũng có khi, chỉ một ánh mắt mẹ, một màu áo nâu, giọt mồ hôi mặn mòi của người nông dân, một dải màu trắng như mây của đàn cò có thể giúp nhạc sĩ sinh ra tuyệt tác.
(ảnh minh họa) |
“Quê hương là chùm khế ngọt” - Một nhà thơ có cách quan sát tinh tế và giản dị như vậy. Quê hương chẳng phải là những điều cao xa, hoành tráng, mà là mọi điều vẫn thấy hằng ngày, ai cũng trải qua, ai cũng chùng chình luyến thương khi dòng ký ức phai mờ.
Nhưng nông thôn giờ thay đổi nhiều quá. Dẫu nông thôn đã đi vào văn học nghệ thuật một cách tự nhiên và là siêu biểu tượng trong vô vàn tác phẩm, song, đến lúc chính con người - những thành tố giúp vẻ đẹp miền quê thăng hoa, nổi tiếng đã phải da diết đi tìm nhiều thứ đã mất.
Nông thôn từng ngày thay da đổi thịt. Kinh tế phát triển. Nhà cao tầng mọc lên san sát. Bao cảnh quan bị phá vỡ. Thôn quê thay đổi nhiều đến nỗi có đôi khi, ta đang ở trong vòng tay yêu thương quê mẹ mà con tim vẫn da diết nhớ thương, hoài vọng nhớ quê...
Quá trình mở đường, làm đường bê tông cũng xén mất nhiều mảng xanh, nhiều chiếc cổng cây mộc mạc. Cũng đốn hạ nhiều hàng cau xanh mướt mát. Thay vào đó là những chiếc cột điện lạnh lùng, trơ khấc, khô cằn. Cột điện thì làm sao sinh ra được thơ nhạc lãng mạn. Cột điện, trong trường hợp nào đó, chỉ có thể là những “nhân vật” phản diện trong tác phẩm của nghệ sĩ. Người nghệ sĩ dùng những cây cột điện ấy để nói về nhiều giá trị đã mất đi.
Bây giờ, để tìm những bức tường cây ô-dô, cây duối, dâm bụt, hay cây giậu rách, cây hương nhu… khó lắm thay. Bởi tường gạch quá tiện lợi, dễ làm, bền vững. Bởi trồng cây và chăm cây, uốn cho những cái cây kết thành tường tốn thời gian công sức, tốn diện tích. Nên tường cây bị loại bỏ. Tường cây bị đẩy vào quá vãng. Người ta chỉ tìm thấy trong ký ức mà thôi.
Chục năm qua, nhiều Hội Văn học - Nghệ thuật đã tổ chức các trại sáng tác, nhằm kích thích sáng tạo, khơi dậy những vẻ đẹp của làng quê, nông thôn mới hôm nay. Dưới góc nhìn nghệ thuật, nghệ sĩ cung cấp cho công chúng hôm nay những cảm nghiệm về cái được và mất, cái tồn tại và chuyển biến trong tầng sâu văn hóa nông thôn. Cũng có hàng nghìn nghệ sĩ chọn cách điền dã mỗi năm để trải nghiệm, gợi hứng sáng tạo. Đó là nhu cầu tìm về nông thôn thật.
Mục tiêu sáng tạo văn học nghệ thuật đề tài này cũng là nhu cầu bức thiết về việc cất tiếng nói cho nông thôn, bảo vệ nông thôn bớt sự tổn thương trước công nghiệp hóa và đô thị hóa. Mới đây, một tờ báo đã phát động cuộc thi truyện ngắn viết về nông thôn mới, trao thưởng lớn, nhằm chỉ ra vết thương thật sự của nông thôn.
Tác động từ văn học nghệ thuật vô cùng lớn lao. Đôi khi chỉ một chi tiết nhỏ cũng có thể giúp thay đổi hành vi. Một vệt màu trong tranh, một bức ảnh, một tiếng thét trong thơ cũng có thể cứu một ngôi làng khỏi bị tàn phá.
Con người chính là thủ phạm của những vết thương và tổn thương nông thôn. Không ai khác, chính con người mới là thầy thuốc chữa lành sự tổn thương ấy.
Không chỉ văn học nghệ thuật, mà trong mỗi người đều có thể xác định trồng những cây thuốc trong tâm hồn, từ mỗi hành động, để nông thôn mới bền vững và thân thương.