Kinh tế số Việt Nam có sức hút với nhà đầu tư
Báo cáo này cho thấy, nền kinh tế số của khu vực vừa đạt đền một cột mốc mới, chạm ngưỡng 100 tỷ USD lần đầu tiên vào năm nay, tăng 72 tỷ USD so với năm ngoái. Nền kinh tế số tại Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan đang tăng trưởng ở mức từ 20-30% hằng năm. Trong khi đó, hai đại diện dẫn đầu trong khu vực là Indonesia và Việt Nam có tốc độ tăng trưởng vượt mức 40% một năm.
Trong đó, thương mại điện tử (TMĐT) đang là ngành chiếm tỷ trọng lớn nhất và tăng trưởng nhanh nhất. Giá trị của ngành TMĐT khu vực hiện đã đạt đến 35 tỷ USD, so với chỉ 5 tỷ USD vào năm 2015, và đang trên đà chạm đến 150 tỷ USD vào năm 2025. Ứng dụng gọi xe công nghệ đứng thứ 2 về độ tăng trưởng với 40 triệu người gọi xe, đặt thức ăn và sử dụng các dịch vụ khác theo nhu cầu, so với chỉ 8 triệu người vào năm 2015.
Khối doanh nghiệp nhỏ và vừa hầu như chưa biết cách tận dụng lợi thế của thương mại điện tử |
Việt Nam cùng Indonesia là hai thị trường bứt phá mạnh nhất trong xu hướng phát triển nền kinh tế số so với các quốc gia còn lại trong khu vực. Báo cáo cho thấy nền kinh tế số tại Việt Nam đạt 12 tỷ USD năm 2019 và bứt phá lên 43 tỷ USD vào năm 2025, bao gồm các lĩnh vực: TMĐT, du lịch trực tuyến, truyền thông trực tuyến và gọi xe công nghệ.
Năm 2019, Việt Nam sở hữu 61 triệu người dùng Internet, trung bình người Việt dành 3 giờ 12 phút sử dụng Internet trên thiết bị di động như điện thoại thông minh (smartphone).
Đây chính là sức hút mạnh mẽ của thị trường Việt Nam với các nhà đầu tư quốc tế. Ngoài ra, với hai thành phố lớn (Hà Nội và TP HCM) nằm trong 7 thành phố lớn phát triển nền kinh tế số của khu vực, Việt Nam trở thành thị trường đón nhận nguồn đầu tư đứng thứ 3 trong khu vực, với 600 triệu USD đầu tư từ 2018 đến nửa đầu 2019. Số lượng các thương vụ đầu tư ít hơn nhưng giá trị cao hơn trong năm 2019.
Một số thương vụ đầu tư vào MoMo, Sendo, Topica từ các nhà đầu tư quốc tế góp phần đưa Việt Nam trở thành điểm đến của các đầu tư.
Theo thống kê, số người tham gia mua sắm trực tuyến tại Việt Nam tăng đều đặn. Hiện con số là 40 triệu người, tức cứ 2 người thì có 1 người tham gia thanh toán trực tuyến. Tuy nhiên, tỷ trọng doanh thu so với mức bán lẻ trên cả nước chỉ bằng 4,2%.
Doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa biết tận dụng thương mại điện tử
Tiềm năng về TMĐT ở Việt Nam là không thể tranh cãi. Tuy nhiên, doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa biết đến và chưa biết cách tận dụng tối đa ưu thế của TMĐT. Số liệu cho thấy, trong số các DN bán hàng trên sàn TMĐT đều có website, nhưng chỉ khoảng 61% trong số đó có ứng dụng cho di động. Theo ông Hải, đây là một vấn đề cần phải điều chỉnh, DN cần phải nhận thực rõ ràng rằng, hiện nay, người dùng sử dụng internet bằng điện thoại di động là chính, nếu không xây dựng các ứng dụng cho điện thoại, DN sẽ mất một lượng lớn khách hàng.
Báo cáo về nền kinh tế số của Google, Temasek cùng với đối tác mới Bain & Company cũng cho thấy, ở Việt Nam, chỉ 1 trong 5 doanh nghiệp nhỏ và vừa có sự hiện diện trực tuyến.
Phần lớn các doanh nghiệp nhỏ và vừaViệt Nam chưa sẵn sàng tận dụng được cơ hội hòa mình vào dòng chảy phát triển của nền kinh tế số, trong khi ở Việt Nam, số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa lại chiếm phần đông. Do đó, tiềm năng dư địa để phát triển TMĐT ở Việt Nam nằm trong khối DN này rất lớn.
Một số liệu báo cáo của Google cho thấy, kể từ khi áp dụng các khóa kỹ thuật số miễn phí từ cơ bản đến nâng cao và cả các khóa học kỹ năng mềm quản lý, lãnh đạo cho 500.000 người lao động của các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam, tiềm năng phát triển kinh tế số ở khối DN này tăng lên khá lạc quan.
Cụ thể, 82% doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia khóa học đã tạo sự hiện diện trực tuyến của mình hoặc cập nhật thêm thông tin trực tuyến của sản phẩm và dịch vụ của mình sau khóa học. 73% doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia nhận thấy sự gia tăng lượng tương tác với khách hàng.