Phát biểu tại diễn đàn, ông Đặng Hoàng Hải - Cục trưởng Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) khẳng định, nền kinh tế Việt Nam đang bước vào một giai đoạn mới, đã có những thay đổi hàng ngày để hội nhập sâu rộng với thế giới.
“Chúng ta đã ký rất nhiều FTA đặc biệt gần đây nhất là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Chắc chắn khi hiệp định thương mại tự do này được thông qua sẽ ảnh hưởng mạnh đến lĩnh vực TMĐT của chúng ta. CPTPP cũng là một hiệp định có phần nội dung liên quan nhiều đến TMĐT nhất so với các hiệp định thương mại khác mà chúng ta đã ký” - ông Hải cho biết.
Ông Hải cũng đánh giá, trong những năm qua, tốc độ phát triển của TMĐT rất nhanh, được đánh giá mức độ tăng trưởng khá nhanh so với nhiều nước trên thế giới. Hiện nay, cả doanh nghiệp lẫn người tiêu dùng đều thấy được lợi ích của TMĐT và tham gia vào lĩnh vực này ngày càng có chiều sâu. Theo số liệu thống kê, mỗi năm TMĐT ở Việt Nam tăng trưởng khoảng trên 20%. Năm 2017 còn trên 25%.
“Tuy nhiên, vẫn còn thách thức lớn như các chính sách và hành lang pháp lý của Việt Nam hiện vẫn còn sơ sài”, Cục trưởng Hải nói.
Bà Đặng Thuý Hà- Giám đốc BP Nghiên cứu hành vi người tiêu dùng - đại diện Níelsen miền Bắc cũng cho biết, trong năm 2017, Việt Nam đã có 53,86 triệu người truy cập vào Internet, 33% người tiêu dùng Việt thực hiện giao dịch chuyển khoản khi mua sắm trực tuyến. Theo bà Hà, trong thời gian tới việc thanh toán không bằng tiền mặt sẽ còn tiếp tục tăng cao.
Tại diễn đàn, Hiệp hội TMĐT (VECOM) cũng đã công bố Chỉ số TMĐT (EBI). Theo đó, tốc độ tăng trưởng trong TMĐT tiếp tục tăng cao. Dựa trên việc khảo sát hàng nghìn doanh nghiệp (thực hiện vào cuối năm 2017) thì trong năm 2018, chỉ số TMĐT Việt Nam tăng 37,7% , cao hơn năm trước (31,2%).
Theo VECOM, EBI năm 2018 tiếp tục cho thấy TMĐT Việt Nam bước vào giai đoạn phát triển nhanh nhưng chưa thực sự bền vững do lòng tin của người tiêu dùng còn thấp và mức chênh lệch rất lớn giữa 2 thành phố lớn: Hà Nội (79,8%) và TP HCM ( 82,1%) với các địa phương khác như Bắc Kạn (20%).
Trong số 63 tỉnh, thành trực thuộc trung ương có 9 tỉnh không xuất hiện trong chỉ số. Đây là những tỉnh có tên miền quốc gia (.vn) quá thấp và trung bình từ 3.000 dân trở lên mới có 1 tên miền. Trong đó có 5 tỉnh thuộc khu vực miền núi phía Bắc là Cao Bằng, Điện Biên, Hà Giang, Lai Châu và Sơn La, 4 tỉnh miền Tây Nam bộ là Bạc Liêu, Cà Mau, Hậu Giang và Sóc Trăng.
Từ đó, VECOM đề xuất, Việt Nam cần có những chính sách và giải pháp mạnh mẽ để vừa thúc đẩy vai trò “đầu tàu” về TMĐT của 2 trung tâm kinh tế ở 2 đầu đất nước, vừa hỗ trợ sự phát triển của các địa phương khác, tạo sự phát triển nhanh và bền vững trên phạm vi cả nước.