Tận dụng TMĐT để đưa nông sản vùng miền đi khắp thế giới
Trong thời gian vừa qua, các sản phẩm nông sản đặc trưng của các vùng miền các địa phương xuất hiện ngày càng nhiều ở trên các sàn giao dịch thương mại điện tử (TMĐT). Tốc độ tăng trưởng TMĐT của Việt Nam đang ở mức độ cao nhất khu vực Đông Nam Á. Năm 2020 tăng trưởng khoảng 18%, năm 2021 tăng khoảng 15 - 16% và đây là mức tăng trưởng đáng kinh ngạc của khu vực Đông Nam Á. Vì vậy, TMĐT Việt Nam đang bùng nổ rất mạnh.
Ông Nguyễn Bình Minh, Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội TMĐT Việt Nam khẳng định, cơ hội của phát triển nông sản ở các sàn TMĐT hiện nay là rất lớn. Chưa kể, hầu hết các sàn của Việt Nam đều nằm trong top 10 sàn lớn nhất của khu vực Đông Nam Á. Hiện trong 10 sàn lớn nhất Đông Nam Á thì có 7 sàn đang có mặt tại Việt Nam. Điều đó là một cơ hội rất thuận lợi cho bà con nông dân cũng như những sản phẩm của các vùng miền đặc trưng.
Lấy dẫn chứng, trong năm 2021 từ sự hỗ trợ của sàn TMĐT Voso, những tấn vải thiều đầu tiên đã tới được Berlin và có giá trị rất cao, ông Minh cho rằng, đây chính là một bước để thấy rằng TMĐT đã đóng góp rất lớn để đưa những sản phẩm ở các địa phương, đặc sản vùng miền đến tất cả những nơi trên thế giới, đặc biệt là những thị trường cao cấp.
Ông Phạm Văn Dũng, Giám đốc Hợp tác xã Hồng Xuân (Bắc Giang) cho biết, ngay năm đầu tiên tham gia bán trên sàn TMĐT, khách hàng đã đặt mua rất đông. Trong 2 ngày đầu đã nhận được số lượng đơn hàng tổng cộng khoảng mấy chục tấn. Trong 1 tháng đã bán được hàng trăm tấn.
“Ban đầu không ai nghĩ là có thể thuận lợi đến thế do chúng tôi đều lo lắng khoản tiếp cận công nghệ. Bên cạnh đó, chúng tôi nghĩ livestream, bán trên sàn TMĐT chỉ để quảng bá sản phẩm thôi. Thật sự không ai dám tin, bán hàng qua TMĐT lại được nhiều và cho thu nhập tốt thế” - ông Dũng chia sẻ.
Tuy nhiên, để đưa các sản phẩm nông sản vùng miền lên sàn TMĐT cũng gặp không ít khó khăn, trong đó có những khó khăn từ chủ quan của người nông dân như chưa có nguồn hàng ổn định hoặc nguồn hàng chưa đáp ứng được yêu cầu của các thị trường khó tính. Ví dụ, Bắc Giang đã cùng sàn Alibaba hỗ trợ đưa nông sản lên sàn. Ngay sau khi lên sàn, trong vòng 1 - 2 tuần đầu lượng tương tác rất đông, có ngày 600 lượt khách hàng quan tâm nhưng tất cả yêu cầu đều phải là “sản phẩm hữu cơ”.
Ông Minh cho biết, có 2 cách để chúng ta cạnh tranh trong TMĐT. Hoặc phải bán thật rẻ nếu tất cả sản phẩm đều giống nhau hoặc phải có sự khác biệt. “Nông sản Việt Nam khác biệt chính là các sản phẩm OCOP và sản phẩm đặc thù vùng miền. Do đó, tận dụng TMĐT chính là cơ hội để đưa sản phẩm khác biệt của Việt Nam có thể đi được khắp mọi nơi”.
Xây dựng thương hiệu qua sàn TMĐT
Ông Trần Văn Hiếu - Giám đốc DACE (một công ty chuyên sản xuất gia vị xuất khẩu, có vùng nguyên liệu tại Cao Bằng) cũng chia sẻ, sau COVID, hành vi người tiêu dùng đã thay đổi nhiều, người ta quen với việc mua bán TMĐT nhiều hơn nên tốc độ tăng trưởng về TMĐT rất nhanh. Từ đó, người nông dân hay doanh nghiệp cũng phải thay đổi hành vi bán hàng.
“Ở Trung Quốc, người dân bán hàng livestream từ đồng ruộng mà bán được số lượng rất lớn nên hợp tác xã hay doanh nghiệp cũng nên tham gia các hoạt động bán hàng qua livestream. Chúng tôi rất quan tâm đến việc bán hàng qua TMĐT, nhất là trong tình hình hiện nay, 95% doanh thu của chúng tôi đến từ xuất khẩu” - ông Hiếu chia sẻ.
Trong thời gian tới, DACE dự tính dành thêm nguồn tài chính tập trung vào marketing, chuyển đổi số và TMĐT. Ví dụ như trong nước, DACE dành ra 7% doanh thu làm marketing trên TMĐT, tập trung vào việc bán hàng B2B (doanh nghiệp với doanh nghiệp) và B2C (doanh nghiệp với người tiêu dùng).
“Tuy chúng tôi chưa đo lường được chính xác TMĐT giúp ích gì cho việc bán hàng, bán buôn nhưng khi tham dự hội chợ quốc tế, ngoài việc gặp mặt và xem sản phẩm như thế nào thì đối tác cũng tham khảo những thông tin ở trên mạng Internet rất nhiều và chính việc đầu tư vào TMĐT đã giúp DACE bán hàng nhanh hơn cho các khách hàng lớn trên thế giới” - ông Hiếu thông tin.
Ông Minh khẳng định, doanh nghiệp cần chú ý phát triển đầu tư các hoạt động về marketing, quảng bá và làm thương hiệu ở trên Internet. Bởi nếu muốn nông sản của Việt Nam đi khắp thế giới, muốn nông sản Việt vào được các thị trường uy tín thì buộc phải xây dựng thương hiệu. Bởi vì khi có thương hiệu, chỉ cần bán một sản phẩm ở thị trường Mỹ thì có thể kéo theo bán một nghìn sản phẩm ở các thị trường khác. Do đó, nếu có uy tín, có thương hiệu, được các thị trường khó tính chấp nhận thì đương nhiên sản phẩm của Việt Nam có thể đi khắp thế giới dễ dàng.
Vì vậy, việc đầu tư làm thương hiệu hay quảng bá hình ảnh, nâng cao các kỹ năng về marketing trên nền tảng số là những điều các doanh nghiệp cần đầu tư và nó sẽ mang tới cho doanh nghiệp nói chung, các doanh nghiệp đầu tư vào phát triển nông sản nói riêng bước nhảy mới trong cái thời kỳ chuyển đổi số hiện nay.