Thượng đỉnh Trump – Kim và bóng dáng ba 'bóng hồng' Triều Tiên

Từ trái sang phải: Kim Yo Jong, Ri Sol Ju và Choe Son Hui
Từ trái sang phải: Kim Yo Jong, Ri Sol Ju và Choe Son Hui
(PLO) - Thành công của thượng đỉnh Singapore không chỉ của Kim Jong Un và Donald Trump, vì trong đó còn có sự góp phần của ba người phụ nữ Triều Tiên.  

Đằng sau lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un 34 tuổi, luôn có hình bóng của ba người phụ nữ tuy lặng lẽ nhưng lại có các vai trò quyết định tích cực trong tiến trình mở cửa do Bình Nhưỡng khởi xướng hồi đầu năm nay: Cô em gái út Kim Yo Jong, 31 tuổi ; người vợ Ri Sol Ju 29 hay 30 tuổi; và thứ trưởng ngoại giao phụ trách về Hoa Kỳ, bà Choe Son Hui, 53 hay 54 tuổi. 

Kim Yo Jong, em gái út và ngôi sao đang lên

Thế giới cũng như chính bản thân người dân Triều Tiên biết rất ít về các thành viên gia đình họ Kim. Đối với các chuyên gia và các nhà nghiên cứu về Bình Nhưỡng, Kim Yo Jong, độ chừng 30 tuổi, em gái út của lãnh đạo Bắc Triều Tiên, xuất hiện trước công chúng lần đầu tiên và truyền thông trong nước vào năm 2009. Đó là lúc cô tháp tùng cùng cha, ông Kim Jong Il đến thăm đại học nông nghiệp Bình Nhưỡng.

Cũng từ đó, cô thường xuyên bên cạnh cha mình trong các chuyến lưu hành trong nước đến thăm các hợp tác xã nông nghiệp, các xưởng may giày hay xưởng sản xuất dây cáp điện. Hiển nhiên là ông Kim Jong Il đã giao phó cho cô các nhiệm vụ quan trọng khi mà cô chỉ mới có khoảng 20 tuổi. Trong buổi tang lễ của Kim Jong Il năm 2011, cô đứng ở một vị trí quan trọng cạnh anh trai mình đang rơi lệ. 

Người ta biết rất ít về tuổi thơ của cô ngoại trừ chi tiết là cô và Kim Jong Un cùng người anh trai cả là Kim Jong Chol là con của cựu diễn viên múa  Ko Yong Hui, sinh ở Nhật Bản và là vợ thứ ba của cố lãnh đạo Kim Jong Il. Bà qua đời năm 2004 tại Paris vì chứng bệnh ung thư.

Cũng giống Kim Jong Un, cô theo học trung học ở Bern, Thụy Sĩ, rồi theo học các chương trình đại học ở Châu Âu. Trong quãng thời gian đó, dường như cô đã học tiếng Pháp và Anh trước khi trở về lại Bình Nhưỡng học tiếp chương trình tin học tại đại học Kim Il Sung. 

Nếu như cái chết đột ngột của Kim Jong Il đã đẩy Kim Jong Un vội vã lên cầm quyền vào lúc chỉ mới khoảng 30 tuổi, vận mệnh của Kim Yo Jong cũng đã có những bước ngoặt đi lên.

Khi Kim Jong Un nắm quyền lãnh đạo đất nước cuối năm 2011, sự nghiệp chính trị của Kim Yo Jong trong lòng Ban Tuyên huấn của đảng Lao động Triều Tiên cũng cất cánh theo cho đến khi được bổ nhiệm làm Phó Chủ tịch Ban Tuyên huấn, trực thuộc Ban Chấp hành Trung ương Đảng, phụ trách khâu tổ chức sự kiện cho anh trai mình.

Ông Kim Jong Un và phu nhân
Ông Kim Jong Un và phu nhân

Để rồi hai năm sau đó, cô được thăng cấp trở thành Ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị, cơ quan quyền lực cao nhất do Kim Jong Un điều hành. 

Vai trò của phụ nữ trong bộ máy chính trị của Triều Tiên là rất hiếm, do bởi xã hội nước này vẫn còn mang nặng tư tưởng phụ hệ, ngoại trừ gia đình họ Kim. Trong nhiều thập niên qua, Kim Kyong Hui, em gái của Kim Jong Il, từng là một người thân cận của anh mình, nắm giữ nhiều chức vụ quan trọng hàng đầu trong hàng ngũ đảng và thậm chí còn là tướng bốn sao năm 2010. 

Nhưng sự thăng tiến của Yo Jong còn đáng ngạc nhiên hơn bởi vì cô được tham gia vào Hội đồng Nhân dân Tối cao, Nghị viện Triều Tiên lúc 27 tuổi, dưới sự bảo hộ của người anh, muốn đào tạo cô cho những chức vụ cao hơn. 

Tháng 2/2018, Kim Yo Jong trở thành thành viên đầu tiên của gia đình họ Kim đặt chân đến Hàn Quốc để dự Thế Vận hội Mùa đông tại Pyeongchang. Sự kiện cho thấy cô em gái của Kim Jong Un khẳng định quyền lực ngày càng lớn trong lòng chế độ. 

Về mặt hình thức, nếu như trưởng đoàn Triều Tiên là Kim Yong Nam, về mặt chính thức là người đứng đầu Nhà nước, nhưng vai trò chỉ mang tính tượng trưng, thì trên thực tế, chính Kim Yo Jong mới là trưởng đoàn. Chính cô là người tận tay trao thông điệp của anh trai mình cho tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In.

Hai tháng sau, ngày 27/4/2018, trong suốt thượng đỉnh lịch sử Liên Triều diễn ra ở khu vực phi quân sự Bàn Môn Điếm nhưng trên phần lãnh thổ phía nam, cũng chính cô là người bên cạnh anh trai cho các nghi thức.

Trong suốt hai chuyến đi chính thức của Kim Jong Un tại Trung Quốc hồi tháng Ba (Bắc Kinh) và tháng Năm (Đại Liên), cô cũng luôn hiện diện, chăm chút hình ảnh ra bên ngoài cho Kim Jong Un. Do vậy, thượng đỉnh 12/6 này tại Singapore, cô em út tận tụy này vẫn có mặt bên cạnh anh mình như một chiếc bóng.

Ri Sol Ju, “Đệ nhất phu nhân” đầu tiên

Khi tay trong tay cùng với người vợ trẻ Ri Sol Ju đi du hành trong nước năm 2012, ít lâu sau khi lên cầm quyền, lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã muốn đưa ra một hình ảnh mới về cặp vợ chồng lãnh đạo: Gần gũi với dân chúng hơn, hiện đại hơn, năng động hơn. 

Đầu tiên hết là thông điệp gửi đến người dân Triều Tiên cho đến lúc này chưa bao giờ được nhìn thấy các đệ nhất phu nhân can dự vào đời sống chính trị. Cũng như mọi thành viên khác trong gia đình họ Kim, người ta biết rất ít về vợ của lãnh đạo Triều Tiên.

Kim Yo Jong tháp tùng anh trai Kim Jong Un trong một chuyến công tác
Kim Yo Jong tháp tùng anh trai Kim Jong Un trong một chuyến công tác

Sinh năm 1989 tại thành phố cảng biển Chongjin ở phía bắc đất nước, bố mẹ đều là trí thức và là bác sĩ, tuổi thơ của Ri Sol Ju trải dài giữa Chongjin và Bình Nhưỡng, nơi sau này cô đi học.

Theo một số người, Ri Sol Ju dường như đã đến Bắc Kinh để học âm nhạc và từng là thành viên ban nhạc Unhasu. Điều này có lẽ chẳng mấy gây ngạc nhiên bởi vì nhiều phụ nữ gia đình họ Kim đều là nghệ sĩ. Nhưng cũng những nguồn tin khác cho rằng Ri Sol Ju dường như tốt nghiệp trường đại học Kim Il Sung ngành khoa học tự nhiên. 

Dù sao đi chăng nữa, Ri Sol Ju từng có tham gia Giải Vô địch Điền kinh châu Á năm 2005 tại Hàn Quốc trong nhóm “pom-pom girls” mà thế giới đã có dịp khám phá nhân Thế Vận hội Mùa đông năm nay. 

Rất được truyền thông phương Tây và Hàn Quốc chú ý đến, người phụ nữ trẻ hiện nay là biểu tượng của một đất nước đang chuyển mình. Đây chính xác là hình ảnh mới này mà lãnh đạo Bắc Triều Tiên muốn đưa ra.

Trên các bức ảnh được loan tải ngày 27/4 vừa qua, nhân thượng đỉnh lịch sử liên Triều tại Bàn Môn Điếm, người ta có thể thấy rõ là Ri Sol Ju rất tự nhiên với phu nhân của tổng thống Hàn Quốc. Trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Kim Jong Un đến Bắc Kinh hồi tháng Ba vừa qua, thế giới nhìn thấy hai cặp lãnh đạo cùng đứng chụp ảnh chính thức: Tập Cận Bình cùng vợ là ca sĩ Bành Lệ Viên, và Kim Jong Un với Ri Sol Ju.  

Choe Son Hui, nhà đàm phán hạt nhân kỳ cựu

Theo nhìn nhận của một số người, bà Choe Son Hui chính là người đã lớn tiếng chỉ trích mạnh mẽ phát biểu của cố vấn an ninh quốc gia John Bolton cho rằng muốn áp dụng “mô hình Lybia” cho Bắc Triều Tiên. Bà cũng không do dự gọi ý định này của phó tổng thống Mỹ Mike Pence là một “điều xuẩn ngốc”.

Sinh năm 1964, Choe Son Hui được một quan chức cấp cao thời bấy giờ là Choe Yong Rim nhận làm con nuôi. Bà theo học tại Triều Tiên, Trung Quốc, Áo và Malta. Bà sử dụng thành thạo tiếng Anh và bắt đầu sự nghiệp bằng vai trò phiên dịch trong những năm 1990 trong các cuộc đàm phán hạt nhân đầu tiên giữa Bình Nhưỡng và Washington dưới thời tổng thống Bill Clinton.

Choe Son Hui cũng từng bước leo từng nấc trong ngành ngoại giao khi gia nhập Bộ Ngoại giao và tham dự tất cả các cuộc đàm phán sáu bên trong những năm 2000. Một lần nữa, chính bà là người đã tiếp cựu tổng thống Bill Clinton nhân chuyến đi Bình Nhưỡng hồi năm 2009 của ông để đón hai nhà báo Mỹ bị kết án tù vì tội thâm nhập trái phép lãnh thổ Bắc Triều Tiên. 

Mới đây, cũng chính Choe Son Hui có mặt tại khu phi quân sự Bàn Môn Điếm để cùng với đồng nhiệm Mỹ Sung Kim đúc kết nội dung chính những gì được đưa ra thảo luận hay không trong kỳ thượng đỉnh 12/6 tại Singapore.

Là một người dày dạn kinh nghiệm, Choe Son Hui hơn bao giờ hết là một nhà đối thoại không thể thiếu trong các cuộc thương lượng về hạt nhân, trong cuộc gặp lịch sử với Donald Trump và cả trong các cuộc thương lượng sắp tới. 

Ông Ralph Cossa, Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế thuộc Diễn đàn Thái Bình Dương, có nhận xét như sau: “Bà ấy cực kỳ thông minh và rõ ràng có một mối liên hệ chặt chẽ với tầng lớp lãnh đạo. Bà ấy chỉ cần có vài tháng nữa để được cất nhắc lên những chức vụ cao hơn ngay trong lòng Bộ Ngoại giao”. Nhất là sau kỳ thượng đỉnh lịch sử 12/6 vừa qua tại Singapore.

Tin cùng chuyên mục

Đọc thêm

Thúc đẩy chuyển giao công nghệ, tri thức bán dẫn từ Nhật Bản sang Việt Nam

Hình ảnh tại hội thảo.
(PLVN) - Hội thảo nhằm thúc đẩy chuyển giao công nghệ, tri thức về ngành sản xuất chất bán dẫn từ Nhật Bản sang Việt Nam, hỗ trợ phát triển năng lực chuyên môn, nghiên cứu của nguồn nhân lực chất lượng cao tại Việt Nam; tạo ra các cơ hội việc làm, thực tập và đào tạo cho sinh viên và các chuyên gia Việt Nam tại Nhật Bản...

Ưu điểm 'xe tăng tốt nhất thế giới' của Nga

Một mẫu xe tăng hiện đại hoá từ nguyên mẫu T-72 của Nga.
(PLVN) - Dù có thiết kế rất đơn giản nhưng xe tăng chiến đấu chủ lực T-72 của Nga là xe tăng tốt nhất thế giới, hãng tin Sputnik dẫn lời nhà báo Brandon Weichert trên ấn phẩm The National Interest (TNI) của Mỹ khẳng định.

Vì sao UNESCO khuyến nghị bảo tồn di sản nghe nhìn?

Hoạt động kiểm kê phim tại Kho lưu trữ UNESCO. (Ảnh: UNESCO)
(PLVN) - Di sản nghe nhìn là những tư liệu quý giá về lịch sử, văn hóa và sự phát triển của con người. Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng của công nghệ số cùng với các nguy cơ tự nhiên và nhân tạo đang đe dọa sự tồn tại của các tài liệu này. Nhận thức được điều đó, UNESCO đã không ngừng thúc đẩy các sáng kiến bảo tồn di sản nghe nhìn, nhằm đảm bảo tính bền vững và khả năng tiếp cận cho các thế hệ tương lai.