Dư luận đang rất trông đợi Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên sẽ được tổ chức tại Hà Nội, Việt Nam ít ngày tới. Theo ông, tại sao Việt Nam lại được chọn làm địa điểm tổ chức Hội nghị?
- Theo tôi có 3 lý do. Thứ nhất, đây là mẫu số chung của 2 nước, chắc chắn cả 2 bên đều thỏa thuận chứ việc lựa chọn này không phải của 1 bên. Việt Nam có quan hệ tốt với cả 2 bên. Với Mỹ, sau 24 năm bình thường hóa quan hệ, Việt – Mỹ nay đã là đối tác toàn diện. Quan hệ giữa 2 bên rất thuận lợi, ổn định; Mỹ là 1 trong những đối tác quan trọng hàng đầu của ta. Điều này thể hiện rất rõ ở chỗ từ khi bình thường hóa quan hệ đến nay, tất cả các đời Tổng thống Mỹ đều sang thăm Việt Nam. Hai nước có quan hệ tốt cả về chính trị, kinh tế, an ninh.
Còn với Triều Tiên là quan hệ truyền thống. Trong một thời kỳ dài, quan hệ giữa 2 nước rất mặn mà. Một trong những biểu tượng của việc này là mấy trăm sinh viên Việt Nam đã được đào tạo tại Triều Tiên và sau này đã trở thành những người có vị trí trong các lĩnh vực khác nhau của Việt Nam như ngoại giao, kinh tế, lãnh đạo tỉnh, bộ, ngành... Tất nhiên cũng có thời gian quan hệ hai bên không phát triển mạnh nhưng chúng ta vẫn cùng Triều Tiên giữ quan hệ tốt đẹp, duy trì Đại sứ quán. Như vậy, quan hệ của cả 2 bên với Việt Nam đều tốt. Người ta yên tâm rằng Việt Nam là nước không có thiên vị. Chắc chắn Mỹ thích và Triều Tiên cũng thấy thuận lợi. Đó chắc chắn là điều họ coi là yêu cầu hàng đầu.
Lý do thứ 2 là lịch sử Việt Nam rất đặc biệt. Từng là nước bị chiến tranh tàn phá, đói nghèo, lạc hậu, giờ chúng ta đã chuyển mình mạnh mẽ, đổi mới, hội nhập quốc tế; chúng ta có nền kinh tế phát triển, xã hội cũng được thay đổi rất nhiều. Về vị thế quốc tế, chúng ta hiện nay có quan hệ đối tác chiến lược và đối tác toàn diện với các nước, tham gia hầu hết các tổ chức cũng như các diễn đàn, cơ chế. Cái vừa qua chúng ta thiếu thì gần đây được bổ sung là tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình quốc tế. Bên cạnh đó, chúng ta cũng đã tổ chức nhiều sự kiện quốc tế, đón nhiều nguyên thủ quốc gia. Tôi nghĩ mô hình, hoàn cảnh phát triển của Việt Nam rõ ràng là thu hút được sự quan tâm của cả 2 bên và họ cũng muốn coi đây là một gợi ý để quan hệ giữa Triều Tiên với Mỹ cũng như với nước khác là sự phát triển lâu dài.
Lý do 3 là địa điểm. Về địa lý mà nói thì Việt Nam cách không xa Triều Tiên, thậm chí so với hội nghị thượng đỉnh lần thứ nhất còn gần hơn rất nhiều. Việt Nam có đại sứ quán của cả 2 nước. Việc tổ chức hội nghị ở nơi như Việt Nam thì họ sẽ an tâm cả về mặt hậu cần, an ninh bảo vệ. Có thể còn các lý do khác nữa nhưng tôi nghĩ rằng Việt Nam trở thành nơi hội tụ nhiều nhân tố tổng hợp để được lựa chọn.
Ông nhận định các bên có thể trông đợi gì tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ 2 tới đây?
- Tôi nghĩ Hội nghị thượng đỉnh lần thứ nhất rất quan trọng. Từ chỗ 2 bên thù địch với nhau, chiến tranh có thể xảy ra bất cứ lúc nào nhưng cuộc gặp đã dẫn đến 4 điểm, đưa đến những nguyên tắc lớn điều phối giữa Mỹ và Triều Tiên, vẽ ra viễn cảnh giữa 2 nước không còn thù địch, có quan hệ bình thường; mở ra 1 chương mới trong quan hệ giữa Mỹ và Triều Tiên đồng thời thiết lập cơ chế hòa bình trên bán đảo Triều Tiên. Hai nữa là rõ ràng sau đó cuộc gặp cả 2 bên đều kiềm chế, Triều Tiên không thử hạt nhân nữa. Hai bên cũng đã bớt lời lẽ phê phán nhau đi dù còn những vướng mắc chưa giải quyết. Từ cuộc gặp đó, chuyện liên Triều diễn ra rất nhộn nhịp, 2 bên đang thiết lập lại hệ thống đường sắt hay các cơ sở kinh tế liên doanh cũng đã rục rịch mở cửa trở lại.
Đặc biệt, 2 bên đã sang lãnh thổ của nhau. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã chủ động sang thăm Triều Tiên, còn ông Kim Jong-un có động tác tuy nhỏ nhưng rất quan trọng là bước chân sang bên kia ranh giới ở Bàn Môn Điếm, thể hiện rõ 2 bên đã có quan hệ hòa bình, hướng tới bình thường với nhau. Có thể thấy không khí hợp tác, thiện chí, hòa bình từ sau cuộc gặp đến nay vẫn tiếp tục diễn ra. Như vậy, từ sau cuộc gặp gỡ lần thứ nhất đến nay, quan hệ Mỹ - Triều đã khác và hòa bình trên bán đảo Triều Tiên cũng đã được củng cố một bước. Một điểm nóng từ bao nhiêu năm nay mà lúc nguội đi thì tất nhiên tác động đến xung quanh, tất cả đều thấy bầu không khí đã dịu đi, không căng thẳng nữa.
Vậy hội nghị thượng đỉnh này sẽ thế nào? Nếu chỉ dừng như lần trước, người ta sẽ chẳng gặp nhau làm gì. Có thể thấy rất rõ hai bên đi lại với nhau rất nhiều, phía Triều Tiên cử phái viên sang Mỹ và Mỹ cũng đã cử ngoại trưởng, các phái viên khác đến Triều Tiên rất nhiều lần. Chắc chắn hai bên phải thấy có triển vọng mới qua lại. Chúng ta nhìn bên ngoài, chưa thấy nội dung song chắc chắn những động thái đó cho thấy có tiến triển. Khi hai bên thấy chắc chắn sẽ đạt được một thỏa thuận gì đấy thì mới đồng ý với nhau, tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ 2 chứ nếu không thì họ có thể cứ gặp cấp chuyên viên đã.
Thứ hai, tuyên bố từ phía Triều Tiên, dù không phải là từ cấp cao nhất, bày tỏ mong muốn có đột phá, có nghĩa là họ thấy có thể có và tương đối chắc chắn mới phát ngôn như vậy. Phía Mỹ cũng nói hy vọng sẽ có một cú hích quan trọng. Tuyên bố của hai bên thể hiện sẽ có đột phá. Mặt khác, sức ép của Mỹ với Triều Tiên cũng không nặng nề. Trước đây, Mỹ nói sẽ chỉ bỏ cấm vận, trừng phạt khi nào Triều Tiên giải giáp, phá hủy hoàn toàn hạt nhân, nhưng Tổng thống Trump gần đây lại nói Mỹ không muốn ép. Chắc chắn Mỹ thấy rõ không muốn vô hiện hóa những cố gắng của nhau. Hai bên sẽ luôn luôn đáp lại nhau, mỗi bên tiến một bước.
Có thể thấy bầu không khí không o ép, căng thẳng nhau mà theo từng bước và sẽ có bước tiến trong sự kiện này. Chắc chắn mỗi bên sẽ có tuyên bố về những vấn đề mình đang làm, thế mạnh của mình. Một bên có thể sẽ nói về việc giải giáp vũ khí hạt nhân như thế nào, nêu việc thanh sát những địa điểm mà họ đã hủy bỏ. Còn phía Mỹ có thể sẽ nêu một số điểm họ không nhất thiết phải áp dụng trừng phạt như vấn đề nhân đạo. Điều mà Triều Tiên vẫn mong muốn trước đây là bình thường hóa quan hệ bằng một hiệp ước hòa bình thì tôi không nghĩ hiệp ước này có ngay được vì nó liên quan đến nhiều bên nhưng chắc sẽ có một tuyên bố nào đó. Họ có thể sẽ có một tuyên bố dưới hình thức nào đó thể hiện chiến tranh đã qua, đã có hòa bình hay bước đầu trao đổi cơ quan đại diện ngoại giao không chính thức.
Tôi cho rằng lần này chắc chắn phải có những đột phá lớn hay nhỏ còn tùy thuộc vào lợi ích của mỗi bên. Chắc chắn hai bên đều muốn đi nhanh song sẽ còn có những yếu tố khác kìm hãm. Để tiến tới hiệp định hòa bình sẽ còn phải có một số cuộc nữa.
Trân trọng cảm ơn ông về những nhận định ý nghĩa này!
Nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao phụ trách khu vực Đông Bắc Á, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Hàn Quốc và Nhật Bản Nguyễn Phú Bình từng theo học tại Triều Tiên từ năm 1965 đến 1970, công tác tại Đại sứ quán Việt Nam ở Triều Tiên trong giai đoạn 1973-1977.