Thương binh Lương Công Xuân, Giám đốc DN Vạn Xuân là người có tấm lòng cao cả, bằng nghị lực của mình vươn lên thành lập doanh nghiệp, tạo công ăn việc làm cho người dân, lại thành lập trung tâm dạy nghề cho trẻ em khuyết tật, nhiễm chất độc da cam và con em của thương binh.
Nghị lực của người thầy thương binh
Hằng ngày, dù bận rộn với công việc của giám đốc DN, thầy Xuân (TT Neo - Yên Dũng - Bắc Giang) vẫn dành thời gian về trung tâm dạy nghề Tân Xuân tận tụy dẫn dắt, dạy dỗ các em khuyết tật, tỉ mẩn từ cách thêu, cách vẽ đến chuyện làm sao để sản phẩm làm ra nhanh mà vẫn đạt đầy đủ tiêu chuẩn chất lượng.
Sống giữa bao trẻ em khuyết tật, có em câm, điếc, có em vừa câm vừa điếc, có em mắt mờ lòa… làm sao để hiểu, thông cảm tâm tư của các em là việc rất khó.
Thầy Xuân đã sống với chúng bằng tình cha con, tình anh em. Anh đã làm được là xóa nhòa đi sự tự ti của chúng, tạo cho chúng ước mơ, tình yêu đời, và quan trọng là dạy cho chúng một cái nghề, để có thể kiếm sống.
Sinh ra và lớn lên ở vùng chiêm trũng Tân Liễu, chàng thanh niên Công Xuân vốn khỏe mạnh, sôi nổi nhiệt tình tham gia các hoạt động của địa phương đã xung phong lên đường nhập ngũ tham gia kháng chiến.
Công Xuân bị thương nặng và vào điều dưỡng ở Đoàn an dưỡng 159. Năm 1983, Công Xuân chống nạng trở về quê hương. Giữa thời buổi khó khăn, anh xoay sở nhiều nghề với tấm thân không còn nguyên vẹn và sức khỏe yếu, kể cả nghề đóng gạch.
Nhưng vì thiếu kinh nghiệm, thiếu vốn và sức khỏe, anh thất bại. Anh nghĩ thầm, tuy mình bị thương tật, nhưng còn may mắn được trở về nhà với gia đình. Còn có rất nhiều người không trở về, những bà mẹ còn mất cả bốn đứa con.
Anh quyết định phải làm được điều gì đó cho những người thiệt thòi hơn mình. Cuối cùng, anh đi học nghề may đo, vì đó là nghề phù hợp với sức khỏe của anh. Anh nói “Vì mắt trái hỏng hoàn toàn, nên việc xâu kim chỉ đối với tôi là cả một vấn đề”
Mọi khó khăn không làm gục ngã được người chiến sĩ xông xáo. Người con gái, là vợ anh bây giờ, lúc đó, thực sự thông cảm và hết lòng thương yêu anh, vì thế mà anh có thêm động lực.
Đến năm 1991, do chưa có kinh nghiệm kinh doanh hàng may mặc nên anh cạn vốn dần. Anh tìm cách đi học tại trường Cắt may ở phố Đinh Tiên Hoàng - Hà Nội.
Sau đó về quê, nhà may Xuân của anh ngày càng phát triển. Anh bắt đầu mở lớp dạy nghề dân dụng cho con em các đồng chí thương -bệnh binh, các cháu khuyết tật, các cháu có hoàn cảnh khó khăn…
Phải đến năm 2003, anh Lương Công Xuân mới chính thức thành lập Trung tâm dạy nghề Tân Xuân có sự hỗ trợ của UBND tỉnh Bắc Giang. Cho đến nay, trung tâm của anh Xuân đã đào tạo được hơn 4 ngàn em, miễn phí hoàn toàn cho hơn 500 em, giảm học phí từ 30 đến 70% cho nhiều em khác.
Một doanh nhân thương binh giàu tình cảm
Những ngày này, người ta thấy anh thương binh Lương Công Xuân chạy vạy khắp nơi để học hỏi kinh nghiệm làm ăn, tìm đầu vào, đầu ra.
Đâu là lọai hàng phù hợp cho anh sản xuất, kinh doanh. Phù hợp với địa phương và phải có thu nhập ổn định, thu hút được nhiều lao động phổ thông.
Và anh đã chọn việc móc giỏ bằng sợi xuất khẩu. Nghề này thời gian học ít, người dân ở đây lại tự cung cấp được nguyên vật liệu, việc xuất khẩu thuận lợi, nên cho thu nhập cao, đời sống người lao động được đảm bảo.
Thuận lợi đối với anh là có chủ trương của huyện và tỉnh về phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề nông thôn, nên đề án đưa ra được sự ủng hộ của các cấp chính quyền. Sở Kế hoạch và Đầu tư tạo điều kiện xúc tiến thành lập doanh nghiệp.
Ban đầu, với kế hoạch được vẽ ra, anh Xuân khiến vợ và người thân phải ngỡ ngàng. Anh sẽ kiếm đâu ra tất cả những điều kiện để thực hiện kế hoạch đó, nhất là đối với một người mù một bên mắt.
Ngay cả anh Xuân, lúc đó nghe mọi người nói, thấy lòng chênh chao. Sau bao đêm nằm suy nghĩ, vật lộn với những ám ảnh nghèo nàn lạc hậu của làng quê, anh chậc lưỡi, bị thương nặng trong chiến tranh còn chẳng chết, thời bình chết làm sao được.
Vậy là anh chỉ còn một quyết tâm là tiến! Tôi hỏi: “Vậy là một mình doanh nhân Lương Công Xuân phải đảm nhiệm cả doanh nghiệp và trung tâm dạy nghề?” Anh trả lời: “Vâng, tuy bận rộn nhưng vui, vì mình đã làm được điều mình mong muốn, là làm được cái gì đó cho những người nghèo”
Trung tâm dạy nghề hoạt động rất hiệu quả, gồm 2 cơ sở dạy may công nghiệp tại thị trấn Neo và xã Tân An, một trung tâm đào tạo ngoại ngữ, một cơ sở dạy thêu tay và họa cho người khuyết tật tại thôn Bình Voi - Cảnh Thụy, đồng thời liên kết đào tạo nghề tại Trung tâm Minh Phượng - Nham Sơn - Yên Dũng - Bắc Giang. Dù có nhiều thành quả, nhưng anh Xuân còn nhiều ý tưởng nữa để làm, giúp đỡ người nghèo, người khuyết tật…
Doanh nhân Lương Công Xuân còn tận tình tặng áo lụa cho các bà mẹ Việt Nam anh hùng, các bà mẹ có hai con là liệt sĩ trong tỉnh, anh cũng thường xuyên tặng quà cho các cụ cao niên trong huyện.
Hằng năm, vào dịp lễ tết, lại tham gia tặng quà cho các gia đình chính sách, các gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Những nhân viên, học viên noi gương anh sống đoàn kết, tương thân tương ái giúp đỡ nhau trong công việc và cuộc sống. Dường như, thành lập doanh nghiệp, kinh doanh, kiếm tiền, Lương Công Xuân lại chẳng dành cho mình, mà lấy đó để trang trải cho cuộc sống của các em ở trung tâm dạy nghề của mình, các em khuyết tật, nhiễm chất độc da cam…
Anh Xuân vẫn đau đáu một điều rằng “Dù có cố đến mấy, thì cũng chẳng giúp hết được mọi người, cho nên vẫn cần sự giúp đỡ nhiệt tình của các cấp các ngành”
Nguyễn Văn Học