Chịu đánh để khỏi… tốn tiền?!
Người ở nông thôn, người ở thành phố, không ai bảo ai nhưng chị M. ở Sóc Sơn và chị L. ở quận Đống Đa, Hà Nội đều có suy nghĩ giống nhau khi quyết định rút đơn tố cáo hành vi BLGĐ. Lý do rút đơn, chị M. kể: “Khi biết tôi làm đơn tố cáo hành vi bạo lực, chồng tôi đã thách: “Cô có giỏi thì làm đi, tiền tôi đi làm bao nhiêu đưa cô giữ hết, nên cô sẽ tự mà nộp phạt nhé”. Hai vợ chồng chị M. buôn bán rau ở chợ đầu mối nên thu nhập nhì nhằng, trong khi đó mức tiền phạt nhẹ nhất cũng 1 triệu đồng, mà một tháng chồng chị M. uống rượu hành hung vợ đến vài lần, “nếu mình cũng tố cáo rồi nộp phạt vài lần thì lấy tiền đâu để cả nhà sinh sống”.
Tương tự như chị M., chị L. cũng “rụt” ý định tố cáo chồng vũ phu khi biết chồng thuộc đối tượng hưởng lương nên tiền nộp phạt sẽ “đánh” vào lương. Lý do của chị M. là: “Lương chồng đóng góp vào khoản chi tiêu hàng ngày không nhỏ, nếu bị cắt khoản đó thì lấy gì bù vào?”.
Theo ông Lê Văn Dự - Phó trưởng Công an thị trấn Mường Xén, Kỳ Sơn, Nghệ An, việc nạn nhân BLGĐ chần chừ không tố cáo vì sợ… tốn tiền là chuyện không lạ. Ông Dự cho biết, trong quá trình xử lý các vụ việc BLGĐ, dù biết mười mươi rằng gia đình đó có bạo lực nhưng vẫn phải gọi riêng người vợ, cũng chính là nạn nhân của bạo lực, ra để “bỏ nhỏ” rằng: “Muốn phạt BLGĐ phải qua nhiều ngưỡng như giáo dục, cảnh cáo rồi mới phạt tiền, chứ không phạt tiền ngay đâu mà sợ, nên chị cứ mạnh dạn tố cáo đi”. Thậm chí có trường hợp còn phải “dỗ”: “Có phạt chúng tôi cũng không thu tiền của chị đâu, cứ yên tâm tố cáo” thì mới làm sáng tỏ được hành vi vũ phu.
Tương tự, ông Lê Minh Thông – Phó trưởng Công an thị trấn Mường Khến, Yên Lạc, Hòa Bình cũng băn khoăn: “Không biết sau khi mình phạt tiền xong, rút đi thì gia đình họ có êm ấm không?”. Sở dĩ vậy vì ở khu vực nông thôn, người phụ nữ phần lớn ở nhà làm ruộng, phụ thuộc hoàn toàn vào người chồng đi làm bên ngoài kiếm tiền về cho gia đình nên nếu phải nộp phạt, vô hình trung càng làm tăng tính gia trưởng và yếu tố phụ thuộc về kinh tế của người phụ nữ trong gia đình đối với chồng mình.
Đứng ở góc độ Hội Liên hiệp Phụ nữ và Viện Nghiên cứu giới và phát triển, bà Nguyễn Thị Tuyết Mai – Trưởng ban Gia đình xã hội và bà Lê Thị Quý – Viện trưởng cũng rất trăn trở với những bất cập trong việc xử phạt hành vi BLGĐ bằng tiền. “Việc phạt tiền đối với vợ hoặc chồng có hành vi BLGĐ chẳng những không làm cho BLGĐ giảm đi hay người có hành vi BLGĐ thay đổi hành vi mà ngược lại, có thể làm cho mâu thuẫn giữa vợ và chồng căng thẳng thêm” - theo bà Nguyễn Thị Tuyết Mai.
“Luật phạt tiền người gây bạo lực là không hợp lý vì phạt tiền không phải là cách làm cho người bị phạt xấu hổ, nên sẽ khó chừa được hành vi. Theo tôi, bắt vũ phu lao động công ích để chịu sự chê cười của cộng đồng sẽ hiệu quả hơn phạt tiền rất nhiều” – bà Lê Thị Quý khẳng định.
“Trò ấy thì tôi còn lạ gì!”
Đó là câu cửa miệng mà các ông chồng - vốn là những cựu vũ phu – nay là thành viên nhóm/đội phản ứng nhanh phòng chống (PC) BLGĐ nói với các “đối tượng” đánh vợ. Dù không được quy định trong luật nhưng nhiều mô hình phản ứng nhanh PCBLGĐ do các tổ chức phi chính phủ tài trợ và thực hiện ở Việt Nam đã phát huy hiệu quả bất ngờ.
Nhóm phản ứng nhanh ở thị trấn Mường Xén, Kỳ Sơn, Nghệ An được thành lập tháng 3/2013 bao gồm thành viên từ chính quyền xã, công an, cán bộ văn hóa, phụ nữ và chính người từng là vũ phu đã thay đổi. Sau một thời gian hoạt động, nhóm đã giải quyết, ngăn chặn 96 vụ BLGĐ. Một nhóm khác ở Tương Dương, Nghệ An có “người đặc biệt” là anh Nguyễn Thế Trà. Bản thân anh từng là “nỗi kinh hoàng” của vợ con, nhưng sau khi thay đổi anh đã tự nguyện tham gia nhóm rất nhiệt tình.
“Tôi tham gia vô điều kiện vì hiểu hơn ai hết tâm trạng của những gia đình có BLGĐ. Nhiều vũ phu “sung” quá đòi đánh cả tôi, nhưng tôi không sợ nắm đấm. Điều tôi thường nói với các ông chồng là: “Tôi cũng đã từng như thế nhưng đã thay đổi, vậy thì mọi người cũng làm được. Mỗi khi giơ nắm đấm lên hãy nghĩ đến những đứa trẻ”.
Xã Phong Phú, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình có 16 câu lạc bộ (CLB) nam giới PCBLGĐ. 16 CLB này đã làm nên những thay đổi lớn về tình trạng BLGĐ ở đây. Kinh nghiệm để thành công được ông Đinh Công Sản – Hội phó Hội Nông dân bày tỏ, đó là bám chắc cơ sở để tập trung vận động những ông chồng gây bạo lực đến với CLB, không lên án mà cùng họ tháo gỡ bế tắc do BLGĐ gây ra. Từ một người mang tiếng đánh vợ “có kỹ thuật”, ông Đinh Công Được, thành viên CLB Thương vợ ở Tân Lạc đã thay đổi rất nhiều. Vốn làm nghề sửa chữa điện nước, ông Được đã bắc chiếc loa to trên nóc nhà để vợ (là cán bộ Hội Phụ nữ) đọc các tài liệu tuyên truyền PCBLGĐ.
Là người có nhiều kinh nghiệm về các nhóm phản ứng nhanh PCBLGĐ, bà Lê Thị Quý không thể không công nhận hiệu quả của các nhóm này với sự tham gia của những người đã từng gây bạo lực. Tuy nhiên, một trong những kinh nghiệm để đảm bảo thành công, các nhóm/đội phản ứng nhanh cần có sự tham gia của đại diện chính quyền, đoàn, hội ở địa phương. Khi đó thông tin về PCBLGĐ sẽ được lồng ghép trong nhiều hoạt động, tạo hiệu ứng “mưa dầm thấm lâu”, chặn tay bạo lực.