Sáng 4-11, giá vàng trong nước lên tới 34,3 triệu đồng/lượng, cao chưa từng có trong lịch sử. Giá USD tự do cũng leo thang trở lại sau khi quay đầu giảm vào đầu giờ, lao thẳng qua ngưỡng 21.000 đồng. Diễn biến giá vàng và USD trên thị trường tự do có phải là một cú “sốc” ngắn hạn?
Từ lý thuyết đến thực tế
Theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp XNK tại Hải Phòng, dù tỷ giá do Ngân hàng Nhà nước quy định hiện tối đa là 19.500 VNĐ/USD, nhưng thực tế doanh nghiệp tại thành phố vẫn phải mua USD theo tỷ giá từ 20.050 VNĐ tới 20.100 VNĐ/USD, thậm chí vượt ngưỡng 21.000 đồng.
Như vậy, nếu tính từ thời điểm giá USD thực tế thấp hơn 19.500 VND/USD, mức tăng giá của USD trên thị trường tự do trong thời gian ngắn vừa qua là gần 1.500 VND/USĐ. Tính về tỷ lệ, mức tăng này là gần 8% tỷ giá. Từ trước tới nay, USD vẫn tăng giá đều đều, dù có cao cũng hiếm khi vượt ngưỡng 100 – 200 VNĐ/USD. Do đó, có thể nói, đợt USD tăng giá cuối năm 2010 này là tăng “sốc”. Và đó là điều bất bình thường, phi quy luật.
USD tăng ở mức độ lớn trong thời gian ngắn làm nhiều doanh nghiệp không kịp chuẩn bị đối phó. Nhiều hợp đồng nhập khẩu có nguy cơ bị lỗ nặng do đồng tiền thanh toán là USD. Các doanh nghiệp đang tìm đủ cách để hạn chế thiệt hại bằng cách thuyết phục đối tác nhận thanh toán bằng đồng tiền khác. Tuy nhiên, nếu là hàng nhập khẩu từ các khu vực châu Á, châu Âu các doanh nghiệp còn có hy vọng (dù nhỏ) vào việc các đối tác chịu thanh toán bằng NDT hoặc yên hay ơ-rô. Nhưng các hợp đồng nhập khẩu từ châu Mỹ hoặc châu Phi gần như không còn “cửa” cắt lỗ bằng thay đổi ngoại tệ thanh toán.
Mặt khác, hiện các ngoại tệ khác như ơ-rô, NDT hay yên nhật có thể bảo đảm cho nhu cầu của doanh nghiệp , nhưng tỷ giá thực tế so với VNĐ cũng đang có dấu hiệu tăng. “Do vậy, trong mọi trường hợp, lợi ích của nhà nhập khẩu gần như không còn, mà đã chảy vào các ngân hàng” – một doanh nghiệp nhập khẩu của Hải Phòng vừa thực hiện hợp đồng trị giá 2 triệu USD than vãn.
Theo phân tích của các doanh nghiệp, nguồn thu hút ngoại tệ lớn nhất, ổn định nhất hiện nay của các ngân hàng là từ các doanh nghiệp xuất khẩu, không phải từ nguồn kiều hối, hay tiết kiệm của người dân.
![]() |
Sáng 4-11, giá vàng và USD tăng cao chưa từng có trong lịch sử. |
Sốt do đâu ?
Giá USD tự do tại Hà Nội đầu giờ sáng 4-11 giảm về 20.800 đồng (mua vào) và 20.900 đồng (bán ra), giảm 70 đồng mỗi USD so với đỉnh chiều qua. Tuy nhiên, đến hơn 10 giờ, giá USD bất ngờ lên 20.950 đồng (mua vào) và 21.050 đồng (bán ra). Sức nóng của USD thời điểm này càng thúc đẩy giá vàng tăng mạnh. Lúc 11giờ trưa 4-11, giá vàng trong nước được một số doanh nghiệp niêm yết ở mức 34,3 triệu đồng/lượng ở đầu bán ra, giá thu mua vàng cùng thời điểm đứng ở mức 34,1 triệu đồng/lượng. Tính tới thời điểm này, giá vàng tăng 600.000 đồng/lượng so với sáng qua, và tăng 500.000 đồng/lượng so với mức giá cuối giờ chiều qua.
Lý giải về sự leo thang khá đột ngột của giá vàng trong nước sáng 4-11, giới kinh doanh vàng đưa ra hai lý do, gồm lực mua có sự gia tăng mạnh ngay từ đầu giờ sáng và giá vàng thế giới tăng đáng kể trong phiên giao dịch tại châu Á; cũng như việc USD tiếp tục tăng giá đẩy giá vàng lên theo.
Tại Việt Nam, yếu tố đầu cơ, tích trữ là có, nhưng tác động không lớn đến giá vàng. Ở góc độ khác, giá vàng trong nước và quốc tế được xem như “bình thông nhau”. Giá vàng thế giới đang tăng mạnh do nhiều nguyên nhân, nhu cầu vàng vật chất tăng cao vào cuối năm, vừa do tâm lý do ngại lậm phát trên tòa cầu.
Tuy nhiên, với “cơn sốt” USD thì không có lời giải thích thỏa đáng, trong khi Ngân hàng Nhà nước đã tuyên bố rõ ràng là không có chuyện phá giá VNĐ trong tương lai gần. Câu hỏi nhiều DN đặt ra ở đây là, có hay không liên minh thao túng giá ngoại tệ giữa một vài ngân hàng, hay giữa một vài doanh nghiệp xuất khẩu lớn ? Hay giá USD tăng do “ăn theo” giá vàng?...
Cũng có thực tế là, năm nào cũng vậy, chỉ khi tình hình cung ứng ngoại tệ trở nên căng thẳng, các can thiệp của Nhà nước mới được đưa ra để giảm áp lực cung ứng ngoại tệ cho các ngân hàng (chứ không phải cho đối tượng có nhu cầu trực tiếp là doanh nghiệp). Vậy sẽ phải đánh giá thế nào về các biện pháp chuẩn bị do các cơ quan quản lý thị trường thực hiện với nhu cầu ngoại tệ cuối năm ? Cần nhấn mạnh là, tỷ giá ngoại tệ, đặc biệt là tỷ giá VNĐ/USD N chưa bao giờ thả nổi, mà luôn luôn được giám sát chặt chẽ, chỉ có nới lỏng chút ít về biên độ, thủ tục...
Đem thực tế ấy đặt cạnh thực tế USD cứ tăng giá đều đặn mỗi dịp cuối năm sẽ thấy, những gì doanh nghiệp tích luỹ được suốt nhiều năm hoàn toàn có thể bị xô đổ, hay bị chuyển hợp pháp vào túi những nhà kinh doanh tiền tệ. Vậy có thể có đáp án khác cho thực tế này không ?
Biện pháp mạnh tay của Chính phủ
Trước diễn biến phức tạp của thị trường ngoại tệ và vàng, Chính phủ vừa chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước bán đầy đủ USD ra thị trường, đồng thời, không thực hiện yêu cầu giảm lãi suất đối với các ngân hàng thương mại - đây là 2 trong gói các biện pháp nhằm bình ổn thị trường tiền tệ và kinh tế vĩ mô.
Ông Lê Đức Thuý, Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, cho biết tối 3-11, Thường trực Chính phủ, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia và các Bộ ngành liên quan có cuộc họp khẩn bàn về một số tình hình kinh tế vĩ mô, trong đó tập trung 2 vấn đề tỷ giá và lãi suất. Tại cuộc họp, các thành viên đều chung nhận định, cơn sốt USD hiện nay đưa tỷ giá USD trên thị trường tự do tăng cao và vượt xa so với tỷ giá chính thức ngân hàng. Điều này gây tác động bất ổn cho thị trường và nền kinh tế. Xu hướng này diễn ra liên tục trong hơn nửa tháng nay buộc Chính phủ phải có thái độ và các biện pháp cần thiết để bảo đảm ổn định thị trường và kinh tế vĩ mô.
Ngoài việc khẳng định từ nay đến cuối năm không điều chỉnh tỷ giá, Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước có biện pháp can thiệp cụ thể, đúng thời điểm. Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước sẽ bán USD đầy đủ cho các ngân hàng thương mại, đáp ứng mọi nhu cầu cần thiết. Hiện dự trữ ngoại hối của Việt Nam tuy giảm so với thời kỳ đỉnh cao (23 tỷ USD công bố trước đây), nhưng lượng còn lại vẫn khá lớn và đủ sức cho Ngân hàng Nhà nước can thiệp vào thị trường.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước không tiếp tục thực hiện yêu cầu giảm lãi suất đối với các ngân hàng thương mại, mà để các ngân hàng thực hiện lãi suất tiền đồng theo thị trường, hạn chế sự méo mó trên thị trường tiền tệ hiện nay.
Ông Lê Đức Thuý nhận định, với thực tế hiện nay sau quyết định thả nổi này, lãi suất có thể theo xu hướng tăng lên. Mức lãi suất huy động có thể tăng lên 12-13%, cho vay là 13-15%, tuy nhiên đây không phải là mức tăng đột biến mà thực tế trên thị trường hiện nay đã xảy ra điều đó. Ông Thuý cho rằng, việc tăng lãi suất tiền đồng sẽ làm cho đồng Việt Nam có giá hơn, giúp ổn định tâm lý và tạo niềm tin và điều hành thực tế. Điều này có thể giúp ngăn chặn đà tăng cao của lạm phát vào cuối năm../.
Nguyễn Hải (tổng hợp)