Bộ Y tế đề nghị cấm toàn bộ các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới
Với quan điểm bảo vệ sức khỏe người dân trên các lợi ích kinh tế, dựa trên căn cứ khoa học, điều kiện thực tiễn của Việt Nam, Bộ Y tế đề nghị cấm toàn bộ các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới, bao gồm thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng, vì đây đều là các sản phẩm có hại cho sức khỏe.
Từ góc độ quản lý của Bộ Công Thương, Trưởng phòng Công nghệ thực phẩm (Cục Công nghiệp) Cao Trọng Quý thông tin, theo số liệu thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) năm 2021 thì có 79/111 quốc gia (trên 70%) đã ban hành các quy định về thuốc lá điện tử cho phép hợp pháp hóa các sản phẩm thuốc lá điện tử, đồng thời ban hành quy định để kiểm soát và 65 quốc gia thừa nhận, cho phép kinh doanh sản phẩm thuốc lá làm nóng. Trong đó, có nhiều quốc gia có trình độ phát triển về khoa học và công nghệ ở mức cao như Hoa Kỳ, các quốc gia trong cộng đồng châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc và Nga, hay một số nước trong khu vực ASEAN như Malaysia và Indonesia.
Ông Quý chỉ rõ, cơ chế quản lý đối với các sản phẩm thuốc lá làm nóng tại các nước này khá khác nhau, nhưng phần lớn đều áp dụng những quy định nghiêm ngặt theo Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá của nước đó ở mức độ khác nhau. Các quốc gia tiên phong, có trình độ khoa học - kỹ thuật phát triển tiên tiến và có nhiều chính sách quan tâm về y tế cộng đồng như EU, Anh, Mỹ hay New Zealand sẽ là những thông tin khoa học đáng tin cậy để chúng ta có thể tham khảo và áp dụng.
Có con trai lớn bắt đầu bước vào độ tuổi vị thành niên, Trưởng Ban Dân chủ - Pháp luật, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Quỳnh Liên phản ánh vấn đề “nóng” hiện tại là bảo vệ sức khỏe của các cháu thanh, thiếu niên, vị thành niên trước việc sử dụng thuốc lá, nhất là với thuốc lá thế hệ mới. Trong khi đó, đứng dưới góc độ của các cơ quan quản lý, vì sao pháp luật không quy định, chưa cho phép, mọi người cũng tích cực trong công tác phòng, chống hàng cấm, hàng lậu, hàng giả mà những sản phẩm này vẫn tràn ngập trên thị trường như vậy?
Bà Nguyễn Quỳnh Liên. |
Bà Liên cho rằng, chúng ta phải có giải pháp quản lý như thế nào để bảo đảm cho người tiêu dùng, vừa đáp ứng được nhu cầu của họ mà chúng ta cũng vừa quản lý được. Theo bà, chúng ta nên nhìn thuốc lá thế hệ mới dưới góc độ đây là một loại hàng hóa và nó xuất phát từ nhu cầu của thị trường và như vậy chúng ta phải quản lý. Một khi chúng ta chấp nhận sự xuất hiện của hàng hóa này trên thị trường thì việc lựa chọn hàng hóa nào, sản phẩm nào hoàn toàn phụ thuộc vào người tiêu dùng.
Nếu chúng ta đã quản lý tốt, chặt chẽ bằng các tiêu chuẩn, quy chuẩn, bằng hệ thống kiểm duyệt chất lượng, quản lý được nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, kiểm soát chặt chẽ số lượng hàng hóa nhập vào thị trường thì đứng từ góc độ người tiêu dùng, họ sẽ được tiếp cận với hàng hóa có chất lượng. Đây chính là trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng, bảo đảm cho người dân được sử dụng sản phẩm có chất lượng và có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Nếu như có hậu quả gì xảy ra từ việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá đã được quản lý thì rõ ràng người dân cũng sẽ được bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình. Đối với những sản phẩm trôi nổi trên thị trường, không được qua hệ thống kiểm duyệt, không được qua sự quản lý chặt chẽ của Nhà nước, chúng ta sẽ có những chế tài xử lý thỏa đáng.
Bà Liên phân tích, rõ ràng người dân có nhu cầu sử dụng những loại thuốc lá thế hệ mới nhưng lại gần như trở thành sử dụng sản phẩm cấm, không được phép lưu hành. Như vậy, rất thiệt thòi cho người tiêu dùng. Điều cơ bản nhất là chúng ta đang thực hiện phòng, chống tác hại của thuốc lá và các sản phẩm tương tự như thuốc lá, song chúng ta lại không có những biện pháp để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng cũng như phòng ngừa những tác hại của thuốc lá hoặc những sản phẩm làm giả, không rõ nguồn gốc.
Theo bà Liên, thời gian vừa qua, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đã ban hành một số tiêu chuẩn để cho phép quản lý đối với một số sản phẩm, bộ phận cấu thành thuốc lá thế hệ mới để chúng ta có cơ sở quản lý sản phẩm này trên thị trường. Tuy nhiên, các bộ, ngành rất cần chung tay với nhau để có được giải pháp quản lý thuốc lá thế hệ mới hiệu quả hơn.
Tiếp cận mở trong quản lý thuốc lá thế hệ mới?
Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Chính sách pháp chế, Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương Kiều Dương phân tích thực tế là các cơ quan quản lý nhà nước chưa cho phép nhập khẩu các mặt hàng thuốc lá thế hệ mới nhưng trong thị trường nội địa, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới như thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng, shisha… vẫn xuất hiện tương đối phổ biến, người tiêu dùng dễ tiếp cận. Việc này có nhiều căn nguyên, trong đó có việc cách tiếp cận của chúng ta chưa thực sự rõ ràng. Khi chưa có quan điểm dứt khoát thì việc xử lý trong nội địa đối với mặt hàng này tương đối khó khăn. Trong bối cảnh hiện nay, nên có cách tiếp cận mở hơn, phải tìm cách quản lý, có khung pháp luật phù hợp để điều chỉnh, bảo đảm nó phát triển theo đúng hướng chúng ta mong muốn.
Đặt câu hỏi “quản lý bằng cách nào?”, ông Kiều Dương đề xuất, nếu coi là thuốc lá thì nên chăng phải xem xét lại Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá vì Luật này ban hành từ năm 2012, bối cảnh khi đó chưa dự liệu hết được các yếu tố phát sinh. Chúng ta cần tiến hành tổng kết, rà soát, đánh giá những vấn đề cần điều chỉnh mới để sửa đổi cho phù hợp.
Cách tiếp cận thứ hai là để xử lý nhanh thì có thể tiếp cận ở góc độ chất lượng, quản lý bằng các quy chuẩn kỹ thuật. Khi đó, cần tìm được bộ có thẩm quyền, ở đây có thể là Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương và Bộ Y tế phối hợp với nhau để xây dựng một quy chuẩn giám sát, quản lý chặt chẽ về chất lượng, bảo vệ sức khỏe, lợi ích của người tiêu dùng khi sử dụng các sản phẩm này.
Bàn về việc quản lý thuốc lá thế hệ mới, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp Lê Đại Hải cho rằng, chúng ta có danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện và hàng hóa cấm. Muốn đưa vào danh mục cấm như Bộ Y tế đề xuất thì phải cấm bằng luật, phải đưa vào luật rằng cấm thuốc lá thế hệ mới.
Còn hiện nay, pháp luật quy định sản xuất kinh doanh thuốc lá là kinh doanh có điều kiện và đã kinh doanh có điều kiện thì Chính phủ phải quy định cụ thể điều kiện kinh doanh của những ngành nghề này. Vì vậy, nhiều trường hợp khác trong luật chuyên ngành, ví dụ như Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá có thể không có điều khoản cụ thể giao cho Chính phủ nhưng khi đơn vị ông Hải thẩm định vẫn căn cứ vào Luật Đầu tư có danh mục này nêu đây là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Không những thế, chúng ta có Nghị định 67/2013 hướng dẫn thi hành Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá.
Tuy nhiên, hiện tồn tại hai quan điểm. Một quan điểm cho rằng Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá chưa quy định về thuốc lá thế hệ mới nên sẽ chưa có cơ sở để Chính phủ quy định trong nghị định.
Ông Lê Đại Hải. |
Quan điểm khác cho rằng Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá đã có quy định. Từng tham gia thẩm định Nghị định 67, ông Hải nhận thấy Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá có hai định nghĩa liên quan. Định nghĩa thứ nhất là “thuốc lá là gì?” và lý giải “thuốc lá là sản phẩm được sản xuất từ toàn bộ hoặc một phần nguyên liệu thuốc lá”. Với “nguyên liệu thuốc lá”, người ta giải thích là “lá thuốc lá dưới dạng rời, tấm đã sơ chế tách cọng, sợi thuốc lá, cọng thuốc lá”. Đây chính là quan niệm về thuốc lá truyền thống. Nhà làm luật bao giờ cũng có tính dự báo để Luật được ổn định lâu dài nên có ý “nguyên liệu thay thế khác”.
“Bây giờ anh sử dụng gì để đưa vào tẩu, vào máy để đưa một lượng Nicotin vào cơ thể thì dưới góc độ của một người hút thuốc, tôi cho rằng đấy là thuốc lá. Thuốc lá điện tử theo tìm hiểu của tôi thì có thứ chứa Nicotin, có thứ là hương liệu chưa chắc chứa Nicotin, chúng ta sẽ bàn thêm. Nhưng ở góc độ luật, người ta đã có quy định dưới hình thức sản phẩm thì có dạng khác, nguyên liệu thì có nguyên liệu thay thế khác. Nếu như ngày xưa, cách làm luật ngày xưa, chúng ta có thể hoàn toàn căn cứ vào hai cái khác đấy để đưa vào Nghị định của Chính phủ. Trách nhiệm của Chính phủ là phải giải thích, giải quyết được cái khác đấy”, ông Hải lý giải.
Còn hiện nay, trong trường hợp thứ nhất, nếu chúng ta khẳng định rằng thuốc lá thế hệ mới chưa có trong Luật thì chúng ta kiến nghị khẩn cấp trình Quốc hội ban hành nghị quyết về thuốc lá thế hệ mới. Trong đó, có thể đưa ra nguyên tắc để Chính phủ ban hành quy định chi tiết.
Trường hợp thứ hai, nếu thấy rằng việc chấp nhận quản lý là một nhu cầu thực tế, căn cứ theo hai quy định liên quan của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá (các dạng khác, nguyên liệu thay thế khác) và Luật Đầu tư (kinh doanh thuốc lá là một lĩnh vực kinh doanh có điều kiện) thì có thể đưa nội dung quản lý thuốc lá thế hệ mới vào ngay trong Nghị định 67 sửa đổi mà không cần thí điểm. “Nếu Chính phủ nhận thấy có hai cơ sở pháp lý như vậy có thể đưa vào quản lý được thì tôi cho rằng đến lúc này quản lý đã đồng bộ”, ông Hải nhấn mạnh.
“Thuốc lá thế hệ mới” là cụm từ được sử dụng để phân biệt với thuốc lá điếu truyền thống. Hai dạng sản phẩm thuốc lá thế hệ mới phổ biến nhất hiện nay là thuốc lá điện tử (e-cigarette) và thuốc lá làm nóng (heated tobacco products). Các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới ra đời cách đây hơn 10 năm, là kết quả của quá trình nghiên cứu và phát triển các sản phẩm công nghệ, hiện đang có mặt tại nhiều nước trên thế giới.