* Bài 1: Ly kỳ giai thoại lãnh địa linh thiêng ở thung lũng Ma Thiên Lãnh
Từ chuyện 20 sinh viên lạc rừng
Chục năm trước, núi Bà Đen nổi danh bao nhiêu thì Ma Thiên Lãnh lặng lẽ bấy nhiêu. Thậm chí cho đến bây giờ, nhiều du khách phương xa đến núi Bà Đen vẫn không biết rằng dưới chân núi có một thung lũng huyền bí với khung cảnh thiên thai. Ngược lại, khách du lịch đến Ma Thiên Lãnh thì hầu như đã quá quen thuộc với thắng cảnh núi Bà Đen. Thậm chí nhiều năm qua, nhiều bạn trẻ chọn Ma Thiên Lãnh làm điểm xuất phát trên hành trình băng rừng tiếp cận đỉnh núi Bà Đen.
Nguyên do khiến Ma Thiên Lãnh ít được biết đến có lẽ vì đường vào hiểm trở, hoang vắng. Có nhiều con đường mòn đổ từ núi Phụng, núi Heo, núi Bà Đen dẫn đến thung lũng, nhưng con đường dễ đi nhất mà xe gắn máy, ô tô phải vòng ra sau núi Bà Đen, đi về phía huyện biên giới Tân Châu, theo con đường 785 đi sâu vào núi. Đường ngoằn ngoèo, dịch vụ ít phát triển nên du khách đến thung lũng đa phần là các bạn trẻ đi phượt.
Năm 2015, vùng rừng núi thâm u này được nhiều người biết đến theo một cách bất đắc dĩ, từ sự kiện 20 sinh viên, 9 nữ 11 nam, đi phượt bị lạc đường trên vùng núi Bà Đen. Cụ thể, tối 11/1/2015, Công an tỉnh Tây Ninh nhận được tin báo có một nhóm thanh niên từ nơi khác đến gửi xe tại một nhà dân dưới chân núi từ sáng để leo núi, đến tối vẫn chưa thấy họ xuống. Một người dân địa phương cũng nhận được điện thoại từ các bạn trẻ từng được ông dẫn đi phượt trước đó, nhờ tìm kiếm các bạn mình đang bị lạc trên núi.
Nghi ngờ nhóm thanh niên này bị lạc và có khả năng gặp nguy hiểm trong đêm tối, Công an Tây Ninh đã huy động lực lượng cảnh sát, cứu hộ và những người chuyên đi núi để tìm kiếm. Đến trưa 12/1, khi đến khu vực Hai Gạo trên sườn núi Bà Đen, cách chân núi một quãng đường đi bộ thì lực lượng cứu hộ tiếp cận được nhóm sinh viên, nhiều thành viên trong nhóm có dấu hiệu đuối sức. Sự việc khi đó đã gây xôn xao dư luận trong nhiều ngày.
Một số thành viên trong nhóm sau đó cho biết, nhóm không đi lạc nhưng gặp phải một số sự cố ngoài ý muốn nên có hai thành viên yếu tâm lý đã gọi cứu hộ. Theo đó, dự định ban đầu nhóm sẽ leo Ma Thiên Lãnh để đến núi Bà Đen, nhưng muốn thử thách cả nhóm nên mọi người quyết định bẻ cung, leo từ Núi Phụng, qua núi Heo, rồi mới đến núi Bà. Nhóm không chọn đi đường mòn có sẵn mà leo ghềnh đá từ chân núi Phụng, sau đó là chui rừng dây leo, gặp rất nhiều khó khăn trong việc di chuyển.
Nhiều nhóm bạn trẻ băng rừng từ Ma Thiên Lãnh để chinh phục núi Bà Đen. |
Vì cung đường quá hiểm trở, vài thành viên có dấu hiệu xuống sức, một bạn nam bị chuột rút, một bạn gái sợ độ cao đã bật khóc, việc di chuyển chậm lại. Khi chưa lên được đỉnh núi Bà, nhóm sinh viên bắt đầu phân tách, sau đó đến tối thì buộc phải quay đầu trở xuống sườn núi. Tiếp đến là việc trưởng đoàn bong gân, nằm tại chỗ, không di chuyển được, hai bạn trong nhóm hoảng loạn vì không được lên tới đỉnh núi, lại lần đầu tiên ngủ đêm trong rừng nên đòi gọi người tới giúp.
Sau khi gọi cứu hộ, nhóm tiếp tục di chuyển, băng qua các vách đá cheo leo, vực sâu nguy hiểm nên tốc độ di chuyển rất chậm. Đến 10h đêm, nhóm có mặt ở một bãi chuối ven sườn núi, ngủ lại tại đây. Sáng hôm sau, khoảng 7h nhóm bắt đầu di chuyển theo hướng khác để xuống núi, đến trưa thì gặp lực lượng cứu hộ. Cũng sau sự việc này, sự tồn tại của Ma Thiên Lãnh và cung đường chinh phục ba ngọn núi ở quần thể núi Bà Đen được nhiều người chia sẻ, tìm hiểu.
Nhiều người lần đầu đặt chân đến đây đã không khỏi ngỡ ngàng với phong cảnh thiên nhiên hữu tình, núi non hoang sơ hùng vĩ, u nhã của thung lũng. Chỉ cao chừng 50m nhưng kỳ lạ nơi đây khí trời mát mẻ, buổi sáng có sương bay la đà trắng xóa, buổi chiều có khói chìm lúc dày, lúc thưa. Ðứng trên cao nhìn xuống, thung lũng Ma Thiên Lãnh thăm thẳm sâu, với quần thể địa danh được kiến tạo vô cùng tráng lệ. Có lẽ vì thế mà nhiều người ví vùng đất này như một Ðà Lạt thu nhỏ.
Một trong những điểm đến nổi tiếng nhất thung lũng là hồ Núi đá Ma Thiên Lãnh, còn có tên gọi hồ Mây núi. Địa điểm này trước đây vốn là công trường khai thác đá xây dựng lâu năm, tạo nên những hầm sâu hun hút. Sau khi mỏ đá đóng cửa, dần hình thành những hồ nước sâu trong vắt, xanh biếc bốn mùa, phản chiếu mây trời, in bóng núi rừng tuyệt đẹp. Đây là địa điểm thu hút rất đông du khách khi khám phá Ma Thiên Lãnh.
Cảnh đẹp khác là dòng suối Vàng trong veo mát lạnh, bốn mùa nước chảy róc rách, uốn lượn dưới tán rừng cổ thụ. Con suối bắt nguồn từ những mạch nước nhỏ rỉ từ các khe đá, hang ngầm trên núi cao gom thành. Dọc hai bên bờ suối là màu xanh mát trải dài của cỏ cây, xen những tảng đá to, những gốc cổ thụ chằng chịt dây leo. Ngoài suối Vàng còn có hang Ông Hổ - một hang sâu hun hút, nằm sát phía tây của chân núi Heo, nơi gắn liền nhiều truyền thuyết ly kỳ và được người dân địa phương thờ kính.
Trở thành cung đường phượt lý tưởng
Ma Thiên Lãnh nằm cách Sài Gòn chừng 100 km, cách trung tâm thành phố Tây Ninh khoảng 10 km về hướng Ðông - Bắc, thời gian gần đây trở thành một địa điểm du lịch vô cùng hấp dẫn với giới trẻ ưa đi phượt. Trong ba cung đường leo núi Bà Đen mà nhiều người thường lựa chọn, cung đường Ma Thiên Lãnh được dân phượt cũng như dân leo núi từng nói là cung đường khó leo nhất nhưng cũng là cung đường nên chinh phục một lần trong đời.
Để chinh phục được cung đường Ma Thiên Lãnh, thường sẽ mất từ 6 – 8 giờ, có người phải mất hơn 12 giờ đồng hồ mới có thể chinh phục đỉnh núi Bà Đen. Cung đường này có khá nhiều đoạn gồ ghề, phần lớn là những tảng đá lớn và dây leo chằng chịt, băng qua một số hố sâu trong đó có hố Bảy Ngày sâu thăm thẳm. Nhiều đoạn đường rất trơn vì đá phủ rêu, ẩm ướt đòi hỏi rất nhiều kỹ năng và thể lực để có thể vượt qua. Cũng vì quá hiểm trở nên để hạn chế những bất lợi, du khách thường chọn thời điểm những ngày nắng ráo để thực hiện hành trình.
Theo nhiều dân phượt chia sẻ, dù hiểm trở và khá lắt léo nhưng dân phượt thường để lại các ký hiệu trên đường đi, du khách có thể đi theo mũi tên màu đỏ vẽ trên các tảng đá, các ký hiệu khắc trên cây rừng ven lối mòn, dựa vào đó sẽ không lo bị lạc giữa rừng. Những ai lần đầu chọn cung đường này để chinh phục núi Bà Đen thì tốt nhất là nên tìm một người dẫn đường quen thuộc địa hình, có thể là người dân địa phương vì họ rất am hiểu đường đi lối lại ở đây. Ngoài ra, cần tham khảo kinh nghiệm của những người đi trước.
Để đảm bảo an toàn, khách đi phượt tuyệt đối tránh những khi trời mưa, vì leo trên đá rất dễ trơn trượt dẫn tới tai nạn. Đồng thời, nên đi từ hai người trở lên, hỗ trợ nhau trong những trường hợp cần thiết. Để phòng trường hợp xảy ra sự cố ngoài ý muốn, các bạn trẻ đi phượt nên xin số điện thoại của những người dân ở dưới chân núi để có thể nhờ hỗ trợ trong tình huống khẩn cấp.
Một số kinh nghiệm được khác được nhiều người chia sẻ, đó là phải chuẩn bị nước đầy đủ, ít nhất là 3 lít nước cho một người (tùy vào cơ thể mỗi người mà chuẩn bị). Thứ bắt buộc khác là đồ ăn vì leo núi mất rất nhiều năng lượng, chọn đồ ăn có lượng đạm cao, gọn nhẹ nhất có thể. Cần thiết một cây gậy dò đường, trang phục đi rừng thì nên mặc quần áo dài, mang giày, vớ, bao tay đầy đủ tránh muỗi, côn trùng và các loài rắn trong rừng. Trong lúc di chuyển chú ý tránh chạm cây nàng hai (tầm ma) và luôn cẩn thận với rắn lục đuôi đỏ.
Khu vực rừng dưới chân núi Bà Đen được coi là nơi có nhiều dược liệu, trong đó có nhiều loại cây thuốc quý, tuy nhiên không nên ăn những trái cây trong rừng vì có thể chứa độc tố. Trong trường hợp không kịp rời núi và phải nghỉ lại qua đêm trong rừng, khi trời nhá nhem tối nên tiến hành cắm trại, không đi cố vì đường núi rất nguy hiểm. Chuẩn bị kỹ cả đèn pin, sạc điện thoại dự phòng và túi y tế phòng trường hợp bị thương thì xử lý kịp thời.
Mặc dù được coi là một thử thách mạo hiểm, yêu cầu phượt thủ phải có kỹ năng và nhiều trang bị cần thiết, nhưng cung đường Ma Thiên Lãnh - núi Bà Đen được cho là mang lại những trải nghiệm ấn tượng cho bất cứ ai đi qua.