Chính sách thuế thu nhập cá nhân (TNCN) đã được thực hiện ở nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên, mỗi quốc gia có một cách “áp thuế” riêng với công dân của mình.
Người độc thân ở Mỹ có mức giảm trừ gia cảnh thấp hơn
Hầu hết pháp luật thuế TNCN của các nước đều có quy định về mức giảm trừ gia cảnh theo các hình thức và cách thức khác nhau.
Hàn Quốccho phép thu nhập từ việc chuyển nhượng một nhà, đất duy nhất được miễn thuế |
Nhiều nước khi xây dựng mức giảm trừ chung đã có sự phân biệt về đặc điểm của người nộp thuế, ví dụ như người cao tuổi, người tàn tật được giảm trừ ở mức cao hơn so với người bình thường (ví dụ, Anh, Malaysia, Singapore…), người có gia đình cũng được giảm trừ cao hơn so với người độc thân (ví dụ Mỹ, Philippines). Ở Trung Quốc, mức giảm trừ còn có sự phân biệt giữa cá nhân người nộp thuế là người Trung Quốc và người nước ngoài, trong đó người nước ngoài có mức giảm trừ cao hơn.
Một số quốc gia không quy định mức giảm trừ cho người nộp thuế, song trong biểu thuế quy định mức thuế suất 0% cho thu nhập chịu thuế dưới một ngưỡng nhất định. Bên cạnh đó, cũng có quốc gia vừa quy định mức thuế suất 0% vừa quy định mức giảm trừ cho người nộp thuế, ví dụ như Thái Lan và Malaysia và coi đây như là biện pháp để hỗ trợ cho người có thu nhập thấp.
Có quốc gia còn quy định ngưỡng thu nhập khi xác định mức giảm trừ mà đối tượng nộp thuế được hưởng, thu nhập càng cao thì mức giảm trừ cá nhân càng giảm (ví dụ Mỹ, Anh). Ở Anh, đối với người nộp thuế có thu nhập trên 100 nghìn bảng/năm thì cứ mỗi bảng thu nhập tăng thêm trên mức này, mức giảm trừ sẽ bị giảm 50 xu. Theo đó, người có thu nhập trên 114,95 nghìn bảng có mức giảm trừ bằng 0 (Anh quy định mức giảm trừ cho người nộp thuế đối với năm tài khóa 2011-2012 là 7.475 bảng). Điều này phần nào phản ánh thêm quan niệm về mức giảm trừ có sự khác biệt ở các quốc gia.
Các khoản giảm trừ cho người phụ thuộc của các nước cũng có sự khác biệt và có các tiêu chí khác nhau. Mức giảm trừ quy định cho người phụ thuộc thường được quy định thấp hơn so với mức giảm trừ cho cá nhân người nộp thuế Một số nước có khống chế số lượng người phụ thuộc được tính giảm trừ (ví dụ, Thái Lan, Indonesia, Malaysia..), song cũng có nhiều nước không khống chế (ví dụ, Mỹ, Anh). Cũng có nước không quy định riêng mức giảm trừ cho người phụ thuộc và cho cá nhân người nộp thuế mà quy định một mức chung (ví dụ, Trung Quốc…).
Các khoản giảm trừ đặc thù cũng rất đa dạng ở mỗi nước. Có quốc gia cho phép giảm trừ các khoản đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế... để khuyến khích người dân tham gia các dịch vụ này; có quốc gia cho phép giảm trừ chi phí giáo dục của con hoặc là có quốc gia cho phép giảm trừ đối với các khoản lãi tiền vay mua nhà trả góp (để khuyến khích người dân sở hữu nhà) hay là các khoản đóng góp từ thiện.
Khi xây dựng các khoản giảm trừ đặc thù, phần lớn các nước đều khống chế mức tối đa cho từng loại giảm trừ, ví dụ như cho giáo dục, y tế… (Thái Lan, Malaysia, Hàn Quốc, Indonesia..). Để được hưởng các khoản giảm trừ này, người nộp thuế phải xuất trình được các chứng từ liên quan.
Phương thức quy định về mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế cũng rất khác nhau giữa các quốc gia. Có quốc gia quy định một mức cứng tương tự như Việt Nam (ví dụ, Trung Quốc, Argentina...), nhưng có quốc gia quy định theo tỷ lệ phần trăm (%) thu nhập và khống chế mức giảm trừ tối đa (ví dụ, Thái Lan, Hàn Quốc...).
Quy mô của các khoản giảm trừ được các nước thiết kế chủ yếu dựa vào quan điểm của từng nước trong chính sách động viên về thuế TNCN và thường không dựa vào một công thức cụ thể nào. Theo một thống kê của IMF, quy mô các khoản giảm trừ (so với GDP bình quân đầu người) của các nước phát triển thường thấp hơn so với các nước đang phát triển.
Thuế TNCN cũng có thể không tính lũy tiến
Những năm gần đây, nhiều nước đã thực hiện cắt giảm mức thuế suất, kể cả mức thuế suất luỹ tiến cao nhất và mức thuế suất thấp nhất trong Biểu thuế để nâng cao tính hấp dẫn của môi trường đầu tư trong nước, thu hút được lao động có kỹ thuật cao từ bên ngoài (Indonesia, Singapore, Malaysia, Ba Lan, Cộng hòa Séc...).
Cá biệt có một số quốc gia đã thực hiện cải cách chính sách thuế TNCN của mình theo hướng xoá bỏ biểu thuế luỹ tiến và chuyển sang áp dụng duy nhất một mức thuế suất thuế TNCN với mức khá thấp, nhất là các nước thuộc Liên Xô cũ và Đông Âu. Ví dụ, Nga áp dụng một mức thuế suất là 13%, Cộng hòa Séc một mức là 15% và Bun-ga-ri một mức là 10%.
Theo một nghiên cứu điều tra gần đây về thuế TNCN tại 189 nước, nếu trong giai đoạn 1991-1995, số quốc gia có mức thuế suất cao nhất trong Biểu thuế TNCN của mình trên 40% chiếm khoảng 32,07% số nước thì đến giai đoạn 2001-2005, tỷ lệ số quốc gia này giảm xuống còn 17,18%.
Trong khi đó, tỷ lệ số nước có mức thuế suất cao nhất trong Biểu thuế TNCN dưới 30% đã tăng từ 35,73% lên 48,79% trong cùng giai đoạn.
Cũng có quốc gia gần đây có điều chỉnh tăng mức thuế suất cao nhất trong Biểu thuế (ví dụ, Anh, Mexico) để có thêm nguồn thu cho ngân sách nhằm khôi phục lại cán cân tài khóa sau khủng hoảng, song số lượng quốc gia thực hiện theo cách thức này không nhiều.
Tùy hứng với thu nhập được miễn thuế
Bên cạnh việc cho phép miễn thuế đối với một số khoản thu nhập (theo điều ước quốc tế, thu nhập từ giải thưởng...), một số quốc gia còn có quy định cho phép miễn thuế đối với một số khoản phụ cấp, trợ cấp không mang tính chất tiền lương, tiền công. Ví dụ, Trung Quốc cho phép miễn thuế đối với trợ cấp thôi việc đối với người lao động hay trợ cấp xuất ngũ đối với quân nhân, trợ cấp định cư đối với cán bộ, công chức nhà nước…
Ngoài ra, một số quốc gia còn có quy định thêm một số khoản thu nhập được miễn thuế có tính chất đặc thù, tùy thuộc vào định hướng chính sách của mỗi nước, ví dụ có nước cho phép miễn thuế đối với thu nhập từ đầu tư vốn Nam Phi, Argentina...), thu nhập từ các chương trình tiết kiệm nhà ở dài hạn (Hàn Quốc) hoặc là có doanh nghiệp không thu thuế đối với thu nhập từ chuyển nhượng vốn (Malaysia, Singapore...).
Một số nước còn cho phép thu nhập của hộ gia đình sản xuất nông nghiệp (trong phạm vi nhất định) được miễn thuế (như Hàn Quốc). Một số quốc gia cho phép thu nhập từ việc chuyển nhượng một nhà, đất duy nhất được miễn thuế (Hàn Quốc, Australia) để khuyến khích việc các hộ gia đình cải thiện điều kiện nhà ở.
Khuyến khích tiết kiệm hưu trí
Hiện nay, trên thế giới có hai phương án đối với loại thu nhập này. Phương thức thứ nhất là: “miễn thuế – miễn thuế – đánh thuế” hay là “đánh thuế - miễn thuế – miễn thuế”. Theo phương thức này thì cả phần thu nhập dùng để đóng góp cho quỹ và lãi thu được từ quỹ được miễn thuế song thu thuế đối với những khoản lợi ích được hưởng khi rút tiền ra khỏi quỹ. Phương thức thứ hai là “đánh thuế - miễn thuế – miễn thuế”, theo đó các khoản đóng góp không được khấu trừ khi xác định thu nhập tính thuế TNCN nhưng tiền lãi và những khoản lợi ích cá nhân được hưởng khi rút tiền ra khỏi quỹ đều được miễn thuế.
Nhiều nước trên thế giới để khuyến khích tiết kiệm hưu trí đã đưa vào triển khai các chính sách thuế TNCN thuận lợi nhằm đảm bảo các cá nhân trong quãng thời gian đi làm của mình tích lũy đủ tiền để yên tâm khi về hưu, trong đó có việc cho miễn hoàn toàn đối với các khoản đóng góp cho quỹ. Ví dụ, Luật thuế TNCN của Trung Quốc cho phép các khoản đóng góp vào quỹ hưu trí được giảm trừ vào thu nhập chịu thuế. Các nước như Thái Lan, Hàn Quốc, Ma-rốc cũng có quy định tương tự cho phép giảm trừ các khoản đóng góp tham gia các quỹ hưu trí ra khỏi thu nhập khi tính thuế TNCN.
Trong dự thảo sửa đổi, bổ sung luật Thuế thu nhập cá nhân đang đang được Quốc hội xem xét, Chính phủ cũng đã bổ sung khoản thu nhập cá nhân từ quỹ hưu trí tự nguyện vào danh mục miễn thuế. Đây được coi là một chính sách rất hợp lòng dân, phù hợp với xu hướng quốc tế.
Nhật Thanh (tổng hợp)