Bị mù bỗng dưng sáng mắt
Thiền sư Ma Ha gốc người Chiêm Thành, sau đổi họ là Dương. Cha ngài tên Bối Đà, rất giỏi về văn học Phạn ngữ, làm quan dưới triều Lê là Bối trưởng (xưa gọi Đà phan). Lớn lên thiền sư có nhận thức thấu đáo, học thông cả hai thứ chữ Phạn và Hán. Theo sách Thiền Uyển tập Anh ghi lại, thiền sư Ma Ha là đệ tử đời thứ 11 của thiền phái Diệt Hỷ.
Năm hai mươi bốn tuổi, thiền sư Ma Ha nối nghiệp cho cha kế thế trụ trì ngôi chùa cũ. Một hôm, đang lúc giảng kinh thấy Hộ pháp Thiện thần xuất hiện quở rằng: "Đâu cần cái học bên ngoài ấy làm gì? Ắt không thể thông lý." Do đây hai mắt nhà sư bị mù. Nhà sư hết lòng ăn năn hối lỗi, toan gieo mình xuống vực sâu mà chết.
Bỗng gặp Đông Lâm Viễn ngăn rằng: "Dừng! Dừng!" Ma Ha nghe lời này liền tỉnh ngộ. Về sau, nhà sư đến chùa Cổ Sơn thọ giáo với Thiền sư Đỗ Pháp Thuận. Ở đây chuyên việc sám hối và tụng Đại Bi tâm chú, ròng rã ba năm thiền sư chưa từng có một phút giây trễ nải.
Cảm Bồ-tát Quan Âm lấy nước cành dương rưới trên đánh vào mặt, mắt. Bỗng nhiên mắt nhà sư sáng lại tâm càng thanh tịnh.
Thiền sư dạo phương Nam châu Ái, đến trấn Sa Đảng. Nhân dân ở đây rất sùng mộ quỉ thần, lấy việc sát sanh làm chủ yếu. Thiền sư Ma Ha khuyên họ ăn chay làm phước, họ đồng đáp: "Thiên thần của chúng tôi, họa phước không dám trái."
Thiền sư nói: "Các ngươi nếu bỏ ác làm lành, dù có quỉ thần xúc hại Lão tăng sẽ gánh chịu cho." Dân làng thưa: "Gần đây có người mang bệnh hủi nặng, các thầy thuốc đều bó tay, nếu ông trị lành được bệnh này, chúng tôi sẽ nghe theo lời khuyên."
Thiền sư Ma Ha bảo dẫn người bệnh ấy đến. Họ đến, thiền sư liền tụng chú, lấy nước phun vào người bệnh, chẳng bao lâu bệnh được lành. Dân làng tuy cảm phục, mà tập nhiễm của họ đã lâu, chưa có thể nhất thời cảm hóa được.
Có người họ Ngô bày rượu thịt ra ép sư ăn uống, nói rằng: Nếu hòa thượng chịu thưởng thức thú vui này thì chúng tôi xin quy y đạo Phật.
Thiền sư đáp: Bần đạo không dám từ chối, chỉ sợ bị đau bụng thôi.
Người họ Ngô cười nói: Nếu đau thì Ngô mỗ này xin chịu cho.
Thiền sư Ma Ha miễn cưỡng nghe theo. Được một lúc, thiền sư về nhà bị trướng bụng, đau dữ dội, bèn kêu to: Ngô quân hãy chịu đau cho tôi đi!
Chủ nhà họ Ngô hốt hoảng không biết làm thế nào. Bấy giờ thiền sư chắp tay niệm: Nam mô Phật, nam mô Pháp, nam mô Tăng, xin cứu độ cho đệ tử! Rồi cúi xuống nôn hết thức ăn, các món thịt liền biến thành thú vật chạy đi, các món cá biến thành cá sống vùng quãy, rượu biến thành nước gỉ đồng. Mọi người hết sức kinh lạ và khiếp sợ.
Thiền sư nói: Người bệnh của ngươi ta đã chữa khỏi, còn ta bị đau bụng thì chẳng ai chịu đau thay cho ta. Vậy bây giờ người đã chịu theo đạo ta chưa? Người làng đều sụp xuống lạy tạ.
Tuyệt kỹ tàng hình
Trong số những bậc thiền sư mà tài năng võ học được ghi nhận thì Thiền sư Ma Ha được lưu truyền là người có khả năng tàng hình phi phàm mà người đời sau vẫn không ai đạt đến ngưỡng giới trên.
Tương truyền, vua Lê Đại Hành vì nghe danh của thiền sư Ma Ha, có ý mời vào triều hỏi việc. Tuy nhiên, thiền sư không thuận ý, vua 2 lần cho người đến mời nhưng không được. Lần thứ ba, thiền sư Ma Ha đành phải vào chầu vua.
Khi vua hỏi, thiền sư Ma Ha tự xưng mình là "cuồng tăng tu tại chùa Quán Âm". Câu trả lời ngông cuồng của vị thiền sư này khiến vua cả giận, sau đó sai người bắt giam thiền sư vào chùa Quán Tri (Ninh Bình).
Biết trước, thiền sư Ma Ha là người có võ học uyên thâm, tài năng ảo diệu nên vua sai khoá cửa ngục cẩn thận, bố trí đông lính canh gác nghiêm ngặt nhiều tầng để vị sư này không thể thoát thân. Tưởng rằng, sư Ma Ha vì khinh vua nên phải chịu kết cục bi thảm, cuộc đời bị giam trong ngục tù.
Nhưng, qua một đêm, khi trời sáng mọi người đã thấy thiền sư Ma Ha đang ngồi ở phòng Tăng trong khi cửa ngục vẫn bị khoá. Lính canh không thể hiểu tại sao vị thiền sư này có thể thoát ra ngoài, khi họ chạy vào phòng giam thì cửa vẫn khoá cẩn thận. Sự việc khiến vua cho rằng, thiền sư Ma Ha có phép lạ và cuối cùng đành thả.
(Còn nữa)