Phế tích tháp cổ
Theo cụ Trần Luận (83 tuổi, ngụ thôn Thủ Thiện Thượng, người nắm rõ nhiều câu chuyện kể về phế tích tháp Bàu Đá), xa xưa thôn này có 3 ngôi tháp Chăm. Ở phía nam có tháp Bàu Sen, phía đông có tháp Thủ Thiện, phía bắc có tháp Bàu Đá. Ba ngôi tháp, mỗi tháp cách nhau chừng 1km, tạo nên thế tam giác cân.
Khi nhắc đến tháp Chăm ở xã Bình Nghi, hầu hết người ta chỉ nghĩ đến tháp Thủ Thiện, ngôi tháp duy nhất vẫn còn hiên ngang đứng vững. Hai ngôi tháp Bàu Sen và Bàu Đá chẳng rõ đã sụp đổ từ khi nào. Phế tích tháp Bàu Sen ngày nay chỉ còn một gò đất nham nhở, còn tháp Bàu Đá có phế tích rõ ràng hơn.
Dẫn đường chúng tôi đến tháp Bàu Đá nhưng khi đến nơi, cụ Luận vì sức khỏe yếu nên chỉ đứng dưới chân phế tích tháp cổ nhìn lên. Vịn theo những bụi cây, chúng tôi leo lên bên trên để quan sát kỹ hơn.
Theo quan sát, trên ngọn núi hình bát úp nhô lên giữa cánh đồng, dễ dàng thấy những đống gạch vụn, với đầy rẫy hầm hố nham nhở, lớn nhỏ khác nhau sau các cuộc khai quật. Ở đây, một số vị trí được người dân đem bạch đàn đến trồng để phủ xanh phế tích. Tuy chỉ còn là phế tích nhưng với dân làng Thủ Thiện Thượng, đặc biệt là lớp người lớn tuổi mỗi khi nhắc đến tháp Bàu Đá là bao ký ức lại hiện về.
“Núi thì gọi là núi Cấm, nghĩa là cấm được xâm phạm. Trên đó trước đây có rừng Cấm, tháp nằm trong rừng nên nhiều người gọi là tháp Rừng
Cấm. Cạnh tháp có bàu nước, có mấy hòn đá lớn nên thường gọi là Bàu Đá. Sau này rừng mất, bàu vẫn còn nên người ta gọi là tháp Bàu Đá”, vừa nói cụ Luận vừa đưa cánh tay chỉ về hướng bàu nước phía trước.
Nhìn những viên gạch dưới chân, cụ Luận nhặt lên rồi khoe: “Tôi nghe ông bà kể lại rằng, người Chăm xưa kia đào hố lấy đất rồi nung, sau đó đắp đền mà tạo nên. Tháp bị phá hủy từ hàng trăm năm về trước. Khoảng thời gian từ 1945 đến 1954, thanh niên trai tráng trong làng lên núi Cấm nhặt gạch về để lát sân, làm hè, tu bổ nhà cửa…
Thời đó gạch ít và hiếm lắm, không nhiều như bây giờ. Mà gạch của người Chăm thì vừa to vừa nhẹ nhưng lại bền chắc. Không hiểu họ nung thế nào mà bên trong lõi gạch đen, bên ngoài lại đỏ, nắng mưa cả ngàn năm vẫn không hư hại”.
Đàn gà bằng vàng đi ăn đêm?
Cùng với phế tích tháp Bàu Đá, người dân nơi đây vẫn truyền tai nhau nghe những câu chuyện đầy ly kỳ, có phần ma mị về ma Hời, vàng Hời xoay quanh tháp cổ. Theo đó, vàng Hời mang hình dạng thú vật, biết biến hóa thành vật thể sống, đi ăn trong đêm tối, thoắt ẩn thoắt hiện, mang trong mình thứ năng lực nhuốm màu ma thuật.
Đó là vào những đêm trăng già, người ta thường nhìn thấy một đàn gà đi ăn. Gà mẹ dẫn theo 7 con gà con đi ăn quanh phế tích tháp. Đàn gà bằng vàng chói sáng, đi đến đâu lấp lánh đến đó.
Chẳng biết chuyện là có thật hay không, tuy nhiên những người lớn tuổi ở đây đều khẳng định là đã nhìn thấy hiện tượng đàn gà đi ăn trong đêm. Có người thì sợ hãi tránh xa nhưng cũng có người kể rằng vì rượt bắt đàn gà mà té ngã.
Cụ Luận kể về câu chuyện bí ẩn xoay quanh phế tích tháp cổ. |
“Gà thì người ta gặp nhiều, nhưng để bắt được nó thì không dễ. Ông bà kể rằng, gà là vàng sống nên nếu bắt được thì phải nung ra thành vàng mới giữ được. Nếu bắt về mà để vậy thì nó cũng đi mất. Chưa hết, người bắt được gà nung thành vàng mà không cúng kính lạy tạ người đã chết đàng hoàng thì có khi còn mang họa vào thân. Ông bà trước đây kể lại, đã có người bị ma Hời trừng phạt rất nặng vì lấy vàng không đúng”, cụ Luận cho biết.
Bản thân cụ Luận cũng cho rằng mình từng gặp phải hiện tượng cổ quái, đầy huyễn hoặc này. Có đêm, cụ Luận ngồi ở nhà bỗng có một luồng ánh sáng chói xuống. Cụ ngước nhìn thì thấy ở núi Cấm có vật sáng đi lại.
Lúc đầu, khi nhìn thấy cụ cũng rùng mình vì sợ hãi. Tuy nhiên, một lát sau cụ cùng với vợ đi ra phía trước nhìn thật kỹ thì nhận ra vật kia có hình dáng giống như con gà, nhưng thân hình thì to gấp mấy lần con gà.
“Vợ chồng tôi đứng quan sát nhìn con gà bằng vàng đi đi lại lại, vừa đi vừa mổ xuống đất như đang ăn. Khoảng 5 phút sau, con gà tự biến mất. Vợ tôi lúc ấy sợ quá nên co giò chạy thẳng vào nhà một hơi. Tôi tin rằng con gà ấy là gà vàng của người Hời đi ăn đêm”, cụ Luận kể đầy huyền bí.
Theo các bậc cao niên nơi đây, đêm đêm khi vàng đi ăn, luôn có ma Hời đi theo chăn dắt, trông chừng. Có việc này là bởi khi chôn cất vàng, dòng dõi quý tộc người Chăm cũng chôn luôn đồng nam hoặc đồng nữ theo cùng để canh giữ vàng của gia đình, dòng tộc. Đây được xem là một hình thức bùa ngải, trấn yểm kho báu của người Chăm xưa kia.
Linh hồn trinh nữ sẽ không được đầu thai nên sẽ phải làm “thần giữ của” mãi mãi cho đến khi lời nguyền được hóa giải. Đêm đêm, khi những thứ đồ vàng tùy táng mang hình dáng thú biến thành cá thể sống thì ma Hời có nhiệm vụ dắt đi ăn, trông chừng để tránh bị người ta bắt trộm.
Ma Hời về đòi lại vàng?
Theo cụ Luận, thời thuộc Pháp, ở khu vực phế tích tháp cổ Bàu Đá, người dân vẫn thường xuyên nhặt được những thỏi vàng, bạc bằng lá hoặc những vật dụng có giá trị. Hồi ấy, cứ sau mỗi trận bom đạn thì ở đây lại xuất hiện những hầm hố với kích cỡ to nhỏ khác nhau.
Có hố to như cái ao, có hố chỉ vừa cái nia. Người dân khu vực này cũng thương vong vì bom đạn. Tuy nhiên, khi bom đạn kẻ thù qua đi, người dân lại phát hiện những thỏi vàng, bạc dưới những cái hố ấy.
Trước kia cha cụ Luận cũng từng nhặt được vàng Hời ở dưới chân thế tích tháp cổ Bàu Đá. Đó là vào một buổi đi cày, gần trưa, khi sắp cày xong thửa ruộng, cha cụ phát hiện dưới lớp bùn vừa cày lên có những thỏi vàng lá bóng lóa. Ông mừng rỡ, bỏ cày ở ruộng, chạy thật nhanh để đem vàng về nhà cất giấu.
“Cha tôi đem vàng về nhà rồi lấy ra cho cả nhà xem. Lúc đó tôi còn nhỏ nhưng vẫn được cha cho cầm xem thử. Những thỏi vàng đó có kích thước khá đồng đều, to và dài bằng ngón tay người lớn. Tuy nhiên, nó không bằng phẳng mà trên mỗi thỏi vàng đều có những hoa văn khác nhau như hình nải chuối, cái mũ, con gà”, cụ Luận kể.
Tuy nhiên, từ ngày đem số vàng này về cất giấu trong nhà, hàng đêm cha cụ Luận luôn bị ai réo gọi đòi lại vàng. Biết là ma Hời về đòi lại vàng nên sau đó cha cụ đem vàng ra chôn ở phế tích tháp Bàu Đá.
Khoảng 10 ngày sau, cha cụ lấy cuốc ra đào chỗ chôn vàng hôm trước lên xem thì chẳng còn gì. Sau đó, ông đào rộng ra xung quanh cũng không thấy vàng. Lúc này, ông mới tin lời của người xưa kể rằng vàng Hời có thể di chuyển từ nơi này qua nơi khác, chứ không đứng yên một chỗ.
“Những người như lứa tuổi của tôi nghe cha mẹ kể lại việc có nhặt được vàng, nhưng sau đó bị ma Hời về đòi nên họ đem đào chôn, chứ không dám giữ trong nhà. Đó là thời của thế hệ trước, còn thời chúng tôi và sau này thì không nghe thấy chuyện ấy nữa. Như tôi thì chỉ thấy đàn gà bằng vàng đi ăn đêm rồi biến mất thôi”, cụ Luận cho biết.
Bình luận
Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu