Chăm sóc bữa ăn hàng ngày cho người cao tuổi
Trong gia đình, sức khoẻ của các thế hệ thành viên là điều rất quan trọng. Đối với người cao tuổi, khi các căn bệnh tuổi già ập đến, việc duy trì chế độ dinh dưỡng hợp lý là điều rất quan trọng. Sau tuổi 50, các rối loạn mãn tính về xương khớp, tiểu đường, tim mạch thường hay phát triển. Bên cạnh đó, nguy cơ mắc phải các chứng bệnh nghiêm trọng như ung thư, đau tim, đột quỵ cũng tăng cao.
Tình trạng thiếu vi chất ở người già khiến cho hệ miễn dịch suy yếu, tăng nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm. Để đảm bảo cho ông bà, bố mẹ của mình có một cuộc sống chất lượng về thể chất và tinh thần ở tuổi xề chiều, nên chú trọng cung cấp đủ vi chất cho cơ thể qua chế độ ăn uống cân bằng và hợp lý mỗi ngày, hoặc bổ sung bằng các loại sữa công thức, các loại vitamin, dầu cá,...
Các chuyên gia dinh dưỡng thường khuyến khích người già giảm khẩu phần ăn uống hàng ngày. Đây là cách tốt nhất để duy trì cân nặng ở mức ổn định, tránh những ảnh hưởng xấu đối với sức khoẻ, nhất là người cao tuổi vốn đã có bệnh nền. Bên cạnh đó, khi càng lớn tuổi, hệ tiêu hoá hoạt động ngày càng kém. Cụ thể, người cao tuổi thường phải đối mặt với tình trạng răng yếu hoặc rụng khiến khả năng nhai giảm xuống. Hoạt động của dạ dày cũng kém hơn so với trước đây, họ có nguy cơ bị rối loạn tiêu hoá tương đối cao. Bởi vì lý do kể trên, chúng ta cần phải tìm hiểu thật kỹ người già nên ăn gì và xây dựng thực đơn khoa học, phù hợp nhất.
Những người cao tuổi trong gia đình đôi khi không thể kiểm soát được khẩu phần ăn hàng ngày. Vì vậy, họ rất cần đến sự hỗ trợ, giúp đỡ của những thành viên còn lại. Việc chăm sóc sức khỏe, bữa ăn cho người cao tuổi trong gia đình không chỉ giúp xây dựng đời sống khỏe mạnh về thể chất mà còn giúp duy trì thể trạng tinh thần minh mẫn hơn.
Những chế độ ăn cần lưu ý
Nhu cầu năng lượng ở người 60 tuổi giảm đi 20%, ở người trên 70 tuổi giảm đi 30% so với người 25 tuổi. Theo nhu cầu khuyến nghị của người Việt Nam, với người cao tuổi, nhu cầu về năng lượng là từ 1.700 - 1.900 kcal/người/ngày. Năng lượng từ ngũ cốc cung cấp 68%, các chất béo cung cấp 18% và các chất đạm cung cấp 14% tổng nhu cầu năng lượng trong khẩu phần ăn hàng ngày. Người cao tuổi cần điều chỉnh chế độ ăn để giữ cân nặng ổn định, để chỉ số BMI từ 18,5 - 22,9.
Các thành viên khác trong gia đình cần lưu ý bổ sung các loại thực phẩm giàu dinh dưỡng cho người già. Chia bữa ăn thành nhiều bữa nhỏ, tạo không khí vui vẻ, thoải mái. Khi ăn, cần nhai chậm, nhai kỹ thức ăn. Nên ăn các thức ăn thực vật như: Vừng, lạc, đậu đỗ, rau xanh và hoa quả chín, ăn ít thịt, thay vào đó là cá, tôm. Chế biến các món hấp, luộc nhừ thay thế các món rán nướng. Nên ăn thay đổi thực đơn thường xuyên, tránh đơn điệu để bữa ăn sẽ ngon hơn. Các món ăn chế biến mềm, thái nhỏ, hầm kỹ để phù hợp với hàm răng yếu và dễ tiêu hóa. Không ăn quá no, nhất là vào buổi tối, sau khi ăn xong nên ngồi hoặc đi lại nhẹ nhàng trong vòng 30 phút sẽ giúp dạ dày nhào trộn thức ăn và dễ tiêu.
Ở người có tuổi, tiêu hóa hấp thụ chất đạm đều kém nên dễ xảy ra tình trạng thiếu chất đạm. Ở đậu, lạc, vừng và cá có nhiều chất đạm, ngoài ra chúng lại có nhiều chất dầu giúp đề phòng các bệnh về tim mạch. Cho nên người cao tuổi nên ăn nhiều món ăn từ đậu tương như đậu phụ, sữa đậu nành, tào phớ.
Chăm sóc bữa ăn cho người già trong gia đình. |
Mỗi gia đình nên có một lọ vừng lạc để bổ sung cho bữa ăn hằng ngày. Mỗi tuần ăn 2 - 3 bữa cá. Nên ăn cá nhỏ, kho nhừ hai lửa để ăn được cả xương có thêm canxi đề phòng bệnh xốp xương ở người cao tuổi. Ðậu, lạc, vừng, cá có tác dụng phòng, chống các bệnh tim mạch; đậu phụ còn có tác dụng phòng chống ung thư.
Người cao tuổi cần nhiều protein – chất đạm và các vitamin khoáng chất, đặc biệt là vitamin E để duy trì khối cơ, xương và phục hồi các tổn thương tế bào do quá trình lão hóa. Tuy nhiên, do dạ dày suy yếu nên khả năng hấp thu dinh dưỡng từ thực phẩm thông thường cũng giảm. Vì thế, trong nhiều trường hợp, bạn nấu các món ngon, bổ dưỡng cho bố mẹ nhưng dinh dưỡng mà bố mẹ nhận được lại chẳng bao nhiêu. Do đó, bạn cần chú ý lựa chọn các món ăn mềm mịn, giàu dưỡng chất và dễ hấp thu cho bố mẹ như sữa, các loại ngũ cốc nguyên cám dinh dưỡng mềm.
Người có tuổi cần chú ý ăn nhiều rau để có chất xơ kích thích nhu động ruột, tránh táo bón. Các chất xơ trong rau quả còn có tác dụng như cái chổi quét hết các chất bổ béo thừa đẩy ra theo phân, giúp cơ thể phòng chống bệnh xơ vữa động mạch. Rau tươi, quả chín còn cung cấp các chất dinh dưỡng hết sức quan trọng đối với người cao tuổi là các vitamin và chất khoáng.
Bên cạnh những thực phẩm có lợi cho sức khỏe, người cao tuổi cũng nên hạn chế một số món ăn không tốt cho sức khỏe. Cụ thể, bạn nên chủ động giảm khẩu phần chất béo trong bữa ăn hàng ngày của người già, bởi vì chúng là nguyên nhân gây ra các vấn đề về tim mạch, khiến sức khỏe trở nên tồi tệ hơn. Đối với người già có tiền sử mắc bệnh tăng huyết áp, vấn đề này cần được quan tâm nhiều hơn. Tốt nhất, họ nên ăn dầu thực vật thay vì mỡ động vật để giảm lượng cholesterol, acid béo bão hoà trong cơ thể.
Đặc biệt, bác sĩ thường khuyên người lớn tuổi ăn ít muối hơn, nhất là các thực phẩm được muối sẵn như dưa cà. Nếu ăn quá nhiều, người cao tuổi có nguy cơ bị tăng huyết áp, sức khỏe suy giảm nghiêm trọng. Ngoài ra, sản phẩm chứa caffein như cà phê cũng không đem lại lợi ích đối với người lớn tuổi, vì vậy nên hạn chế sử dụng.
Đối với các thành viên trong gia đình, cần lưu ý cách chế biến bữa ăn hàng ngày cho người cao tuổi. Khi chế biến thành phần cấu tạo các món ăn trong bữa ăn hàng ngày nên thay đổi, đa dạng, phong phú, lưu ý nấu các món có hỗn hợp nhiều gia vị để kích thích ăn ngon miệng, nấu thức ăn mềm để dễ tiêu hóa như cháo, súp, các món hầm và phải có món canh.
Để nâng cao sức khỏe cho người cao tuổi bằng chế độ dinh dưỡng cần đảm bảo cho người cao tuổi là tìm được nguồn vui trong bữa ăn hàng ngày. Nguồn vui do bản thân người cao tuổi biết cách giữ gìn ăn uống điều độ hay còn tạo ra từ sự chăm sóc, tình cảm của người thân trong gia đình quan tâm đến vấn đề ăn uống, chế biến các món ăn mà người cao tuổi yêu thích.
Không chỉ lưu ý về thực đơn ăn uống, việc đưa người cao tuổi trong gia đình đến cơ sở y tế thăm khám định kỳ là điều rất quan trọng. Hãy đưa ông bà, cha mẹ hoặc những người lớn trong gia đình đi kiểm tra sức khỏe theo định kỳ từ 3 - 6 tháng một lần tại các cơ sở y tế uy tín. Việc làm này sẽ đảm bảo rằng chúng ta luôn hiểu rõ tình trạng sức khỏe của họ, từ đó có những định hướng điều trị hay điều chỉnh chế độ dinh dưỡng phù hợp để duy trì sức khỏe cũng như chăm sóc người già một cách tốt nhất.