Chọn hàng Việt vì “mắt thấy tai nghe”
Ngày nghỉ cuối tuần, chúng tôi đến một cửa hàng bán các sản phẩm OCOP trên đường Xuân Diệu, TP Hà Tĩnh, thấy khách đến mua sắm khá đông. Một khách nữ cho biết, chị là Nguyễn Thị Thương ở phường Nguyễn Du, TP Hà Tĩnh là cán bộ ngân hàng, thời gian trong tuần bận rộn, nên cứ cuối tuần chị Thương thường đến các cửa hàng bán các sản phẩm OCOP, hoặc các điểm bán hàng Việt Nam trong các siêu thị để sắm đồ ăn và các sản phẩm tiêu dùng thiết yếu cho cả tuần.
“Trước đây, khi hệ thống siêu thị, cửa hàng OCOP chưa phổ biến như bây giờ, mua thịt, rau củ quả hay những sản phẩm khác đều phải ra chợ. Từ ngày siêu thị và các cửa hàng OCOP có địa chỉ rõ ràng tôi tin tưởng sử dụng hàng Việt bày bán tại đây. Bởi không chỉ nghe đến tên tuổi mà nhiều mặt hàng sản xuất trong tỉnh như thực phẩm và các mặt hàng thiết yếu chính mắt tôi được chứng kiến quá trình sản xuất”, chị Thương chia sẻ.
Hàng năm Hà Tĩnh tổ chức nhiều Hội chợ triển lãm cũng như hỗ trợ các HTX, doanh nghiệp địa phương đạt chất lượng OCOP tham gia các hội chợ tại các tỉnh để giới thiệu sản phẩm địa phương. Ảnh: Hữu Anh |
Cũng theo theo chị Thương, tại các cửa hàng OCOP, gian hàng bán hàng Việt Nam như “Tinh hoa hàng Việt Nam”, “Tự hào hàng Việt Nam” hội tụ tất cả các hàng hóa, từ rau củ quả, gạo đến thịt, cá và hàng thời trang với giá cả phải chăng, phù hợp. Mẫu mã, bao bì, có xác nhận gắn với dán tem điện tử truy xuất nguồn gốc, chất lượng sản phẩm cũng được cải tiến, vì vậy thu hút và giữ chân người tiêu dùng.
Ông Võ Tá Nghĩa - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Tĩnh cho biết: Những năm vừa qua, UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo các sở Công Thương, NN&PTNT nắm bắt tình hình cung cầu hàng hóa nông sản trên địa bàn tỉnh, xu hướng thị trường để hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm. Tỉnh hoàn thiện hạ tầng thương mại như chợ, cửa hàng OCOP, tạo điều kiện tốt trong việc lưu thông, bán lẻ nông sản.
Mạng lưới chợ toàn tỉnh có 151 chợ, 18 cửa hàng OCOP; 58 cửa hàng Winmart+ và Co.opfood và nhiều siêu thị mini phân bố đều trên địa bàn các huyện, thành phố, thị xã. Nhờ vậy, trong thời gian qua, nhiều sản phẩm nông sản của tỉnh Hà Tĩnh có doanh thu tăng cao, đặc biệt các cơ sở sản xuất nước mắm, mật ong tăng 3-4 lần so với trước đây. Sản phẩm OCOP của tỉnh được người dân trong và ngoài tỉnh ưa chuộng.
Doanh nghiệp địa phương mạnh dạn đầu tư, xây dựng thương hiệu
Theo Ban chỉ đạo Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" tỉnh Hà Tĩnh, với nhiều giải pháp đồng bộ như quảng bá, tuyên truyền, tổ chức hội chợ, kết nối cung cầu hàng hoá, đẩy mạnh đưa hàng Việt về nông thôn…, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tại Hà Tĩnh đã dần đi vào chiều sâu và có hiệu quả. Đặc biệt, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong tỉnh đã ý thức được vai trò, trách nhiệm của mình đối với người tiêu dùng và cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Từ đó, coi trọng sản xuất các sản phẩm có chất lượng, mạnh dạn đầu tư đổi mới công nghệ, mẫu mã, nỗ lực mở rộng thị trường.
Chị Phan Thị Hào - Phó Giám đốc Công ty TNHH KH&CN An Phát ở huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) cho biết: Công ty ứng dụng khoa học công nghệ, nghiên cứu và phát triển nhiều dòng sản phẩm mới từ nông sản, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng. Những năm qua Công ty đã đầu tư thay đổi bao bì một số sản phẩm với kiểu dáng hiện đại hơn, mở rộng quy mô bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân ở thị xã Hồng Lĩnh, HTX Hạ Vàng, xã Tân Lâm Hương và HTX Đông Sơn ở huyện Thạch Hà.
Công ty TNHH KH&CN An Phát mạnh dạn đầu tư, xây dựng thương hiệu gạo. Ảnh: Hữu Anh |
Các sản phẩm gạo của Công ty có mặt trên các cửa hàng OCOP, các siêu thị và điểm bán hàng "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam".
Để thúc đẩy lưu thông, cung ứng hàng hóa sản xuất trong tỉnh, trong nước đến người tiêu dùng, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có nhiều chính sách định hướng ưu tiên sử dụng hàng nội tỉnh, khuyến khích và tạo điều kiện cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cơ sở sản xuất tại địa phương đẩy mạnh sản xuất, giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng.
Bà Lê Thị Khương, Giám đốc HTX Chế biến thủy hải sản Phú Khương ở huyện Kỳ Anh cho hay: Cơ sở đầu tư đổi mới công nghệ sản xuất hiện đại; tích cực tham gia các hội chợ, triển lãm quy mô lớn của tỉnh để giới thiệu sản phẩm nước mắm chất lượng của địa phương đến với khách hàng trong và ngoài tỉnh. Và nhờ tham gia chương trình OCOP, nước mắm Phú Khương được làm mới về mẫu mã, dán tem truy xuất nguồn gốc nên người tiêu dùng càng thêm tin tưởng sản phẩm của HTX. Nỗ lực để người dân ưa chuộng hàng nội tỉnh chính là cách HTX đồng hành cùng chương trình "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” mỗi năm HTX bán ra thị trường trong và ngoài tỉnh từ 300-400 ngàn lít nước mắm.
Theo đánh giá của Sở Công thương Hà Tĩnh, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn đã tích cực hưởng ứng cuộc vận động bằng nhiều hình thức như: đầu tư, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nhằm nâng cao chất lượng; thay đổi mẫu mã sản phẩm theo kiểu dáng công nghiệp; mở rộng hệ thống phân phối các sản phẩm địa phương; tham gia giới thiệu tại các triển lãm quy mô lớn…
Mới đây, qua khảo sát của Ban chỉ đạo Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh, sức mua của người tiêu dùng với hàng Việt ngày càng tăng cao, tại Hà Tĩnh có trên 80% người tiêu dùng lựa chọn mua sắm hàng hóa sản xuất trong nước, trong tỉnh Hà Tĩnh.