Giúp người dân thuận tiện cho trong tiếp cận hệ thống pháp luật
* Xin ông cho biết một số kết quả công tác nổi bật của Cục Kiểm tra VBQPPL năm 2019?
- Thời gian qua, công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa VBQPPL và pháp điển luôn được Thủ tướng Chính phủ, Lãnh đạo Bộ Tư pháp quan tâm chỉ đạo sát sao, quyết liệt, từ đó đã có nhiều chuyển biến tích cực về chất, đạt được những kết quả cụ thể. Công tác kiểm tra văn bản được thực hiện ngày càng kịp thời, gắn với yêu cầu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; chú trọng kiểm tra, kiến nghị xử lý dứt điểm các quy định không phù hợp có tác động rộng rãi đến người dân, xã hội.
Năm 2019, riêng tại Bộ Tư pháp đã kiểm tra 580 văn bản của các bộ, cơ quan ngang bộ và khoảng 4.300 văn bản của chính quyền cấp tỉnh; phần lớn các văn bản được kiểm tra có nội dung phù hợp, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội của cả nước cũng như từng địa phương.
Tuy nhiên, Cục Kiểm tra VBQPPL cũng đã phát hiện, kết luận và kiến nghị xử lý đối với 165 văn bản có quy định trái pháp luật (13 văn bản cấp bộ và 152 văn bản cấp tỉnh). Việc đôn đốc xử lý văn bản trái pháp luật năm 2019 tiếp tục được thực hiện quyết liệt, hiệu quả, đến nay cơ bản các quy định trái pháp luật đã được các cơ quan ban hành văn bản xử lý bãi bỏ hoặc sửa đổi.
Cục trưởng Đồng Ngọc Ba |
Về rà soát, hệ thống hóa văn bản, thực hiện Nghị quyết số 23/NQ-CP ngày 08/4/2018 của Chính phủ, Cục đã giúp lãnh đạo Bộ Tư pháp chủ trì rà soát, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ bãi bỏ 50 văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có nội dung không còn phù hợp (lạc hậu) với thực tiễn; làm đầu mối thực hiện Kế hoạch của Thủ tướng Chính phủ về hệ thống hóa văn bản của cả nước đến 31/12/2018.
Theo đó đã công bố hệ thống VBQPPL đang có hiệu lực của cả nước đến thời điểm 31/12/2018 (gồm 8.802 văn bản của các cơ quan nhà nước ở trung ương, 28.290 văn bản cấp tỉnh, 12.844 văn bản cấp huyện và 11.726 văn bản cấp xã), góp phần tăng cường tính công khai, minh bạch, thuận tiện cho người dân trong tiếp cận hệ thống pháp luật.
Xử lý hiệu quả văn bản trái pháp luật
* Có thể nói, trong công tác kiểm tra VBQPPL, dư luận thường xuyên quan tâm đến những văn bản bị phát hiện trái pháp luật. Các báo cáo gần đây đã đề cập trực tiếp đến số văn bản trái pháp luật về nội dung, thẩm quyền. Ông có thể cho biết việc xử lý văn bản trái pháp luật hiện nay có gặp phải vướng mắc, bất cập nào không?
- Việc kiểm tra, xử lý văn bản trái pháp luật được thực hiện công khai, minh bạch. Thời gian qua, với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và những đổi mới mạnh mẽ của Bộ Tư pháp đối với công tác này, việc xử lý văn bản trái pháp luật thời gian gần đây đã có những tiến triển mạnh mẽ, hiệu quả. Việc tự xử lý văn bản trái pháp luật sau khi có kết luận, kiến nghị của Cục Kiểm tra VBQPPL đã được nhiều cơ quan thực hiện với tinh thần cầu thị, trách nhiệm, tự sửa sai kịp thời để ngăn ngừa hậu quả của quy định trái pháp luật, vì lợi ích chung của xã hội.
Ảnh minh họa - Vẫn còn những văn bản trái pháp luật chậm được xử lý |
Tuy nhiên, công tác kiểm tra văn bản vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc đã được chỉ ra từ nhiều năm nhưng chưa khắc phục được triệt để như vẫn còn văn bản trái pháp luật chậm được xử lý (trong đó cũng có trường hợp do nguyên nhân về quy trình ban hành văn bản, tính chất nội dung phức tạp…), việc xem xét trách nhiệm, khắc phục hậu quả do văn bản trái pháp luật gây ra còn vướng mắc, đa phần chưa thực hiện được… Một dạng vi phạm khác trong ban hành văn bản thời gian qua là vẫn còn một số văn bản hành chính (ban hành không theo Luật Ban hành VBQPPL) nhưng có chứa quy phạm pháp luật.
* Vậy tại sao vẫn còn tình trạng các cơ quan ban hành văn bản hành chính nhưng có chứa quy phạm pháp luật?
- Như tôi vừa nêu, đây chính là một dạng vi phạm trong ban hành văn bản. Khi nhận được phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân về những văn bản này, Cục Kiểm tra VBQPPL đều khẩn trương kiểm tra theo thẩm quyền và kiến nghị xử lý theo quy định. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc các cơ quan ban hành văn bản hành chính nhưng có chứa quy phạm pháp luật, trong đó nhiều trường hợp do hiểu chưa đúng, chưa đầy đủ về quy phạm pháp luật. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tập trung nguồn lực hơn nữa để thực hiện các biện pháp nhằm hạn chế đến mức thấp nhất việc các cơ quan nhà nước ban hành quy phạm pháp luật trong văn bản hành chính gây tác hại đến người dân, xã hội.
Bộ pháp điển đã được khai thác, sử dụng thường xuyên
* Một trong những lĩnh vực đáng chú ý của Cục là việc xây dựng Bộ pháp điển. Xin ông cho biết tình hình xây dựng Bộ pháp điển hiện nay và những giá trị mà Bộ pháp điển đem lại?
- Bộ pháp điển có cấu trúc gồm 45 chủ đề, 271 đề mục thuộc các chủ đề. Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án xây dựng Bộ pháp điển thì Bộ pháp điển có lộ trình xây dựng trong 10 năm, từ 2014 đến 2023.
Đến nay, Bộ Tư pháp cùng các bộ, ngành đã thực hiện pháp điển xong 150 đề mục (trong đó có 120 đề mục đã được Chính phủ thông qua và đưa vào khai thác, sử dụng; 30 đề mục đã pháp điển xong, chuẩn bị trình Chính phủ xem xét thông qua). Còn 121 đề mục, Bộ Tư pháp đang phối hợp với các bộ, ngành rà soát và dự kiến đưa vào kế hoạch để thực hiện trong năm 2020 và 2021. Những kết quả đạt được của Bộ pháp điển bước đầu đã được xã hội ghi nhận và đánh giá cao; ngày càng có nhiều cá nhân, tổ chức thường xuyên khai thác, sử dụng Bộ pháp điển trong giải quyết công việc của mình.
Trang web truy cập Bộ pháp điển |
Bộ pháp điển là văn bản chính thức của Nhà nước, trong đó tập hợp đầy đủ, chính xác các quy phạm pháp luật do các cơ quan nhà nước ở trung ương ban hành đang có hiệu lực. Bộ pháp điển hiện nay được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử pháp điển (tên miền: phapdien.moj.gov.vn), người dân có thể truy cập để tra cứu, sử dụng hoàn toàn miễn phí. Bộ pháp điển có vai trò rất quan trọng đối với chất lượng của hệ thống pháp luật, nhất là tăng cường tính công khai, minh bạch, giúp người dân thuận tiện trong tra cứu, tìm kiếm quy định pháp luật, góp phần giảm chi phí tuân thủ pháp luật.
* Năm 2020, ông có thể chia sẻ phương hướng trọng tâm công tác của Cục và mong muốn đối với các bộ, ngành, địa phương về công tác văn bản?
- Năm 2020, Chính phủ đã xác định một trong những trọng tâm chỉ đạo, điều hành là “Nâng cao chất lượng xây dựng pháp luật gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo điều hành và thực thi pháp luật”. Hội nghị triển khai công tác của ngành Tư pháp năm 2020 cũng đã đề ra các nhiệm vụ cụ thể của Bộ, ngành Tư pháp trong việc bảo đảm chất lượng xây dựng pháp luật và nâng cao hiệu lực, hiệu quả thi hành pháp luật. Với tinh thần đó, công tác của Cục Kiểm tra VBQPPL trong năm 2020 tập trung vào một số định hướng chủ yếu sau:
Thứ nhất, chú trọng thực hiện công tác quản lý nhà nước về kiểm tra, rà soát VBQPPL và pháp điển, nhất là tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương thực hiện thẩm quyền, trách nhiệm của mình về kiểm tra, rà soát, xử lý văn bản; gắn kết hiệu quả các hoạt động kiểm tra, rà soát VBQPPL, pháp điển với xây dựng và theo dõi thi hành pháp luật, góp phần xứng đáng vào việc nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả của hệ thống pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
Kiểm tra công tác văn bản tại Bạc Liêu |
Thứ hai, tập trung nguồn lực để kiểm tra kịp thời các VBQPPL của các bộ, cơ quan ngang bộ và chính quyền cấp tỉnh, chú trọng các quy định tác động rộng rãi đến người dân, môi trường đầu tư, kinh doanh; tiếp tục đôn đốc quyết liệt việc xử lý văn bản trái pháp luật đã được phát hiện, nhất là những trường hợp văn bản trái pháp luật xâm hại quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, lợi ích của Nhà nước; tham mưu cho Bộ trưởng Bộ Tư pháp kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo đối với những trường hợp chậm xử lý văn bản trái pháp luật.
Thứ ba, tham mưu cho Bộ trưởng Bộ Tư pháp tổ chức triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ rà soát VBQPPL được Chính phủ giao tại Nghị quyết số 117/NQ-CP ngày 09/12/2019 và Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2020 của Chính phủ để xử lý hoặc kiến nghị xử lý các quy định mâu thuẫn, chồng chéo, không phù hợp với thực tiễn, gây khó khăn, kìm hãm sự phát triển của đất nước; tiếp tục tập trung nguồn lực để thực hiện bảo đảm chất lượng việc pháp điển các đề mục còn lại của Bộ pháp điển theo kế hoạch, đồng thời thực hiện các hoạt động cụ thể nhằm phát huy hơn nữa hiệu quả sử dụng các đề mục đã hoàn thành của Bộ pháp điển trong đời sống xã hội.
Tôi mong muốn các bộ, ngành, địa phương thời gian tới cần tiếp tục quan tâm, nhận thức đầy đủ về nội dung, yêu cầu của công tác xây dựng, kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa VBQPPL và pháp điển; cần xác định rõ VBQPPL là bộ phận cốt lõi của thể chế, có vai trò là nguồn lực cho phát triển. Từ đó cần có các giải pháp để bảo đảm chất lượng của văn bản, nhất là sự “thực chất” trong khâu xây dựng (khảo sát, đánh giá tác động, lấy ý kiến, thẩm định…) để bảo đảm chất lượng của văn bản cả về tính hợp pháp và khả thi; tăng cường thực hiện công tác tự kiểm tra và kiểm tra văn bản theo thẩm quyền; xử lý kịp thời, dứt điểm văn bản trái pháp luật do mình ban hành; đầu tư nguồn lực thỏa đáng cho công tác này để bảo đảm chất lượng của VBQPPL.
Tôi cũng xin trân trọng cảm ơn các cơ quan báo chí trong cả nước thời gian qua đã tích cực phản ánh về các hoạt động kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa VBQPPL và pháp điển, đặc biệt là phát hiện, phản ánh về các văn bản pháp luật do các bộ, ngành, địa phương ban hành có quy định không phù hợp, qua đó giúp Cục Kiểm tra VBQPPL, Bộ Tư pháp có thêm thông tin để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ được giao.
* Xin cảm ơn ông!