Đường duy nhất nối hai huyện miền núi
Trong chiến tranh, đường 74 là con đường quan trọng trong liên lạc, vận chuyển quân giới của bộ đội ta. Đường này sau đó do chịu ảnh hưởng của lũ lụt nên bị lấp, không đi lại được. Thế nên, vào năm 2011, Bộ Quốc phòng đầu tư xây dựng lại con đường này với tổng chiều dài 34km, từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. Phần đường do Công ty xây lắp Dầu khí I và Liên doanh Công ty CP Việt Trung - Công ty CPĐT xây dựng Đức Mạnh - Công ty CP giao thông Đức Trung trúng thầu thi công.
Điểm giao tuyến đường ở huyện A Lưới thuộc thôn A Ho, xã A Roàng (giao nhau với đường Hồ Chí Minh), còn điểm giao ở huyện Nam Đông thuộc khu vực Khe La Ma. Tuyến đường được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cấp 5 miền núi với kết cấu mặt đường bê tông xi măng và bê tông nhựa. Toàn bộ dự án gồm 12 cầu, trong đó 2 cầu lớn và 10 cầu trung với tổng mức đầu tư 535 tỷ đồng.
Theo dự kiến vào năm 2015, đường 74 sẽ hoàn thành. Ngoài nhiệm vụ quốc phòng an ninh, con đường này có ý nghĩa chiến lược cho phát triển giao thông nông thôn, phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
Con đường này có vai trò lớn như vậy nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành khiến nhiều người dân nơi đây đặt câu hỏi không hiểu vì sao lại chậm tiến độ như vậy? “Nghe Nhà nước cho xây dựng lại đường 74, dân chúng tôi rất mừng vì có thể vào rừng hoặc qua Nam Đông một cách dễ dàng nhưng đến nay hơi thất vọng.
Ban đầu, họ thi công rầm rộ nhưng dần dần không hiểu sao lại ít đi, hiện không thấy người ra vào nữa. Tôi mong cấp trên quan tâm làm sao đó để con đường này hoàn thành để mọi người đi lại dễ dàng hơn”, một người Pa Cô ngụ xã A Roàng mong muốn.
Đá để rải đường được chất thành đống, đơn vị thi công phải thuê người trông coi |
PV Báo PLVN dùng xe máy đi từ địa phận xã A Roàng, huyện A Lưới vào tuyến đường 74. Đi được chừng 500 mét thì thấy đá (dùng để rải đường) chất cao, cỏ mọc xung quanh. Người dân cho biết số đá này được tập kết từ lâu nhưng không được sử dụng. Đi tiếp là những lèn đá, đồi dốc, xung quanh là những bao xi măng đóng cứng, máy móc bị vùi lấp.
Trở thành lối đi của “lâm tặc”, gia súc
Suốt chuyến đi trên đường 74, PV gặp rất nhiều trâu bò, dê đi lại. Bên cạnh đó, phát hiện một số lóng gỗ, phách gỗ vừa mới được cưa xẻ, “lâm tặc” giấu bên lề đường. Có phách được kiểm lâm bắt giữ ghi ngày 14/10/2018.
Chiều 17/10, PLVN có mặt tại Đội bảo vệ rừng chuyên trách A Roàng (thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ A Lưới), những cán bộ nơi đây chỉ vào những phách gỗ vừa mới cưa xẻ, kể rằng 2h đêm trước họ mới tịch thu được gỗ này, còn lâm tặc đã “bỏ của lấy người”.
Ông Văn Thân (Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ A Lưới) thừa nhận: “Việc chúng tôi bắt giữ gỗ của “lâm tặc” trên tuyến đường 74 là có nhưng rất ít, chỉ mang tính nhỏ lẻ. Lãnh đạo đơn vị sẽ yêu cầu các đội quản lý rừng tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh. Đơn vị sẽ phối hợp với chính quyền, hạt kiểm lâm tuyên truyền cho người dân có ý thức hơn trong việc bảo vệ rừng. Trước mắt, chúng tôi sẽ tiến hành các chốt chặn rồi tăng cường tuần tra, đảm bảo rằng tới đây sẽ giảm tình trạng khai thác trái phép”.
Vì sao con đường kinh tế – quốc phòng này đến nay vẫn chưa hoàn thành, có vấn đề điều chỉnh hay phát sinh gì? Khi nào, các đơn vị mới thi công lại? Chúng tôi sẽ cập nhật thông tin khi nhận được câu trả lời từ đại diện chủ đầu tư là Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Thừa Thiên – Huế.