Trong thời gian vừa qua, nhiều dự án trong và ngoài ngân sách trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế có phần chậm tiến độ. Đối với các dự án ngoài ngân sách, nguyên nhân của việc chậm tiến độ là do sự phối hợp giữa các sở ngành chưa đồng bộ, thiếu sự chặt chẽ dẫn đến việc doanh nghiệp khó tiếp cận đất đai, kéo dài thời gian tiếp cận đất đai của doanh nghiệp. Đối với các dự án đầu tư công, do thủ tục đầu tư xây dựng còn phức tạp, vướng mắc và thời gian thực hiện công tác giải phóng mặt bằng kéo dài, bàn giao mặt bằng chậm trễ là một số nguyên nhân làm chậm quá trình giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh.
Để giải quyết những tồn tại đó, tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành quyết định thành lập 4 Tổ công tác liên ngành đặc biệt về xúc tiến và hỗ trợ đầu tư ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Điều này cho thấy một quyết tâm cao của tỉnh trong việc đẩy nhanh tiến độ các dự án, thúc đẩy, thu hút các nhà đầu tư vào tỉnh. Mục đích của việc thành lập các Tổ công tác là để chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát, xử lý các vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án ngoài ngân sách và giải ngân vốn đầu tư công các dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách trên địa bàn theo danh mục các dự án...
Dự án mở rộng Cảng hàng không quốc tế Phú Bài đang được đẩy nhanh tiến độ thi công. |
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương cho biết, đối với các dự án ngoài ngân sách, đúng là tỉnh mong muốn thúc đẩy mạnh hơn thủ tục đầu tư, từng bước khôi phục kinh tế, tuy nhiên, quan điểm của tỉnh giai đoạn này khi thành lập 4 Tổ công tác là nhằm thúc đẩy mạnh hơn thủ tục đầu tư phục vụ công tác hỗ trợ đầu tư. Công tác xúc tiến đầu tư thời gian qua đã làm khá tốt, đã có nhiều nhà đầu tư lớn đến Huế với rất nhiều dự án trong đủ các lĩnh vực. Do đó, tạm thời giai đoạn này tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo cao nhất cho công tác hỗ trợ đầu tư đối với các dự án hiện hữu bao gồm hai nhóm chính là nhóm dự án đã hoàn thành cấp phép đầu tư và nhóm dự án đang triển khai thủ tục kêu gọi đầu tư để đẩy nhanh thủ tục, cải thiện hình ảnh về môi trường đầu tư của tỉnh.
Mục tiêu cao nhất của tỉnh Thừa Thiên Huế trong năm 2022 và các năm tiếp theo là thực hiện Nghị quyết 54, phấn đấu đưa tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Theo đó, năm 2022 sẽ là năm bản lề để tiếp tục phát triển trong những năm tới, tỉnh sẽ triển khai nhiều giải pháp để tập trung thu hút đầu tư. Trong đó, tập trung đẩy nhanh thủ tục đầu tư các dự án phát triển đô thị ở khu vực Đô thị mới An Vân Dương, các khu đô thị mới trên địa bàn thành phố, thị xã Hương Thuỷ. Các khu phức hợp đô thị du lịch ở huyện Phong Điền để sớm đưa huyện Phong Điền lên thị xã; các khu phức hợp dân cư kết hợp du lịch ven biển ở Hải Dương, thành phố Huế, ở xã Vinh An, Vinh Xuân, Vinh Thanh...
Đối với địa bàn khu kinh tế Chân Mây, các khu công nghiệp, tỉnh tập trung tăng tỷ lệ lấp đầy ở các khu công nghiệp tỉnh, khu kinh tế Chân Mây Lăng Cô bằng việc thu hút các dự án sản xuất công nghiệp như khu liên hợp sản xuất công nghiệp kính, dự án sản xuất tấm nền sillicon, chíp bán dẫn, sản xuất hydrogen, nhà máy sản xuất dược phẩm; nhà máy sản xuất men frit; nhà máy gia công thạch anh Chân Mây; dự án trung tâm logistics Chân Mây,...
“Chúng tôi sẽ không phân biệt dự án trọng điểm và không trọng điểm, không có khái niệm dự án lớn, nhỏ. Tất cả các dự án trong 4 danh mục được phân cho 4 Tổ công tác đều sẽ được ứng xử như nhau theo mục tiêu chung là sớm đưa vào hoạt động đối với các dự án đã cấp phép đầu tư; sớm hoàn thành thủ tục lựa chọn nhà đầu tư đối với các dự án đang kêu gọi đầu tư để khôi phục kinh tế và tạo đà phát triển cho các năm tiếp theo”, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương khẳng định.