Tại cửa biển Thuận An, nhiều năm nay ngư dân phải sống chung với việc luồng lạch ra vào bị bồi lấp, cạn dòng; khi tàu mắc cạn dễ va ghềnh đá làm gãy chân vịt hoặc vỡ mạn thuyền. Từng có tai nạn xảy ra khi tàu cá TTH 95138 TS đang trên đường vào bờ khi đến phao số 2 cửa biển Thuận An thì bị mắc cạn, va vào đá ngầm. Mới đây, tháng 3/2020, tàu TH 90178 TS công suất 360 CV khi đang trên đường vào bờ, đến phao số 0 cửa Thuận An cũng bị mắc cạn, sóng đánh vỡ mạn thuyền.
Theo ông Ngô Văn Đủ, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Thuận An, toàn thị trấn có 126 phương tiện tàu đánh bắt xa bờ công suất 90-1.000CV. Hàng năm vào khoảng tháng 5-6, luồng lạch tại cửa biển sẽ ở mức “đạt đỉnh” bồi lắng. Năm nay thời tiết biển đổi khiến việc luồng lạch cạn sớm hơn.
Ở cửa biển Tư Hiền nằm giữa xã Lộc Bình và xã Vinh Hiền (huyện Phú Lộc), là nơi thông thương giữa biển với hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, khoảng hơn 10 năm qua, liên tục bị bồi lấp nghiêm trọng, tàu ra vào gặp nhiều khó khăn. Từ cảng ra cửa Tư Hiền dài hơn 1km, nhưng tàu thuyền phải đi hơn 30 phút bởi phải chạy theo hình zích zắc mới ra vào được.
Dù việc nạo vét, duy tu luồng hàng hải tại cửa biển Thuận An, Tư Hiền những năm qua có triển khai, nhưng việc nạo vét không hiệu quả khiến luồng lạch vẫn bị bồi lắng hàng năm. Tại cửa biển Tư Hiền, Bộ Xây dựng đã cho Công ty CP Khai thác khoáng sản 55 được phép xuất khẩu cát nhiễm mặn tận thu từ dự án nạo vét cửa biển này. Thế nhưng, dự án không những chậm mà làm thất thoát hàng trăm ngàn m3 cát; hiệu quả nạo vét không cao, chỉ sau thời gian ngắn luồng lạch đã bị bồi lắng trở lại.
Tại cửa biển Thuận An, cuối năm 2019, TCty Đảm bảo an toàn hàng hải miền Bắc (Cục Hàng hải, Bộ GTVT) duy tu, nạo vét tổng khối lượng hơn 58.102m3 bùn đất. Hiện đoạn luồng từ các phao số 0 đến phao số 4 dao động từ -2 đến -3m. Một số dải cạn có độ sâu nhỏ nhất -1,8m. Năm 2019, các đơn vị thi công nạo vét tổng chiều dài toàn tuyến luồng 5,7km từ phao P0 đến phao P11 đầu vũng quay trước cảng Thuận An. Nhưng đến thời điểm hiện tại, Thuận An đang tiếp tục bị bồi lắng trở lại.
Ông Nguyễn Ân Định, Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Thừa Thiên - Huế cho rằng, các tàu thuyền ra vào cửa Thuận An xảy ra tai nạn có nhiều nguyên nhân, trong đó có việc do luồng lạch bị cạn, bồi lấp. Cửa Thuận An với đặc thù điều kiện địa lý, dòng chảy nên việc bồi lấp diễn ra thường xuyên và sau khi nạo vét nhanh chóng bị bồi lấp trở lại. Thông thường, các cửa biển hàng năm phải nạo vét 2 lần mới đảm bảo an toàn hàng hải. Với cửa Thuận An do nguồn kinh phí khó khăn nên việc nạo vét, duy tu luồng hàng hải không được tiến hành thường xuyên.
Giải pháp căn cơ hiện nay là phải xây kè chỉnh trị dòng chảy làm quá trình bồi lấp diễn ra chậm hơn. Tuy nhiên, giải pháp này tốn rất nhiều kinh phí. Năm 2008, dự án xây kè ở cửa Thuận An triển khai giai đoạn 1. Giai đoạn 2 hiện do nguồn kinh phí còn khó khăn nên vẫn chưa triển khai.