Thừa Thiên Huế có đường bờ biển dài hơn 120km, là điều kiện thuận lợi để phát triển nghề khai thác thủy sản. Ngoài những tàu lớn đánh bắt xa bờ, người dân nhiều địa phương trên địa bàn cũng đang sinh sống bằng các nghề khai thác ven bờ với các tàu công suất nhỏ. Vì vậy, thời gian qua, việc các tàu giã cào hoành hành khiến nghề khai thác hải sản gần bờ của ngư dân bị ảnh hưởng không nhỏ.
Mới đây, tối 11/11, Tổ công tác của Hải đội 2 thuộc Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Thừa Thiên Huế khi thực hiện nhiệm vụ tuần tra kiểm soát trên biển; phát hiện cách bờ biển tổ dân phố Hải Tiến (phường Thuận An, TP Huế) 6,5 hải lý, có 2 tàu đang hành nghề giã cào trái phép, theo hướng từ xã Phú Thuận (huyện Phú Vang) di chuyển đến.
Qua tiếp cận làm việc, xác định tàu số hiệu QNg-97162-TS/920CV do ông Lê Văn Da làm thuyền trưởng; tàu QNg-97361-TS/920CV do ông Võ Bắp làm thuyền trưởng. Ông Da, ông Bắp cũng là chủ tàu của 2 phương tiện trên, đều ngụ tỉnh Quảng Ngãi; trên 2 tàu có tất cả 18 thuyền viên. Tổ tuần tra đã lập biên bản sự việc, đến rạng sáng 12/11, các thuyền viên và 2 phương tiện vi phạm được đưa về bàn giao cho Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Chân Mây để tiếp tục xử lý theo quy định pháp luật.
Tại vùng biển huyện Phú Lộc, giáp với vùng biển TP Đà Nẵng cũng xuất hiện một số tàu giã cào ngoại tỉnh khai thác hải sản trái phép. Mới đây, tại khu vực biển cách cửa Tư Hiền (xã Vinh Hiền, huyện Phú Lộc), cách bờ khoảng 5 hải lý, tổ tuần tra đang làm nhiệm vụ đã phát hiện tàu cá số hiệu QNg 97524 TS do ông Võ Văn Thau (SN 1978, ngụ tỉnh Quảng Ngãi) điều khiển đang hành nghề giã cào trái phép. Theo quy định, tàu giã cào hoạt động trái phép ở những khu vực ven biển, ảnh hưởng sự phát triển bền vững của các loài hải sản và sinh kế của người dân địa phương, sẽ bị phạt 35 triệu đồng.
Khai thác hải sản kiểu tận diệt của tàu giã cào làm ngư trường ngày càng cạn kiệt thủy sản. |
Trước đó, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tuần tra trên biển, lực lượng chức năng cũng phát hiện tàu cá số hiệu BĐ 40606TS đang hành nghề lưới kéo (giã cào) cách bờ biển tổ dân phố Hải Tiến, phường Thuận An, TP Huế khoảng 8,7 hải lý. Tàu do ông Phan Thanh Toàn (ngụ tỉnh Bình Định) làm thuyền trưởng, trên tàu có 4 thuyền viên.
Ông Trần Quân, một ngư dân ở thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang nói: “Ngư dân sống chủ yếu bằng nghề biển, mà tàu giã cào hoạt động trái phép theo kiểu tận diệt gây nhiều thiệt hại cho những nghề khai thác khác. Tàu giã cào kéo rách lưới, làm hư neo nhiều phương tiện khác đánh bắt ven bờ. Khai thác hải sản kiểu tận diệt của tàu giã cào cũng làm ngư trường ngày càng cạn kiệt thủy sản”.
Theo ông Nguyễn Quang Vinh Bình, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Thừa Thiên Huế, từ đầu năm 2023 đến nay, cơ quan chức năng đã ra quyết định xử phạt 15 trường hợp tàu giã cào với số tiền hơn 170 triệu đồng. Trong đó, Chi cục Thủy sản tỉnh xử lý 13 trường hợp, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh xử lý 2 trường hợp. Được biết, việc phòng, chống khai thác giã cào được UBND tỉnh có kế hoạch giao cho BĐBP tỉnh chủ trì.
“Hiện, lực lượng Kiểm ngư của Chi cục Thủy sản đang trong giai đoạn tái cơ cấu nên chưa đủ sức bắt giữ tàu giã cào ngoài biển thường đi thành cặp đôi tàu lớn với vài chục thuyền viên. Công tác phòng, chống giã cào là cấp bách vì nó gây hại lớn nguồn lợi thủy sản và tổn hại vùng đáy biển gần bờ, nhưng đây cũng là nhiệm vụ thường xuyên vì nghề giã cào (lưới kéo) không thuộc nghề cấm khi khai thác đúng tuyến. Nhiều tàu giã cào đều có xu hướng vào vùng biển ven bờ để có sản lượng cao hơn, khi không có lực lượng kiểm soát trên biển”, ông Bình cho hay.
Thời gian qua, Thừa Thiên Huế cũng tập trung chỉ đạo các đơn vị liên quan triển khai đồng bộ, có hiệu lực, hiệu quả các quy định pháp luật về thủy sản; khắc phục các tồn tại, hạn chế theo khuyến nghị của Ủy ban Châu Âu (EC) về chống khai thác IUU, góp phần gỡ bỏ cảnh cáo “thẻ vàng” trong năm 2023.
Mới đây, Đoàn liên ngành của tỉnh đã tổ chức chuyến tuần tra xử lý tình trạng khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) trên vùng biển tỉnh. Tại chuyến tuần tra, ông Hoàng Hải Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh động viên và kêu gọi các chủ tàu cá, thuyền trưởng, ngư dân thực hiện tốt Kế hoạch hành động 180 ngày của Chính phủ về chống IUU, thực hiện các khuyến nghị của EC trong việc gỡ “thẻ vàng”. Đồng thời kêu gọi ngư dân không đưa tàu cá đi khai thác thủy sản trái phép vùng biển nước ngoài, bảo đảm đầy đủ các thủ tục hành chính trước khi đưa tàu đi đánh bắt cá, mở liên tục thiết bị giám sát hành trình tàu cá (VMS) trong suốt thời gian đánh bắt cá trên biển.