Mới đây, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế đã có buổi làm việc với Tập đoàn tàu biển Royal Caribbean về thúc đẩy du lịch tàu biển. Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Thanh Bình, Chính phủ Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các Bộ, ngành, địa phương liên quan, trong đó có Thừa Thiên Huế rất quan tâm đến việc thúc đẩy phát triển loại hình du lịch tàu biển và đã có nhiều chính sách đổi mới, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thu hút khách du lịch vào Việt Nam nói chung và đến với tỉnh nói riêng.
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Thanh Bình đề nghị Tập đoàn Royal Caribbean đưa cảng Chân Mây vào danh sách các điểm đến định tuyến của hãng trong năm 2024 và những năm tiếp theo. Đồng thời hỗ trợ, tư vấn cho tỉnh trong việc kết nối hoạt động du lịch tàu biển với việc phát triển sản phẩm phục vụ du khách gắn với thế mạnh đặc trưng của tỉnh về di sản văn hóa, ẩm thực và cảnh quan.
Tại Việt Nam, Chiến lược phát triển du lịch năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 xác định, du lịch biển, đảo là một ưu tiên, trong đó có rất nhiều lợi thế để thu hút khách du lịch tàu biển. Với định hướng đó, tỉnh Thừa Thiên Huế đang triển khai nhiều giải pháp nhằm tăng cường hợp tác với các tập đoàn tàu biển, đầu tư cơ sở hạ tầng, hoàn thiện thủ tục để phát triển du lịch tàu biển, thu hút du khách đến Huế. UBND tỉnh cũng đã xây dựng cơ chế phối hợp với các địa phương như Đà Nẵng, Quảng Nam hình thành các tour du lịch để có thể chia sẻ các sản phẩm du lịch địa phương phục vụ du khách đến Huế cũng như khu vực miền Trung bằng tàu biển.
Theo bà Wendy Yamazaki, Phó Chủ tịch phụ trách Quan hệ Chính phủ, Khu vực châu Á của Tập đoàn tàu biển Royal Caribbean, tiềm năng phát triển loại hình du lịch tàu biển ở khu vực châu Á rất lớn. Tại Đông Nam Á, cùng với Thái Lan và Singapore, Việt Nam là một trong ba nơi yêu thích của du khách tàu biển quốc tế. Bên cạnh đó, với hải trình dọc bờ biển Thái Bình Dương, Việt Nam nói chung và miền Trung nói riêng được ghi nhận là điểm dừng chiến lược và được ưa chuộng trong các tuyến du lịch tàu biển của Royal Caribbean.
Bà Wendy Yamazaki đánh giá cao những nỗ lực trong thời gian qua của Thừa Thiên Huế trong việc thúc đẩy phát triển du lịch tàu biển. Cũng theo bà Wendy Yamazaki, Tập đoàn Royal Caribbean mong muốn tăng cường hợp tác với tỉnh Thừa Thiên Huế để đẩy mạnh xây dựng sản phẩm du lịch tàu biển hấp dẫn, có bản sắc văn hóa, nhằm thu hút khách lên bờ và tham quan Cố đô Huế. Tập đoàn Royal Caribbean sẽ tiếp tục lựa chọn Huế là điểm đến định tuyến cũng như đồng hành với tỉnh phát triển du lịch tàu biển. Bà Wendy Yamazaki đề nghị tỉnh Thừa Thiên Huế và các ngành liên quan báo cáo đề xuất Chính phủ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi về chính sách thị thực, mở rộng đối tượng được miễn thị thực, tạo điều kiện ưu đãi cho thủy thủ đoàn lên bờ, linh hoạt và tăng cường ứng dụng công nghệ trong thủ tục xuất, nhập cảnh.
Cảng Chân Mây đang ngày càng được đầu tư về cơ sở hạ tầng. (Ảnh: PV) |
Theo Sở Du lịch Thừa Thiên Huế, dự báo trong năm 2024, số lượng tàu biển du lịch cập cảng Chân Mây sẽ tăng gấp đôi hoặc hơn gấp đôi so với năm 2023. Cùng với đó là lượng du khách quốc tế đến Huế sẽ tăng mạnh. Thừa Thiên Huế sẽ khai thác thêm các tour, tuyến nhằm đáp ứng yêu cầu cao của dòng khách này, qua đó nâng thời gian lưu trú của du khách. Ngoài ra, trong hành trình mở rộng và thu hút khách quốc tế từ đường tàu biển, sản phẩm du lịch vẫn được xem là yếu tố cốt lõi.
Ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Sở Du lịch cho biết, Thừa Thiên Huế đang mở ra nhiều cơ chế, kêu gọi đầu tư. Sắp tới, khi Trung tâm thương mại Aeon Mall Huế đi vào hoạt động, hứa hẹn sẽ phần nào đáp ứng nhu cầu mua sắm tại các trung tâm mua sắm đẳng cấp của du khách. Đối với ngành Du lịch, Sở và các đơn vị liên quan, cộng đồng doanh nghiệp cũng đang hợp lực nghiên cứu, đầu tư, hoàn thiện thêm sản phẩm mà khách du lịch tàu biển quan tâm.