Dự án (DA) mở rộng Cảng hàng không quốc tế (HKQT) Phú Bài do Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam làm chủ đầu tư, với tổng mức đầu tư là 5.560 tỷ đồng dành cho các hạng mục đầu tư như: nhà ga hành khách, đường hạ cất cánh, đường lăn, sân đỗ máy bay... Dự án được đánh giá là rất quan trọng nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thừa Thiên - Huế nói riêng và khu vực nói chung.
Theo quy hoạch đến năm 2030, diện tích quy hoạch mở rộng sân bay này lên đến 520 ha. Quỹ đất phục vụ dự án mở rộng Cảng HKQT Phú Bài thuộc địa bàn 3 phường, xã gồm Phú Bài, Thủy Tân, Thủy Phù. Diện tích đất cần giải phóng mặt bằng là 153,17 ha. Số tiền dự kiến chi trả đền bù giải phóng khoảng 100 tỷ đồng.
Theo UBND thị xã Hương Thủy, việc đo đạc bản đồ thu hồi đất và cắm mốc ranh giới tại thực địa đến nay đã hoàn thành với tổng diện tích 45,9ha và có 53 hộ dân bị ảnh hưởng. Trong đó, phường Phú Bài diện tích thu hồi khoảng 23,63 ha, bị ảnh hưởng 14 hộ dân; tại xã Thủy Tân khoảng 12,6 ha với 17 hộ dân bị ảnh hưởng và xã Thủy Phù khoảng 9,71 ha, có 4 tổ chức và 22 hộ dân bị ảnh hưởng. Có khoảng 1.820 lăng, mộ (1.681 mộ đã xác định được thân nhân) và một số ngôi mộ tổ phải di dời...
Bà Ngô Thị Ngọc, Chủ tịch UBND xã Thủy Phù cho biết, để đẩy nhanh tiến độ kịp bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư dự án hiện chính quyền địa phương đang phối hợp với các đơn vị rà soát công tác đền bù giải phóng mặt bằng cho những hộ dân trong xã bị ảnh hưởng bởi dự án. Tuy nhiên, trong quá trình kiểm tra cắm mốc, đo đạc hiện trường để bàn giao mặt bằng, chính quyền địa phương đã phát hiện hàng chục ngôi mộ giả được đắp lên trong khu vực nương rẫy và trang trại của người dân. Các ngôi mộ này không chỉ được đắp đất mà còn được xây líp bằng bờ-lô xung quanh.
“Trước đây, khi Đoàn kiểm tra đi thực địa thì không thấy nhưng mới đây, trở lại kiểm đếm thì nhiều ngôi mộ giả xuất hiện. Không thể có chuyện trong một thời gian ngắn, trong xã có nhiều người chết đến như vậy. Sau đó, chính quyền địa phương cũng đã vận động người dân không nên làm như thế và hãy san bằng trả lại hiện trạng như ban đầu. Nhưng nhiều hộ vẫn kiên quyết, cho rằng là mộ thật của dòng họ. Nhiều trường hợp sau đó đã được chính quyền địa phương phối hợp với lực lượng chức năng vận động, thuyết phục, tuyên truyền. Qua đó, các hộ dân cố tình dựng mộ giả nhận ra rằng, việc làm này là vi phạm pháp luật nên họ phối hợp với địa phương tháo dỡ, san bằng số mộ giả”, bà Ngọc cho biết.
Để tránh sự phát hiện, các trường hợp lập mộ giả xen lẫn với các mộ thật, rồi xây líp bằng bờ-lô như mộ lâu năm. Theo báo cáo của Công an thị xã Hương Thủy cho biết, bằng các biện pháp nghiệp vụ, lực lượng Công an thị xã Hương Thủy đã phát hiện, tại khu vực nương rẫy của hộ ông Trần Quốc Thắng (xã Thủy Phù) có 19 ngôi mộ thì trong đó chỉ có 7 mộ thật là của dòng họ này lâu nay; còn lại 12 ngôi là mộ giả; Bà Ngô Thị Hương Lan thừa nhận trong 18 ngôi mộ ở trong khu vực nương rẫy của gia đình bà ở xã Thủy Phù thì có 5 ngôi mộ là thật; còn lại 13 ngôi mộ là giả.
Tình trạng lập mộ giả để chờ được đền bù không chỉ xảy ra tại xã Thủy Phù mà tại xã Thủy Tân cũng diễn ra tình trạng tương tự. Qua nắm bắt tình hình, lực lượng chức năng phát hiện có 41 ngôi mộ giả được dựng lên ở 2 khu vực của thôn Tô Đà 1 và Tân Tô.
Đại tá Võ Thành Kỳ, Trưởng Công an thị xã Hương Thủy cho biết, hiện, lực lượng chức năng đã yêu cầu người dân ở xã Thủy Phù tháo dỡ 31 ngôi mộ giả; hiện còn hàng chục ngôi mộ đất chưa xác định được chủ và cũng chưa biết là thật hay giả.
Còn tại xã Thủy Tân, cơ quan Công an đã yêu cầu các hộ dân tự nguyện tháo dỡ, san bằng 41 ngôi mộ giả. Qua làm việc, các trường hợp khai nhận, vì thấy chính quyền địa phương đang đi kiểm kê, đền bù nên họ cố tình lập mộ giả để nhận được tiền đền bù nhiều hơn.