Chưa thể hiện sự đặc sắc văn hóa - lịch sử Cố đô!
Hiện tại dọc theo bờ sông Hương có ba cây cầu là: Trường Tiền, Phú Xuân và Dã Viên. Để giảm tải phương tiện lưu thông đồng thời tạo thêm điểm nhấn cho con sông di sản này, từ tháng 10/2015, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã tổ chức cuộc thi tìm kiếm phương án xây dựng cầu vượt sông Hương.
Ban tổ chức (BTC) cuộc thi tìm thiết kế cho cầu vượt qua sông Hương nhấn mạnh phương án thiết kế kiến trúc cầu này ngoài ý nghĩa của một công trình giao thông, nó còn là “điểm nhấn” kiến trúc văn hóa góp phần nâng cao giá trị cảnh quan cho con sông thơ mộng này.
Ở lần đầu, BTC chỉ nhận được 11 phương án của 5 đơn vị. Các phương án dự thi được đánh giá có chất lượng thấp, chưa đáp ứng yêu cầu. Phương án đoạt giải cao nhất cũng chỉ được chấm giải Ba nên không được lựa chọn.
Đề bài khó này lại được tiếp tục với lần 2 vào tháng 2/2016 thu hút 20 phương án tham gia dự tuyển của 13 đơn vị; trong đó có 1 đơn vị đến từ Pháp. Lần này, các đơn vị đều đầu tư công phu từ ý tưởng đến cách thể hiện, trình bày, diễn giải. Chất lượng các phương án được cải thiện rõ rệt, đa dạng và phong phú hơn.
11 thành viên Hội đồng tuyển chọn là những giáo sư, tiến sĩ đầu ngành của Trung ương và địa phương đến từ Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường Việt Nam, Viện Quy hoạch Xây dựng Thừa Thiên-Huế, Hội Quy hoạch phát triển đô thị, Hội Kiến trúc sư, Sở Xây dựng, Sở GTVT, Sở VHTT&DL tỉnh Thừa Thiên - Huế, Phòng Quản lý đô thị TP Huế. Kết quả phương án: Chiếc nón xứ Huế đạt giải Nhất, Vầng trăng sông Hương và Sông Hương núi Ngự được giải Nhì và Ba.
Theo GS.TS Nguyễn Quốc Thông (Phó Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam), hình ảnh chiếc nón xứ Huế có ngôn ngữ kiến trúc hiện đại, nhịp điệu và đặc biệt là tính khả thi là những điểm mạnh của phương án. Tuy nhiên, sự lãng mạn và mỹ cảm tinh tế, sâu lắng về văn hóa và cảnh quan Huế có thể chưa đạt được như mong muốn là hạn chế của phương án này.
Tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng lý giải, sau cuộc thi lần 2, giải Nhất là hình tượng nón lá được đưa ra lấy ý kiến người dân rộng rãi. Tuy nhiên, phương án này đã vấp phải sự phản đối từ công chúng cũng như các nhà chuyên môn vì bị cho là không đẹp, không thể hiện sự đặc sắc về văn hóa - lịch sử Huế. Đồng thời cũng chưa đáp ứng được yêu cầu của một công trình kiến trúc quan trọng, nó chưa thể hiện được “hồn cốt” văn hóa, lịch sử cố đô. Vì thế, tỉnh mới tiếp tục cho thi lần 3.
Tiếp tục tổ chức cuộc thi lần 3
Trao đổi với PLVN vào chiều 24/5, ông Nguyễn Đình Bách (Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế) nói: “Trước đây tỉnh Thừa Thiên - Huế đã tổ chức hai cuộc thi thiết kế cầu vượt bắc qua sông Hương. Có người nói đẹp, người nói không đẹp đó là tùy theo quan điểm từng người. Tuy nhiên, mặt bằng chung thì các bản thiết kế này không đáp ứng được yêu cầu nên không được chọn. Vì vậy, sau nhiều lần cân nhắc, tỉnh Thừa Thiên - Huế quyết định tiếp tục tổ chức thi thiết kế cầu vượt sông Hương lần 3 để tìm ra phương án phù hợp”.
Ông Nguyễn Đình Bách, Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết các bản thiết kế chưa đáp ứng được yêu cầu nên tỉnh tổ chức thi lần 3 |
Cũng theo ông Bách, cầu vượt sông Hương này được tỉnh đưa vào kế hoạch đầu tư công, xin ngân sách của Trung ương. Khi nào có nguồn kinh phí từ Trung ương thì mới bắt đầu triển khai xây dựng. Kinh phí xây dựng dự kiến khoảng 1.200 tỷ đồng. Cầu này có chiều dài dự kiến 385m, chiều rộng 43m.
Trước đó, vào ngày 16/4, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã ra Quyết định 946/QĐ-UBND về việc phê duyệt Kế hoạch tổ chức thi tuyển phương án thiết kế kiến trúc công trình cầu vượt sông Hương trên đường Nguyễn Hoàng. Mục tiêu là xây dựng công trình giao thông trọng điểm trên tuyến đường vành đai III của thành phố Huế. Đồng thời hình thành một trong những công trình mang tính biểu tượng của tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Quy chế tham gia thi tuyển, sử dụng ngôn ngữ kiến trúc hiện đại, tạo điểm nhấn về cảnh quan, phương án gắng liền hình tượng mang tính truyền thông của Huế, đảm bảo hài hòa với cảnh quan dọc hai bên sông Hương. Đồng thời, phải khác biệt các cầu đã có trên con sông này cũng như không trùng lập với các ý tưởng và phương án thiết kế hiện có ở Việt Nam và trên thế giới.
Dự kiến tỉnh Thừa Thiên - Huế sẽ mời các đơn vị từng đạt giải trong các cuộc thi thiết kế cầu (ví dụ cầu Rồng, cầu Trần Thị Lý ở Đà Nẵng). Theo đó, vào đầu tháng 7, tỉnh sẽ tiếp nhận hồ sơ. Căn cứ vào kết quả đánh giá Hội đồng thi tuyển, lấy ý kiến cộng đồng dân cư và các chuyên gia, UBND tỉnh dự kiến công bố kết quả cuộc thi vào 9/2019.
Bản thiết kế đạt giải Nhất sẽ nhận thưởng 500 triệu đồng (lần trước chỉ 150 triệu đồng), giải Nhì 100 triệu đồng. Toàn bộ kinh phí tổ chức được trích từ “Quỹ hỗ trợ phát triển kinh tế, xã hội” của tỉnh. Phương án đạt giải cao nhất có ý tưởng đặc sắc, đảm bảo yêu cầu sẽ được xem xét lựa chọn để triển khai thực hiện.