Nhiều tháng nay, tại huyện A Lưới diễn ra tình trạng một số hộ dân tự ý san ủi mặt bằng, lập trạm cân tải trọng trái phép thu mua keo, tràm. Đơn cử, tại khu đất ở thôn A Rom (xã Hồng Hạ), ông Nguyễn Thái Pháp đã san ủi, đào đắp nền, xây một số công trình trái phép để chuẩn bị xây dựng điểm thu mua keo tràm có trạm cân. Tại hiện trường khu đất khoảng 500m2, đã hoàn thiện xong 1 căn nhà và bố trí xe múc, xe tải và rải đá cấp phối cho nền móng.
Vị trí trạm cân này nằm trong khu vực đường liên thôn, dẫn vào khu tái định cư của xã với nền đường bê tông xi măng khoảng 3,5m. Nếu trạm cân đi vào hoạt động sẽ gây xung đột giao thông từ tuyến đường này khi dẫn ra QL49 với nhiều phương tiện vận tải lớn lưu thông.
Theo ông Hồ Viết Lương, Chủ tịch UBND xã Hồng Hạ, qua kiểm tra, xác định điểm kinh doanh có gắn trạm cân đang xây dựng trái phép thuộc khu vực đất ở và đất trồng cây lâu năm, không phải đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp. Cơ quan chức năng yêu cầu chủ hộ nếu muốn mở trạm cân, phải chuyển mục đích sử dụng đất sang đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp.
Ngoài ra, khi san lấp mặt bằng, chủ hộ chưa được phép của chính quyền địa phương, cơ quan thẩm quyền. Qua kiểm tra cho thấy, giấy đăng ký môi trường của điểm kinh doanh còn sơ sài, phải bổ sung. Khuôn viên của cơ sở cần bổ sung cây xanh, nơi xử lý rác thải, hệ thống nước thải, có biện pháp xử lý bụi khi trời nắng và bùn đất rơi vãi trơn trượt khi trời mưa...
Chính quyền xã đã đình chỉ hoạt động xây dựng, yêu cầu bổ sung đầy đủ hồ sơ theo quy định, yêu cầu trạm cân không được hoạt động.
Trước đó, chính quyền địa phương này cũng đã lập biên bản và yêu cầu ngưng hoạt động xây dựng điểm thu mua keo tràm trái phép có gắn trạm cân tải trọng cạnh QL49 của ông Nguyễn Văn Hùng vì chưa hoàn thiện các thủ tục pháp lý theo quy định.
Hiện trên địa bàn huyện A Lưới có 14 điểm thu mua keo tràm, lắp trạm cân tải trọng, có đăng ký kinh doanh ngành nghề thu mua keo tràm; nhưng lại bộc lộ nhiều bất cập. Đa số các trạm hoạt động trên đất ở và đất trồng cây lâu năm gắn liền đất ở (đất vườn) của người dân, hộ kinh doanh cá thể. Việc hoàn thiện thủ tục đấu nối giao thông giữa các trạm cân với tuyến đường Hồ Chí Minh, QL49 cũng chưa bảo đảm quy định, nên một số trạm đã bị Văn phòng Quản lý đường bộ II.5 lập biên bản vi phạm hành chính.
Trước tình hình trên, ông Nguyễn Văn Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện A Lưới cho biết đã chỉ đạo UBND các xã, thị trấn kiểm tra hoạt động của các trạm cân, bảo đảm quy định. Đồng thời chỉ đạo Phòng TN&MT hướng dẫn các cơ sở kinh doanh chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
Tương tự, trên địa bàn huyện Nam Đông, nhiều năm nay, hoạt động thu mua, xay dăm gỗ và vận chuyển keo tràm tại các trạm trên tuyến tỉnh lộ 14D qua xã Hương Phú, Hương Hòa cũng có dấu hiệu hoạt động không đúng pháp luật liên quan thủ tục pháp lý về sử dụng đất, đấu nối giao thông, an toàn phòng cháy, chữa cháy. Các điểm thu mua này cũng tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.
Tại xã Phong Mỹ (huyện Phong Điền), hiện cũng là địa bàn tập trung nhiều trạm thu mua gỗ nhưng hầu hết đều hoạt động “chui”. Theo ông Nguyễn Hữu Chung, Chủ tịch UBND xã Phong Mỹ, qua kiểm tra, rà soát các hồ sơ pháp lý, hiện trên địa bàn xã có 4 trạm thu mua gỗ rừng trồng không đạt yêu cầu, thiếu hồ sơ pháp lý theo quy định. Hầu hết các trạm đều chưa đấu nối giao thông, chưa bảo đảm an toàn giao thông, chưa có giấy phép đăng ký kinh doanh, chưa thực hiện các thủ tục về đất đai…
Tháng 3/2023, UBND xã từng lập biên bản đình chỉ 4 trạm thu mua gỗ và yêu cầu bổ sung hồ sơ pháp lý theo các văn bản chỉ đạo của UBND huyện và phòng, ban chuyên môn của huyện; sau đó mới cho hoạt động trở lại. Tuy nhiên, thực tế, một số trạm vẫn bất chấp hoạt động dù chưa bổ sung hồ sơ pháp lý và các thủ tục.
Mới đây, UBND xã tiếp tục có văn bản gửi Ban Quản lý thôn Hòa Bắc và Đông Thái (nơi có các trạm thu mua gỗ) và các chủ cơ sở, yêu cầu bổ sung hồ sơ pháp lý; đề nghị 4 cơ sở nói trên dừng hoạt động cho đến khi bổ sung đầy đủ các hồ sơ, thủ tục theo quy định, mới hoạt động trở lại.
Theo đánh giá của các địa phương, mặt tích cực của các trạm thu mua là góp phần giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn, là nơi bao tiêu một phần đầu ra với giá cả hợp lý cho các hộ dân trồng keo tràm trên địa bàn.