Vụ ngộ độc trên xảy ra vào trưa 26.6, khi gia đình của ông Hoàng Văn Lưỡng ở thôn Quy Lai (xã Phú Thanh, H.Phú Vang, Thừa Thiên-Huế) được vợ chồng bà Nguyễn Thị Dung (trú cùng thôn) mời sang ăn cơm sau khi chồng bà Dung vừa đi biển về.
Tại Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện (BV) T.Ư Huế, ông Hoàng Văn Lưỡng, cho biết bữa cơm có 8 người của cả hai gia đình. Họ đã ăn món dưa chua um lệch và cá nóc do ông Thiện đi biển mang về.
Sau bữa cơm, đến khoảng 14 giờ cùng ngày thì ông Lưỡng có triệu chứng nhức đầu, buồn nôn. Trong khi đó, cả 5 mẹ con bà Dung dần rơi vào tình trạng nôn mửa dữ dội, hôn mê. Riêng cháu Nguyễn Thị Oanh (9 tuổi, con chị Dung) sau khi ăn chưa đầy 30 phút đã rơi vào tình trạng hôn mê và tử vong.
Ngày 27.6, tại Khoa Hồi sức cấp cứu, bệnh nhân Nguyễn Thị Dung (39 tuổi) và Hoàng Văn Lưỡng (40 tuổi) vẫn đang được các bác sĩ chăm sóc, giải độc cá nóc. Trong khi đó, 3 cháu nhỏ con của bà Dung gồm Nguyễn Thị Thanh Trang (5 tuổi), Nguyễn Thị Bảo Ngọc (3 tuổi), Nguyễn Văn Tiến (4 tuổi) cùng con của ông Lưỡng là Hoàng Trần Hữu Chiến (4 tuổi) vẫn đang điều trị giải độc tại Trung tâm Nhi khoa thuộc Bệnh viện T.Ư Huế cũng vì nguyên nhân tương tự.
TS.Bùi Mạnh Hùng, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu BVT.Ư Huế, cho biết bà Dung và ông Lưỡng nhập viện vào lúc 18 giờ ngày 26.6 với triệu chứng nôn mửa, nhức đầu, tê môi lưỡi, đau bụng, tăng tiết nước bọt và được chẩn đoán là nhiễm độc cá nóc ở mức độ vừa. Trong khi đó, 4 em nhỏ con của bà Dung và ông Lưỡng cũng được đưa vào Trung tâm Nhi khoa cấp cứu cũng trong tình trạng tương tự. Đặc biệt, 3 em nhỏ gồm Ngọc, Tiến và Chiến đã trong tình trạng hôn mê, suy giảm ý thức, rối loạn nhịp thở.
Sau một ngày được hồi sức cấp cứu, súc rửa ruột, bơm thanh hoạt, truyền dịch nhằm giải độc, các bệnh nhân này đều đã tỉnh, nhận biết được, nhịp thở đã cải thiện, tuy nhiên bà Dung vẫn đang trong tình trạng nôn mửa.