Thua Thái Lan không phải là thảm họa

Cổ động viên luôn đồng hành với đội tuyển quốc gia dù thắng hay thua
Cổ động viên luôn đồng hành với đội tuyển quốc gia dù thắng hay thua
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Nếu tuyển Việt Nam để thua tiếp và phải chia tay AFF Cup, thậm chí thua thêm Thái Lan vài trận nữa cũng không phải thảm họa.

Xin nói ngay nếu tình huống đó xảy ra, báo chí và dư luận đừng làm hai việc: bàn việc thay huấn luyện viên Park Hang Seo và dùng những từ như “đẳng cấp người Thái”, “bài học từ người Thái”, “ngộ ra mình ở đâu”…

Bởi vì, bất chấp mối lương duyên với bóng đá Việt Nam trong thời gian tới như thế nào, ông Park vẫn có công cực lớn và xứng đáng được vinh danh đặc biệt, chẳng hạn đặt tên cho một công trình thể thao.

Công ấy không chỉ được xây trên một loạt kỳ tích ngay cả người yêu bóng đá Việt Nam nhất cũng chẳng mơ thấy, mà sâu hơn ông đã thay đổi rõ rệt tư duy của bóng đá Việt Nam.

Trước khi ông Park đến, người Việt Nam chơi bóng rất cảm tính, loay hoay đi tìm phong cách chơi. Kỹ thuật ư? Chẳng phải! Không phải cứ rê dắt lòng vòng và ban bật luẩn quẩn thì gọi đó là kỹ thuật. Kỹ thuật hay không thể hiện ở độ chính xác và hiệu quả trong từng pha bóng.

Chẳng ai dám nói David Beckham là không kỹ thuật dù anh ta gần như không rê bóng, chủ yếu chỉ tạt và chuyền với độ chính xác cao. Chặt chẽ, khoa học ư? Càng không phải. Cầu thủ Việt Nam hay mắc sai lầm trong tình huống quyết định và tự thua chính mình.

Đội tuyển Việt Nam đã chơi mạnh mẽ dưới thời HLV Park Hang seo

Đội tuyển Việt Nam đã chơi mạnh mẽ dưới thời HLV Park Hang seo

Thời ông Park, cầu thủ Việt Nam nhìn chung chơi bóng rất lý trí, ít sai lầm ngớ ngẩn, đặc biệt ở vị trí thủ môn. Cứ xem Trần Nguyên Mạnh và Quế Ngọc Hải thời huấn luyện viên Hữu Thắng chơi thế nào để thấy sau này họ trưởng thành ra sao.

Thời ông Park, tinh thần chiến đấu luôn rất cao. Điều đó gói gọn trong lời chia sẻ của ông: “Tinh thần Việt Nam là thứ đã có sẵn, tôi chỉ làm nhiệm vụ khơi dậy thôi”.

Thời ông Park, cầu thủ Việt Nam không bị mặc cảm về thể lực yếu. Ngay từ những ngày đầu, ông nói: “Cầu thủ Việt Nam không hề yếu, hoàn toàn có thể thi đấu đỉnh cao, trình độ chơi bóng không thua nhiều cầu thủ Nhật Bản, Hàn Quốc”.

Thực tế diễn ra đúng như thế. Cầu thủ của ông từng bước qua nhiều trận đấu căng thẳng có hiệp phụ nhưng không hề đuối sức. Sức mạnh thể chất và năng lực một phần quan trọng đến từ tinh thần.

Một huấn luyện viên đến từ nền bóng đá hàng đầu châu Á, nổi tiếng với lối chơi thể lực nói vậy ai mà không tin.

Đó là những thay đổi về chất của cả nền bóng đá một cách sâu sắc, chứ không chỉ ở đội tuyển.

Thầy Park luôn tận tâm với sự phát triển của bóng đá Việt Nam

Thầy Park luôn tận tâm với sự phát triển của bóng đá Việt Nam

Ngay khi được tung hô đến tột cùng, ông Park vẫn bộc bạch, ông có thể giúp bóng đá Việt Nam vươn đến đẳng cấp châu lục nhưng để vươn tầm thế giới cần có huấn luyện viên đẳng cấp thế giới, đó là người đến sau ông. Muốn thế, cần xây dựng hệ thống bóng đá chất lượng cao để huấn luyện viên nào cũng có thể thành công chứ không phải riêng ông.

Lời chia sẻ này đã nói lên nhiều điều và chưa thể viết hết ở đây.

Bóng đá thế giới vốn tồn tại những cặp đấu nhiều duyên nợ có trình độ tương đương nhau và thắng thua là chuyện rất bình thường, phụ thuộc vào tình huống, phong độ. Real Mardrid từng thua Barcelona 5 bàn không gỡ, Arsenal từng phơi áo với kết quả tương tự trước MU. Nhưng sau đó, họ điều chỉnh chiến thuật, con người và thắng lại.

Đừng vì kết quả nhất thời trong những trận đấú diễn ra với cách tổ chức nghiệp dư như trên sân ruộng của mấy đội bóng ở "vùng trũng" Đông Nam Á mà vội kết tội ông Park.

Tin cùng chuyên mục

HLV Kim Sang Sik

Không gọi “công thần”, ông Kim Sang Sik đã đúng?

(PLVN) - HLV Kim Sang Sik đã công bố 30 nhân sự dự AFF Cup 2024. Bản danh sách này đang dấy lên những tranh luận, hoài nghi khi ông mạnh mẽ loại bỏ Hùng Dũng, Quế Ngọc Hải và đặc biệt cầu thủ đang có phong độ cao Công Phượng.

Đọc thêm