Chế định thừa phát lại (TPL) mặc dù mới được thí điểm tại TP Hồ Chí Minh một thời gian ngắn nhưng đã đạt được kết quả tích cực và được người dân, xã hội đón nhận. Tuy nhiên, để TPL thực sự “gần dân” hơn, đồng thời góp phần bổ trợ cho hoạt động tư pháp, tạo môi trường pháp lý lành mạnh thì cần phải giải quyết rất nhiều vấn đề cả trước mắt cũng như lâu dài. Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Đức Chính trao đổi quanh những nội dung nêu trên.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Đức Chính |
Phá bỏ “độc quyền” trong Thi hành án
- Thưa Thứ trưởng, thành công bước đầu của quá trình thí điểm TPL ở Tp. Hồ Chí Minh cho thấy đây là chủ trương hoàn toàn đúng đắn. Tuy nhiên, từ ý tưởng đến thực tiễn sẽ là một khoảng cách khá xa nếu cấp ủy, chính quyền địa phương, các ban ngành chức năng đứng ngoài cuộc?
TPL là chế định mới, liên quan đến nhiều lĩnh vực, nhiều ngành, do vậy để triển khai hiệu quả đòi hỏi có sự phối hợp rất chặt chẽ, thường xuyên giữa các cơ quan tổ chức có liên quan. Quá trình thí điểm TPL ở TP HCM ngành Tư pháp nhận được sự hỗ trợ từ các Bộ, ngành TW như TANDTC, VKSNDTC…
Đặc biệt là sự quan tâm, chỉ đạo liên tục, sát sao, kịp thời của Thành ủy, HĐND, UBND, Đoàn Đại biểu Quốc hội cũng như phối hợp của các cơ quan, ban ngành của TP HCM. Do đó, mọi khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện đều được phản ánh một cách đầy đủ, từ đó có những giải pháp tháo gỡ kịp thời. Tôi cho rằng đây là yếu tố quan trọng để triển khai thí điểm thành công.
- Thứ trưởng đánh giá thế nào về tác động của TPL đối với xã hội cũng như hoạt động tư pháp?
Kết quả của TPL thời gian qua bước đầu cho thấy đây là một hướng đi đúng về xã hội hóa hoạt động tư pháp, thi hành án dân sự (THADS) mà chủ trương của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội đã đề ra.
Với mục tiêu hướng đến người dân, việc thực hiện TPL đã tạo cơ chế để người dân tăng cường tính chủ động, tích cực của công dân trong các quan hệ dân sự, tố tụng dân sự, hành chính, nhất là trong việc lập vi bằng, tạo chứng cứ, giúp người dân có cơ sở bảo vệ quyền, lợi ích của mình trong tố tụng và trong thực hiện các giao dịch. Thực tiễn thực hiện TPL thời gian qua cho thấy, dịch vụ lập vi bằng của TPL đã được đón nhận tích cực, không chỉ là cơ sở để bảo vệ quyền, lợi ích trước Tòa án mà còn là cơ sở, niềm tin trong thực hiện các giao dịch dân sự khác.
Bên cạnh đó, hoạt động của TPL đã tạo cơ chế để người dân có sự lựa chọn trong THADS và tham gia tích cực vào hoạt động này; góp phần xóa bỏ tình trạng “độc quyền” trong THADS, hạn chế tiêu cực, tăng cường hiệu quả của công tác này.
Ngoài ra, dưới góc độ xã hội, hoạt động TPL bước đầu đã tạo lập một nghề mới trong thị trường cung cấp dịch vụ pháp lý, dịch vụ hành chính tư pháp; tạo nên một nghề cho xã hội, tạo công ăn việc làm, góp phần giảm tải công việc cho bộ máy nhà nước.
Đối với hoạt động tư pháp và liên quan, hoạt động TPL đã bổ trợ tích cực cho hoạt động Tư pháp, bảo đảm các hoạt động này được nhanh hơn, chặt chẽ hơn. Đồng thời, hoạt động của TPL còn góp phần làm giảm tình trạng quá tải trong công việc của các cơ quan tư pháp, trước hết là Tòa án và cơ quan THADS.
Quan trọng là phải nâng cao nhận thức của người dân về TPL
- Thứ trưởng vừa nói đến vấn đề về nhận thức. Thực tế thì hiện nay nhiều người dân vẫn chưa biết đến chế định về TPL. Ngay đến cả cơ quan nhà nước cũng vậy. Đây có phải là một khó khăn lớn cho TPL?
Đúng vậy. Nhận thức của người dân và ngay cả các cơ quan, tổ chức về chế định TPL, về chủ trương thực hiện chế định này còn nhiều hạn chế. Trong quá trình thực hiện, một số cơ quan, tổ chức chưa nhận thức được một cách sâu sắc vai trò, ý nghĩa và trách nhiệm của mình trong thực hiện thí điểm.
Bên cạnh đó, mặc dù đã tồn tại ở nước ta nhiều năm dưới chế độ cũ, nhưng hiện nay phần lớn người dân chưa biết đến mô hình này như một loại hình dịch vụ trong lĩnh vực hành chính tư pháp. Những hạn chế này không những ảnh hưởng đến công tác phối hợp, chỉ đạo, điều hành của các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm triển khai thực hiện mà còn hạn chế rất nhiều đến hoạt động của các Văn phòng TPL.
Cho nên, quan trọng nhất là phải đẩy mạnh các biện pháp tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân và cả cơ quan, tổ chức trong lĩnh vực này
- Thứ trưởng từng nói, những vướng mắc trong các quy định của pháp luật cũng là một trong những “rào cản” đối với hoạt động của TPL. Cụ thể vẫn đề này ra sao?
Hoạt động TPL được điều chỉnh bởi các quy định pháp luật thuộc nhiều lĩnh vực, nhiều ngành như dân sự, tố tụng, THADS, ngân hàng, bảo hiểm… tuy nhiên bản thân các quy định của pháp luật trong các lĩnh vực này còn chưa đầy đủ, không đồng bộ và thiếu cụ thể.
Trong khi đó, chế định TPL đang được thực hiện thí điểm, nên gặp khó khăn trong việc xây dựng thể chế cũng như áp dụng các quy định của pháp luật hiện hành. Ví dụ như việc áp dụng các quy định trong việc xác minh của TPL tại các ngân hàng, tổ chức tín dụng; áp dụng quy định bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của TPL trong khi quy định, hướng dẫn về vấn đề này trong ngành bảo hiểm chưa cụ thể; còn thiếu các quy định hướng dẫn Luật THADS về chi phí THADS, trong đó có chi phí tống đạt.
Bên cạnh đó, chế độ ưu đãi, hỗ trợ đối với TPL chưa được quan tâm đầy đủ như đối với các tổ chức thực hiện xã hội hóa dịch vụ công trong các lĩnh vực khác.
Địa phương quyết tâm sẽ được ủng hộ
-Theo Nghị quyết của Quốc hội, việc triển khai thí điểm sẽ kết thúc vào tháng 7/2012. Hướng phát triển tiếp theo của mô hình TPL như thế nào?
Thực hiện Nghị quyết số 24 của Quốc hội, hôm nay, ngày 3/8/2012 tại TP. Hồ Chí Minh Bộ Tư pháp phối hợp với Ủy ban nhân dân thành phố tổ chức Hội nghị tổng kết 3 năm thí điểm TPL, hội nghị sẽ đánh giá một cách toàn diện những mặt được và chưa được, đề xuất lộ trình phát triển TPL cũng như những vấn đề về thể chế (đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật THADS năm 2008, Nghị định số 61/2009/NĐ-CP và các văn bản khác có liên quan; về lâu dài cần xây dựng Luật TPL)…
- Thưa Thứ trưởng, thực tế đang có rất nhiều địa phương mong muốn được thực hiện TPL và đã có đề án về vấn đề này. Tuy nhiên, phải có những tiêu chí ra sao mới được xem xét để triển khai TPL? Đối với địa bàn TP HCM có tiếp tục cho mở thêm các Văn phòng TPL?
Việc thực hiện mô hình TPL ở các địa phương cần có đề án và có sự phối hợp chặt chẽ với lãnh đạo địa phương. TPL có thể không chỉ thực hiện ở những nơi có điều kiện kinh tế phát triển mà còn mở rộng tới các địa bàn khác.
Tuy nhiên, việc mở rộng tới những địa phương nào cũng như có mở rộng thêm tại TP HCM hay không thì phải được Quốc hội cho phép. Chính phủ sẽ báo cáo vấn đề này tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIII (khai mạc tháng 10 tới đây).
- Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!
Thu Hằng (thực hiện)