Trong một cuộc họp báo được phát trên truyền hình ngày 2/12, Thủ tướng Yingluck Shinawatra nói rằng bà sẵn sàng “mở mọi cánh cửa” cho các cuộc đàm phán nhằm tìm ra một giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng chính trị lớn nhất tại Thái Lan trong nhiều năm nay.
“Tất cả mọi thứ mà tôi có thể làm để khiến mọi người hài lòng, tôi đều sẵn sàng thực hiện nhưng với tư cách là Thủ tướng, những việc tôi có thể làm phải tuân thủ theo Hiến pháp” – bà Yingluck nói trong cuộc họp báo nhanh kéo dài 12 phút.
Lãnh đạo biểu tình Suthep Thaugsuban trong cuộc gặp với bà Yingluck tối 1/12 nói rằng ông ta sẽ không hài lòng với việc bà Yingluck từ chức hay các cuộc bầu cử mới. Thay vào đó, Suthep nói rằng ông ta muốn một “hội đồng nhân dân” không được bầu để lựa chọn một Thủ tướng mới. Ông Suthep đã thiết lập thời hạn vào ngày 3/12 cho bà Yingluck trao trả chính quyền và kêu gọi mọi người đình công.
Các cuộc biểu tình đã dấy lên những lo ngại về tình trạng bất ổn kéo dài tại Thái Lan và diễn ra chỉ ít lâu trước mùa cao điểm du lịch. Tình trạng bạo lực ngày 2/12 diễn ra ở quanh những cơ quan quan trọng như tòa nhà Chính phủ, Quốc hội và trụ sở Cảnh sát Bangkok nằm trong khu vực lịch sử của thủ đô. Khu vực này bao gồm một số địa điểm thu hút du lịch chính của Bangkok như Cung điện Hoàng gia, chùa Wat Pho, sở thú Bangkok và khu vực của người du lịch ở trên phố Khao San.
Cảnh sát đã phải dùng hơi cay, vòi rồng và cả đạn cao su để kiềm chế đám đông. “Chúng tôi đã sử dụng xen kẽ vòi rồng, hơi cay và đạn cao su. Đạn cao su chỉ được sử dụng tại một khu vực là cây cầu gần tòa nhà Chính phủ” – ông Paradorn Pattanathabutr, người đứng đầu Cơ quan An ninh quốc gia nói. Nhiều người biểu tình đã mặc áo mưa và đội túi nhựa lên đầu để tránh bị trúng hơi cay.
Bà Yingluck nói rằng bà sẽ không cho phép sử dụng bạo lực nhằm vào người biểu tình. “Quân đội ở vị trí trung lập và muốn mọi việc được giải quyết hòa bình” – bà nói thêm trong bài phát biểu ngày 2/12. Các chỉ huy quân đội đã đồng ý triển khai binh lính để hỗ trợ cảnh sát với điều kiện họ không mang theo vũ khí và sẽ đứng sau cảnh sát chống bạo động ở các văn phòng chính của Chính phủ.
Tổng cộng đã có 4 người thiệt mạng trong các vụ bạo lực xảy ra trong đợt biểu tình đẫm máu nhất từ năm 2010 này. Những người biểu tình tuyên bố ngày 1/12 là “Ngày Chiến thắng” quyết định trong cái mà họ gọi là “cuộc đảo chính của nhân dân”. Tuy nhiên, dù đụng độ với các lực lượng an ninh nhưng họ vẫn không thể chiếm giữ được các tòa nhà Chính phủ hay lật đổ bà Yingluck.