Để phù hợp với chủ trương phân cấp triệt để gắn với trách nhiệm cụ thể, Dựa thảo Luật Đấu thầu sửa đổi quy định theo hướng Thủ tướng Chính phủ không phê duyệt bất kỳ nội dung nào trong đấu thầu kể cả chỉ định thầu mà phân cấp cho Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm phê duyệt.
Ảnh minh họa. |
Hôm qua (31/7) tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Trung Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) và Bộ Kế hoạch Đầu tư (KH&ĐT) tổ chức hội nghị góp ý Dự thảo Luật Đấu thầu sửa đổi.
Theo tờ trình của Bộ KH&ĐT, hiện nay ở Việt Nam, lĩnh vực đấu thầu đang được chia nhỏ và quản lý không tập trung, các quy định về đấu thầu nằm rải rác trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật gây nên tình trạng chồng chéo, thiếu thống nhất giữa các văn bản và gây khó khăn cho các đơn vị thực hiện.
Bên cạnh đó, Luật hiện hành chỉ điều chỉnh các hoạt động mua sắm thuộc dự án sử dụng vốn nhà nước, gồm: dự án cho mục tiêu đầu tư phát triển, dự án để mua sắm tài sản nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan nhà nước, dự án nhằm cải tạo, sửa chữa lớn thiết bị, dây chuyền sản xuất, công trình, nhà xưởng đã đầu tư của doanh nghiệp nhà nước.
Tuy nhiên, thực tế tại Việt Nam hiện nay xuất hiện nhiều hoạt động mua sắm khác sử dụng nguồn lực của nhà nước mà chưa được điều chỉnh để đảm bảo tính thống nhất trong quá trình thực hiện, cụ thể là: các hoạt động mua sắm vì mục đích công nhưng không hình thành dự án, các hoạt động đầu tư ra nước ngoài sử dụng vốn nhà nước, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư để thực hiện các dự án hợp tác công - tư (PPP), dự án sử dụng đất, các hoạt động mua sắm của doanh nghiệp nhà nước trong quá trình sản xuất kinh doanh.
Thực tế này đòi hỏi phải sửa đổi, bổ sung Luật Đấu thầu, Luật số 38/2009/QH12 theo hướng mở rộng phạm vi điều chỉnh để đạt được mục tiêu quản lý nguồn lực của nhà nước một cách hiệu quả nhất.
Ngoài ra, theo Bộ KH&ĐT mặc dù đã được quy định trong Luật Đấu thầu, tuy nhiên nội dung về giám sát, kiểm toán trong đấu thầu chưa được quy định cụ thể. Do đó, Luật Đấu thầu cần được sửa đổi nhằm bổ sung các quy định về giám sát, kiểm toán trong đấu thầu và quy định chặt chẽ hơn về kiểm tra trong đấu thầu.
Ông Lê Văn Tăng- Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu, Bộ KH&ĐT cho biết: “Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) bổ sung và cụ thể hóa một số hoạt động đã nêu trong các tờ trình Chính phủ trước đây, bao gồm: hoạt động mua sắm sử dụng vốn nhà nước của doanh nghiệp nhà nước trừ trường hợp mua sắm nguyên, nhiên, vật liệu, vật tư, dịch vụ để đảm bảo tính liên tục cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, hoạt động mua sắm nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của doanh nghiệp; hoạt động mua sắm sử dụng vốn nhà nước để cung cấp sản phẩm, dịch vụ công; hoạt động mua sắm của dự án đầu tư sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức của Việt Nam ra nước ngoài (ODA); dự án đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của doanh nghiệp nhà nước sử dụng vốn nhà nước từ 30% trở lên trong tổng mức đầu tư (FDI); lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư qua mạng; lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án, cung cấp dịch vụ công (PPP)”.
Trường Lưu