Thủ tướng ra Công điện khẩn về cơn bão số 2

Chiều ngày 22/7, bão có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến vùng biển vịnh Bắc Bộ với sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9, cấp 10, giật cấp 11, cấp 12

Chiều ngày 22/7, bão có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến vùng biển vịnh Bắc Bộ với sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9, cấp 10, giật cấp 11, cấp 12

Ngày 21/7, Thủ tướng Chính phủ có Công điện khẩn số 1250 gửi các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Quốc phòng, Công an, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông Vận tải, Thông tin và Truyền thông, Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Y tế, Công Thương; Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Quảng Ngãi; các tỉnh: Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn, Bắc Giang, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Phú Thọ, Hòa Bình, Thái Nguyên; Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn; Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt, bão Trung ương; Trung tâm Khí tượng Thuỷ văn quốc gia; Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam; Báo Nhân dân, Thông tấn xã Việt Nam, nêu rõ: Bão số 2 (Chanthu) đang diễn biến rất phức tạp, trưa và chiều ngày 22/7, bão có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến vùng biển vịnh Bắc Bộ với sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9, cấp 10, giật cấp 11, cấp 12; trong và sau bão có mưa to đến rất to trên địa bàn các tỉnh từ miền núi phía Bắc và phía Đông Bắc Bộ.

Để chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống bão số 2 hiệu quả, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:

1. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Quảng Ngãi tiếp tục nắm chắc số lượng tầu thuyền còn hoạt động trên biển, hướng dẫn di chuyển về nơi tránh, trú bão an toàn; tổ chức neo đậu cho tầu thuyền trong các khu tránh trú bão, kiên quyết không để người ở lại trên tàu, thuyền tại nơi neo đậu; riêng các tỉnh từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa căn cứ tình hình cụ thể của địa phương và diễn biến của bão, quyết định việc cấm tàu thuyền ra khơi, phối hợp với các lực lượng vũ trang trên địa bàn thực hiện việc di dời dân ra khỏi các khu vực nguy hiểm (ven biển, vùng cửa sông, trên các đầm, chòi canh, nuôi trồng thủy sản, vùng có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, sạt lở đất, sập hầm lò), tổ chức lực lượng canh gác đảm bảo an ninh trật tự ở những khu vực phải di dời dân đi; có biện pháp đảm bảo an toàn đê điều, an toàn cho người và tài sản trên các công trình xây dựng.

2. Uỷ ban nhân dân các tỉnh, vùng núi và trung du phía Bắc chủ động di dời dân ra khỏi các vùng nguy hiểm do lũ quét, sạt lở đất và vùng thường xuyên bị ngập sâu đến nơi an toàn; hướng dẫn nhân dân trong vùng có nguy cơ bị chia cắt do mưa, lũ dự trữ lương thực, thực phẩm, thuốc men và các nhu yếu phẩm thiết yếu, thực hiện tốt phương châm "4 tại chỗ" để chủ động đối phó với tình huống có mưa, lũ lớn, bị chia cắt dài ngày; cử người canh gác, hướng dẫn việc đi lại an toàn qua các bến đò ngang, các ngầm giao thông bị ngập sâu; có biện pháp đảm bảo an toàn cho người và tài sản.

3. Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn chỉ đạo các trung tâm cứu nạn và các lực lượng tìm kiếm cứu nạn của các Bộ, ngành và địa phương nằm trong khu vực ảnh hưởng của bão, mưa lũ, chuẩn bị lực lượng, phương tiện, sẵn sàng thực hiện việc cứu hộ, tìm kiếm cứu nạn khi có sự cố xảy ra.

4. Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo nắm chắc số lượng tàu vận tải đang hoạt động trên biển, hướng dẫn di chuyển tìm nơi tránh, trú bão, neo đậu an toàn, đặc biệt thông báo kịp thời để các tàu vận tải không đi vào vùng biển nguy hiểm. Có phương án đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính, đặc biệt tại những khu vực có nguy cơ bị sạt lở, chia cắt.

5. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị đóng quân trên địa bàn các tỉnh nằm trong khu vực ảnh hưởng của bão, mưa lũ phối hợp với lực lượng của địa phương chuẩn bị phương tiện sẵn sàng giúp đỡ thực hiện việc di dời sơ tán dân khi có yêu cầu; cùng địa phương triển khai các biện pháp cần thiết phòng, chống bão, lũ.

6. Các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thông tin và Truyền thông, Công Thương và các Bộ, ngành liên quan theo chức năng và nhiệm vụ của mình chỉ đạo các đơn vị trực thuộc và các địa phương làm tốt các việc sau: tiêu nước đệm tại các khu vực có nguy cơ ngập úng, vận hành an toàn các hồ chứa nước (đặc biệt là hồ Sơn La), đảm bảo an toàn cho khách du lịch, duy trì thông tin liên lạc, đảm bảo đủ nguồn lương thực, thực phẩm dự trữ, nguồn điện phục vụ bơm tiêu chống úng ngập, sẵn sàng giúp đỡ địa phương khi có yêu cầu.

7. Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo Trung tâm Khí tượng Thuỷ văn quốc gia tiếp tục theo dõi diễn biến của bão, dự báo và cung cấp thông tin kịp thời về bão số 2 cho Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt, bão Trung ương, các cơ quan thông tin đại chúng và các Bộ, ngành liên quan để chỉ đạo và đưa tin kịp thời những diễn biến của bão cho các địa phương và nhân dân biết để chủ động phòng, tránh.

8. Đài truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam và các cơ quan thông tin đại chúng ở Trung ương và địa phương tăng thời lượng đưa tin, thường xuyên thông báo diễn biến của bão số 2 cho các Bộ, ngành, địa phương và nhân dân biết để chủ động phòng, tránh.

Cuộc họp khẩn đối phó cơn bão Chanthu
Các địa phương cần rút kinh nghiệm trong việc phòng chống cơn bão số 2 về công tác kêu gọi tàu thuyền vào nơi tránh trú và xử lý nghiêm để răn đe các chủ tàu thuyền cố tình không tuân theo sự điều động của chính quyền địa phương.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chỉ đạo như vậy tại cuộc họp khẩn của Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương diễn ra chiều 21/7, tại Hà Nội.

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đề nghị, các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Quảng Ngãi tiếp tục rà soát, kiểm đếm nắm chắc số tàu thuyền đang hoạt động trên biển; thông báo kịp thời cho chủ phương tiện tàu thuyền và các ngư dân đang hoạt động trên biển biết thông tin về bão số 2 để chủ động phòng tránh; quản lý chặt chẽ việc ra khơi của các tàu thuyền.

Các tỉnh miền núi phía Bắc chuẩn bị phương châm 4 tại chỗ, đề phòng mưa lũ gây chia cắt, chủ động triển khai di dời dân ở các vùng nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất; lưu ý tỉnh Quảng Ninh, các khách du lịch, tàu thuyền, lồng bè nuôi trồng thuỷ sản, người dân ở khu vực thấp trũng ven biển; khu vực gần các bãi khai thác than, các hầm lò.

Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương rút kinh nghiệm sâu sắc công tác đối phó cơn bão số 1, đặc biệt là công tác kêu gọi tầu thuyền vào nơi tránh trú chưa được thực hiện quyết liệt, hậu quả đến nay vẫn còn 23 ngư dân mất tích; Xử lý nghiêm chủ tàu, thuyền trưởng ngăn cản không cho ngư dân vào bờ.

Cũng tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải biểu dương và đánh giá cao Đài TNVN và Đài THVN đã có nỗ lực thông tin kịp thời diễn biến cơn bão số 1 tới chính quyền và nhân dân địa phương, tình hình triển khai các biện pháp phòng chống  bão.

** Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương: Hồi 4h ngày 22/7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 22 độ Vĩ Bắc; 112,7 độ Kinh Đông, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 230 km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 11 (tức là từ 103 đến 117 km/h), giật cấp 12, cấp 13.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15 km. Đến 16h ngày 22/7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 21,2 độ Vĩ Bắc; 110,1 độ Kinh Đông, trên khu vực bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc), cách Móng Cái khoảng 240 km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9, cấp 10 (tức là từ 75 đến 102 km/h), giật cấp 11, cấp 12. Tính từ tâm bão, vùng gió mạnh nguy hiểm từ cấp 6 trở lên có bán kính khoảng 250 km.

Trong khoảng 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng giữa Tây Tây Bắc và Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10 - 15 km, đi dọc theo vùng biên giới Việt – Trung và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới. Đến 16 giờ ngày 23/7, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 23,0 độ Vĩ Bắc; 107,5 độ Kinh Đông, cách biên giới tỉnh Cao Bằng khoảng 90km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6, cấp 7 (tức là từ 39 đến 61 km một giờ), giật cấp 8.

Trong khoảng 48 đến 72 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10 - 15 km, đi sâu vào đất liền và suy yếu dần thành một vùng áp thấp. Đến 16 giờ ngày 24/7, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 23,8 độ Vĩ Bắc; 105,0 độ Kinh Đông, trên vùng biên giới Việt – Trung. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (tức là dưới 39 km một giờ).

Do ảnh hưởng của bão, vùng biển phía Tây khu vực Bắc biển Đông (bao gồm cả vùng biển phía Bắc quần đảo Hoàng Sa) có gió mạnh cấp 8, cấp 9, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 10, cấp 11, giật cấp 12, cấp 13. Biển động dữ dội. Từ đêm nay (21/7), vùng biển phía Bắc vịnh Bắc Bộ gió sẽ mạnh dần lên cấp 6, cấp 7, sau tăng lên cấp 8, vùng gần tâm bão cấp 9, cấp 10, giật cấp 11, cấp 12. Biển động rất mạnh. Từ đêm ngày 22/7, ở Bắc Bộ có mưa, mưa vừa, riêng vùng núi phía Bắc và khu Đông Bắc có mưa to đến rất to. Cần đề phòng lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi và ngập úng ở vùng trũng.

Theo VOVnews

Tin cùng chuyên mục

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự, chứng kiến Lễ ký, trao 26 thỏa thuận hợp tác của các bộ, ngành và doanh nghiệp Việt Nam và đối tác Anh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị COP26 và làm việc tại Anh: Ký kết thỏa thuận hợp tác trị giá hàng tỷ USD

(PLVN) - Nhân chuyến tham dự Hội nghị COP26 và làm việc tại Vương quốc Anh, chiều 31/10 (giờ địa phương), tại thành phố Edinburg, Scotland, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự, chứng kiến lễ ký, trao 26 thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực thương mại, nông nghiệp, năng lượng, y tế, giáo dục, đào tạo, bảo vệ môi trường, thể thao... của các bộ, ngành và doanh nghiệp Việt Nam và đối tác Anh.

Đọc thêm

Giảm tải mật độ, hạn chế lây nhiễm trong khu cách ly

làm thủ tục tiếp nhận công dân vào khu cách ly tại Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô. Ảnh: báo Lao động (chụp tháng 2/2020)
(PLVN) - Những ngày vừa qua, số ca F1 chuyển biến thành F0 tăng nhanh nên TP Hà Nội đã chỉ đạo xét nghiệm toàn bộ số F1 đang cách ly để sàng lọc, rà soát mà không cần chờ đủ thời gian 7 ngày theo quy định. Qua xét nghiệm đã xác định thêm 27 ca bệnh chuyển từ F1 thành F0.

Những nữ Công an tỉnh Phú Thọ nhiệt huyết trong công việc

Chiến sỹ Cảnh sát nhập dữ liệu thông tin của người dân.
(PLVN) - Trong bất kể lĩnh vực công tác nào, thì những “bông hồng thép”- nữ cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an Phú Thọ đều luôn nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần mang lại cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho nhân dân.