Theo AFP, đây là chuyến thăm thứ 2 của ông Abe tới khu nghỉ dưỡng của ông Trump ở Palm Beach, bang Florida. Quan hệ giữa 2 nhà lãnh đạo Nhật – Mỹ đã phát triển khá tốt đẹp trong suốt 15 tháng kể từ khi ông Trump lên nắm quyền. Hồi năm ngoái, ông Abe cũng đã tới Florida và ông Trump cũng đã tới Tokyo vào tháng 11/2018.
Phát biểu trước khi rời Nhật Bản để tới Mỹ, ông Abe cho biết, trong các cuộc gặp với Tổng thống Mỹ, ông sẽ tái khẳng định chính sách gây áp lực tối đa với Bình Nhưỡng của Tokyo. Bên cạnh đó, Thủ tướng Nhật cũng cho hay vấn đề công dân Nhật bị Triều Tiên bắt cóc cũng sẽ được bàn thảo trong cuộc gặp giữa ông và Tổng thống Mỹ. “Tôi muốn tái khẳng định hợp tác giữa 2 nước trong vấn đề Triều Tiên, hợp tác về các vấn đề kinh tế và cho thấy quan hệ mạnh mẽ giữa 2 nước”, ông Abe nói.
Reuters cho rằng 2 nhà lãnh đạo có thể hướng tới một hội nghị thượng đỉnh thành công để gia tăng uy tín chính trị trong nước trong bối cảnh cả 2 đều đang phải chịu áp lực lớn. Trong đó, ông Trump hiện đang gặp phải những tranh cãi liên quan tới cuộc điều tra cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016. Quyết định ra lệnh không kích Syria của ông cũng đã làm xói mòn lòng tin của những người ủng hộ ông về việc chính sách “nước Mỹ trên hết” của ông sẽ đặt dấu chấm hết cho sự can thiệp quân sự vào khu vực Trung Đông.
Trước đó vài tuần, ông Trump cũng đã ký ngân sách chi tiêu bùng nổ nhưng lại không bao gồm khoản tiền xây dựng bức tường biên giới với Mexico mà ông từ lâu cam kết, dấy lên lo ngại về khả năng những người ủng hộ ông mạnh mẽ nhất có thể bỏ cuộc. Trong bối cảnh như vậy, ông Trump có thể lấy một chiến thắng chính trị, có thể là việc mở cửa cho những cuộc đàm phán thương mại với Nhật Bản để trấn an những người ủng hộ.
Về phía Thủ tướng Nhật Bản, ông Abe cũng đang gặp rắc rối vì bê bối có liên quan đến một vụ mua bán đất công, khiến tỉ lệ ủng hộ của ông đã giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây. Thêm vào đó, ông Trump đã thông báo quyết định tiến hành một cuộc gặp thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un vào tháng 5 hoặc tháng 6 này nhưng không tham vấn ông Abe. Trung Quốc và Hàn Quốc kể từ đó được cho là có ảnh hưởng trực tiếp tới kết quả của cuộc khủng hoảng hạt nhân hiện nay hơn đã khiến nhiều người cho rằng Nhật Bản đã bị gạt ra rìa vấn đề hạt nhân Triều Tiên.
Trong lúc đang vướng vào hàng loạt tai tiếng, các chuyên gia cho rằng sân khấu quốc tế sẽ là nơi ông Abe có thể tỏa sáng để lôi kéo sự chú ý của dư luận ra khỏi các vấn đề trong nước. Và chuyến thăm Mỹ chính là cơ hội để ông vực lại được tỉ lệ ủng hộ của người dân. Theo các chuyên gia, điều quan trọng với ông Abe lúc này là phải đảm bảo lợi ích của Nhật được đề cập một cách thích hợp trong hội nghị thượng đỉnh sắp tới giữa Washington và Bình Nhưỡng.
Cùng với đó, mới đây, ông Trump đã thông báo đánh thuế vào hàng tỉ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc và các sản phẩn nông nghiệp cùng thị trường xe hơi của Nhật có thể trở thành mục tiêu tiếp theo của ông Trump. Trong bối cảnh như vậy, khả năng của ông Abe trong việc sử dụng mối quan hệ thân tình với tổng thống Mỹ để đạt được một sự đồng thuận về vấn đề tự do thương mại cũng sẽ là một thành tích đáng kể giúp ông lấy lại được niềm tin trong nước.