Thủ tướng Nhật Bản: Việt Nam là một địa điểm thích hợp nhất để tôi gửi thông điệp đầu tiên ra thế giới

(PLVN) - “Tôi chọn Việt Nam vì Việt Nam là một địa điểm thích hợp nhất để tôi gửi thông điệp này lần đầu tiên ra thế giới”, Thủ tướng Nhật Bản Suga phát biểu, nhấn mạnh Việt Nam là đối tác quan trọng của Nhật Bản và đóng vai trò trọng yếu khi Nhật Bản tiến hành chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở. 

Sáng nay - 19/10, ngay sau khi kết thúc hội đàm và chứng kiến hai bên trao đổi các văn kiện hợp tác, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide đã có cuộc gặp gỡ báo chí.

Phát biểu trước báo giới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chúc mừng ông Suga Yoshihide giữ cương vị Thủ tướng Nhật Bản và hoan nghênh Thủ tướng Suga Yoshihide đã chọn Việt Nam là nước đầu tiên đến thăm, thể hiện mối quan hệ tốt đẹp truyền thống Việt Nam – Nhật Bản.

Hai bên đã có cuộc hội đàm thành công với nhiều nội dung rất quan trọng, tiếp tục khẳng định quyết tâm làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng giữa hai nước, khôi phục và đẩy mạnh hợp tác trong điều kiện bình thường mới trên tất cả các lĩnh vực.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, nhiều nội dung hợp tác đã được thảo luận để làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng giữa hai nước, khôi phục và đẩy mạnh hợp tác trong điều kiện bình thường mới là đại dịch Covid-19. Ngay sau hội đàm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide đã chứng kiến lễ trao 12 văn kiện hợp tác giữa các bộ, ngành, doanh nghiệp hai nước trong nhiều lĩnh vực như cơ sở hạ tầng, năng lượng, kỹ thuật số.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide gặp gỡ báo chí - Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide gặp gỡ báo chí - Ảnh: VGP/Quang Hiếu 

Hai bên nhất trí tăng cường tin cậy chính trị thông qua duy trì thường xuyên các chuyến thăm, tiếp xúc các cơ chế đối thoại ở các cấp, đặc biệt là cấp cao, tăng cường hợp tác thực chất đi vào chiều sâu, hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực, bao gồm cả quốc phòng, an ninh, phòng chống Covid-19, đặc biệt là về kinh tế. Hai là tiếp tục tăng cường hợp tác chặt chẽ trong phòng, chống Covid-19 và tạo mọi điều kiện thuận lợi đẩy mạnh khôi phục các hoạt động hợp tác giữa hai nước.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Thủ tướng Nhật Bản tiếp tục quan tâm hỗ trợ cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản. Hai bên đã thỏa thuận về việc áp dụng quy chế đi lại ưu tiên, nhất trí sớm khôi phục đường bay thương mại, thúc đẩy sớm mở cửa thị trường cho quả nhãn tươi của Việt Nam và quýt Ưn siu của Nhật Bản.

Cho biết hai bên khẳng định tiếp tục tăng cường kết nối giữa hai nền kinh tế, thúc đẩy hợp tác đầu tư, thương mại, nông nghiệp, nguồn nhân lực, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Việt Nam chuẩn bị sẵn sàng điều kiện về đất đai, nguồn nhân lực, môi trường, chính sách để chung tay hợp tác cùng các doanh nghiệp Nhật Bản có thể đầu tư kinh doanh thành công ở Việt Nam. Đặc biệt một loạt dự án lớn mà hai bên thống nhất thúc đẩy, nhất là những dự án gặp những trở ngại trong quá trình triển khai.

Với các văn kiện hợp tác vừa trao, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, đây là minh chứng sinh động, mạnh mẽ, vững chắc nhiều mặt của hợp tác Việt Nam-Nhật Bản.

Hai Thủ tướng cũng thống nhất tăng cường hợp tác tại các diễn đàn quốc tế đa phương trên cương vị Việt Nam là Chủ tịch ASEAN năm 2020, Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc năm 2020-2021. Việt Nam hoan nghênh Nhật Bản, một cường quốc hàng đầu trên toàn cầu, tiếp tục phát huy vai trò đóng góp tích cực vào hòa bình, ổn định, phồn vinh của khu vực và thế giới.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao cam kết mạnh mẽ của ngài Thủ tướng Nhật Bản về tăng cường hợp tác trong khuôn khổ ASEAN-Mekong, Liên Hợp Quốc, về sự phối hợp hỗ trợ hiệu quả để Việt Nam tổ chức thành công các hội nghị cấp cao ASEAN tháng 11/2020; thực thi hiệu quả các cơ chế liên kết kinh tế như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương và trong tương lai là RCEP.

Hai bên tái khẳng định tầm quan trọng bảo đảm hòa bình, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không tại Biển Đông; thúc đẩy giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, nghiêm túc tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 trong các hoạt động trên biển. Tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý, thực hiện đầy đủ tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông; sớm hoàn thành bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) thực chất, hiệu quả và phù hợp với Luật pháp quốc tế, Công ước của LHQ về Luật Biển 1982.

“Nhật Bản có 4 mùa, Việt Nam cũng có 4 mùa Xuân-Hạ-Thu-Đông. Hiện tại Nhật Bản là mùa Thu và Việt Nam cũng là mùa Thu, ngày rất đẹp để đón Thủ tướng Suga Yoshihide”- Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Về phần mình, Thủ tướng Nhật Bản khẳng định sẽ “nắm chặt tay” với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc để tiếp tục thúc đẩy phát triển mối quan hệ hai nước và đóng góp cho hòa bình, thịnh vượng ở khu vực.

"Tôi rất vui đến thăm Việt Nam, nước tôi công du đầu tiên sau khi nhậm chức Thủ tướng. Năm nay Việt Nam là Chủ tịch ASEAN và Việt Nam đóng vai trò trọng yếu khi Nhật Bản thực hiện chiến lược Thái Bình Dương-Ấn Độ Dương tự do và rộng mở. Nhật Bản là Quốc gia Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và sẽ tiếp tục đóng góp vào hòa bình và thịnh vượng ở khu vực. Tôi chọn Việt Nam vì Việt Nam là địa điểm thích hợp nhất để tôi gửi thông điệp này lần đầu tiên ra thế giới. Hôm nay, tôi và ngài Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trao đổi, thảo luận về nhiều vấn đề để vun đắp mối quan hệ tin cậy lẫn nhau, dù trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19. Mối quan hệ hai nước còn nhiều tiềm năng hợp tác và cuộc hội đàm hôm nay rất hiệu quả, qua đó đánh giá những tiềm năng hợp tác cần thúc đẩy"-Thủ tướng Nhật Bản nói.

Theo đó, Thủ tướng Nhật Bản cho biết, Nhật Bản quyết định cung cấp vật tư hỗ trợ khẩn cấp cho Việt Nam để khắc phục thiệt hại do mưa lớn gây ra ở miền Trung Việt Nam. Nhật Bản có nhiều kinh nghiệm trong phòng, chống thiên tai nên sẵn sàng chia sẻ với Việt Nam.

Trong nỗ lực phục hồi nền kinh tế do tác động của đại dịch Covid-19, Nhật Bản và Việt Nam đã đạt được thỏa thuận về việc bắt đầu quy trình đi lại ngắn này và khởi động lại đường bay quốc tế hai chiều. Nhật Bản và Việt Nam sẽ thúc đẩy thực hiện đa dạng hóa chuỗi cung ứng; tận dụng tối đa trang thiết bị y tế mà Chính phủ Nhật Bản hỗ trợ với tổng số tiền 4 tỷ Yên Nhật Bản. Nhật Bản sẽ hỗ trợ người Việt Nam đang sinh sống tại Nhật Bản gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, gồm thực tập sinh, lưu học sinh, những người khó khăn chưa thể về nước.

Trong hợp tác để giải quyết các vấn đề khu vực hướng tới Hội nghị cấp cao ASEAN tháng 11 sắp tới mà Việt Nam là nước Chủ tịch, hai bên nhất trí sẽ thắt chặt thêm hợp tác trước những thách thức trong khu vực, gồm cả vấn đề biển Đông và Triều Tiên. Hai bên đã cơ bản đạt được thỏa thuận về chuyển giao thiết bị và kỹ thuật quốc phòng, là bước phát triển lớn trong hợp tác lĩnh vực an ninh, quốc phòng hai nước.

Với việc hai nước trao 12 văn kiện hợp tác trong các lĩnh vực kỹ thuật số, môi trường, năng lượng, cơ sở hạ tầng, Chính phủ và doanh nghiệp Nhật Bản tiếp tục hỗ trợ Việt Nam phát triển kinh tế, và dự án tiêu biểu trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng là dự án đường sắt đô thị Thành phố Hồ Chí Minh.

Đọc thêm

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phu nhân lên đường thăm chính thức Ba Lan, Czech và tham dự WEF tại Thụy Sĩ

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phu nhân lên đường thăm chính thức Ba Lan, Czech và tham dự WEF tại Thụy Sĩ - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Chiều 15/1, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng Phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam rời Thủ đô Hà Nội, lên đường thăm chính thức thức Cộng hòa Ba Lan, Cộng hòa Czech, tham dự Hội nghị thường niên lần thứ 55 Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) tại Davos, Thụy Sĩ và làm việc song phương tại Thụy Sĩ.

Để sớm đưa Nghị quyết 57-NQ/TW vào cuộc sống

Để sớm đưa Nghị quyết 57-NQ/TW vào cuộc sống
(PLVN) -  Để đất nước có thể vươn mình như kỳ vọng, nhiều vấn đề lớn đang được đặt ra cần giải quyết, trong đó có khoa học công nghệ (KHCN). Chính vì thế, ngày 22/12/2024, Bộ Chính trị có Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo (ĐMST) và chuyển đổi số quốc gia.

Thủ tướng: Hà Nội, Đồng bằng sông Hồng cần đột phá tăng trưởng 2 con số và cấp bách xử lý ô nhiễm

Thủ tướng: Hà Nội, Đồng bằng sông Hồng cần đột phá tăng trưởng 2 con số và cấp bách xử lý ô nhiễm
Sáng 14/1, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị lần thứ 5 Hội đồng điều phối vùng Đồng bằng sông Hồng và công bố Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.

Chủ tịch nước Lương Cường thăm, chúc tết các lực lượng vũ trang tại Phú Quốc

Chủ tịch nước Lương Cường thăm, chúc tết các lực lượng vũ trang tại Phú Quốc
Trong không khí cả nước chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Ất Tỵ, chào mừng kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930-3/2/2025), sáng 14/1, Chủ tịch nước Lương Cường và đoàn công tác Trung ương đã tới thăm và chúc Tết các đơn vị lực lượng vũ trang đứng chân trên địa bàn thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Bảo đảm nguyên tắc không bỏ chức năng, nhiệm vụ của các ngành

Quang cảnh Phiên họp lần thứ 10 Ban Chỉ đạo tinh gọn bộ máy của Chính phủ. (Ảnh: VGP)
(PLVN) -  Chiều 13/1, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” (Nghị quyết 18-NQ/TW) của Chính phủ chủ trì Phiên họp lần thứ 10 của Ban Chỉ đạo.

Hoàn thiện phương án sắp xếp của Bộ, ngành, địa phương

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình. (Ảnh: VOV)
(PLVN) -  Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo của Chính phủ về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW vừa đề nghị các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ hoàn thiện phương án sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Bộ, ngành.

Tổng Bí thư Tô Lâm thăm và làm việc với tỉnh Bắc Ninh

Tổng Bí thư Tô Lâm thăm và làm việc với tỉnh Bắc Ninh
Chiều 13/1, tại Bắc Ninh, Tổng Bí thư Tô Lâm và Đoàn công tác Trung ương đã thăm và làm việc với Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh, đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XX; kết quả thực hiện Nghị quyết 18 về việc sắp xếp, tinh giản tổ chức bộ máy tinh gọn đảm bảo hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả và hoàn thiện các tiêu chí của đô thị loại I, trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ trong thời gian tới.

Tổng Bí thư Tô Lâm: Nghị quyết 57 sẽ tạo bước đột phá, góp phần phát triển KT-XH và đảm bảo quốc phòng, an ninh

Tổng Bí thư Tô Lâm: Nghị quyết 57 sẽ tạo bước đột phá, góp phần phát triển KT-XH và đảm bảo quốc phòng, an ninh
Sáng 13/1, tại Thủ đô Hà Nội, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia kết hợp trực tuyến đến 15.345 điểm cầu trên cả nước và truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1 Đài Truyền hình Việt Nam.