Không vì chống dịch mà ngừng trệ sản xuất, kinh doanh
Chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về công tác phòng chống dịch do chủng mới của virus corona (Covid-19) gây ra hôm qua (17/2), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, trong lịch sử, năm 2003, chỉ sau 45 ngày có dịch SARS, Việt Nam đã được WHO công nhận là quốc gia đầu tiên khống chế thành công dịch. Ở thời điểm này, chúng ta càng tự tin hơn với các phương tiện và quyết tâm hiện có.
Trên thực tế, Việt Nam đã và đang làm rất tốt nhờ sự hưởng ứng tích cực của nhân dân, sự vào cuộc quyết liệt, hiệu quả của hệ thống chính trị, đặc biệt là ngành y tế cả nước. Không chỉ phòng và chống rất tốt mà chúng ta không để một trường hợp nào nhiễm virus nào rơi vào tình trạng nguy hiểm; đã chữa khỏi, cho ra viện 7/16 trường hợp nhiễm Covid-19.
Theo Thủ tướng, chúng ta tiếp tục đề cao cảnh giác với dịch bệnh nhưng phải bình tĩnh, bảo đảm cuộc sống bình thường và lo làm ăn kinh tế, giữ vững ổn định xã hội. Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo quốc gia, Bộ Y tế đã có văn bản hướng dẫn các địa phương công bố hết dịch đối với các tỉnh đã bảo đảm điều kiện như Khánh Hòa (đã qua 30 ngày không phát hiện thêm trường hợp bệnh), Thanh Hóa (đã qua 23 ngày không phát hiện thêm trường hợp bệnh).
Kết luận cuộc họp, Thủ tướng bày tỏ vui mừng với việc chúng ta sẽ tiếp tục công bố số người ra viện trong thời gian tới, nhiều tỉnh sẽ công bố hết dịch theo quy định, trong khi nhiều địa phương như Vĩnh Phúc có nhiều cố gắng trong chỉ đạo, khoanh vùng. Nhiều giải pháp mạnh mẽ được triển khai với sự vào cuộc của ngành Y tế, Công an, Quốc phòng.
Thủ tướng khẳng định Việt Nam không chỉ là điểm đến an toàn vì những nỗ lực phòng chống dịch rất hiệu quả mà còn an toàn một cách tự nhiên nhờ vào điều kiện thời tiết sẽ sớm ấm áp trên cả nước.
Thủ tướng cho biết, có những ngành, các doanh nghiệp không chỉ vượt qua khó khăn do dịch bệnh mà còn chuyển nguy thành cơ và nhiều lĩnh vực đã xử lý tốt như việc giải quyết tình trạng ứ đọng nông sản. Nhiều chuyến hàng xuất khẩu nông sản bằng đường biển, đường bộ được khơi thông. Nhiều doanh nghiệp đã có các cách làm sáng tạo để bảo đảm quá trình sản xuất, kinh doanh bình thường.
Người đứng đầu Chính phủ cũng nhấn mạnh tinh thần sẵn sàng, không vì chống dịch mà ngừng trệ sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. “Như tôi đã nói, phòng chống virus Corona không khó bằng phòng chống loại virus của sự trì trệ còn lây nhiễm đâu đó trong hệ thống của chúng ta.
Tại cuộc họp, chúng tôi muốn nhấn mạnh ý này. Phải chống bằng được loại virus này. Điều rất đáng mừng mà Chính phủ ghi nhận thấy là, vừa qua không có bất kỳ nơi đâu có biểu hiệu trên nóng dưới lạnh, hay trên nóng, dưới nóng, ở giữa lạnh”, Thủ tướng nói.
Chính phủ sẽ có chính sách phù hợp
Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu cần thực hiện tích cực, hành động quyết liệt hơn nữa để năm 2020 hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội mà Quốc hội đã thông qua. Hướng tới mục tiêu này, Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương bằng hành động sáng tạo, quyết tâm của mình cùng với phòng chống dịch phải đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.
Các cấp, các ngành phải nhanh chóng, khẩn trương vào cuộc và tăng tốc. Theo Thủ tướng, khó khăn cũng chính là cơ hội vượt lên chính mình, kiến tạo lại những nền tảng có tính bền vững hơn và đạt được thành quả to lớn hơn trong năm 2020.
Nhấn mạnh tinh thần phòng chống dịch Covid-19 là phải bình tĩnh đương đầu và vượt qua, Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp trong cả nước và người dân phải có phương án thúc đẩy, giữ nhịp điệu sản xuất, kinh doanh.
“Chúng ta nói hy sinh một phần tăng trưởng để bảo vệ sức khỏe và tính mạng cho người dân nhưng Chính phủ cũng không chọn giải pháp dễ là đóng cửa mọi thứ. Thay vào đó, chúng ta chọn giải pháp khó hơn, tức là làm sao vẫn duy trì điều kiện đi lại cho người dân, du khách, tiếp tục thúc đẩy sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế, thương mại nhưng vẫn bảo đảm an toàn cho người dân”, Thủ tướng nêu rõ.
Thủ tướng cho rằng việc đẩy lùi được dịch mới chỉ là thành công một nửa; yêu cầu lớn hơn của Chính phủ là phải giảm thiểu tác động đến đời sống người dân và nền kinh tế, kiên quyết giữ vững và phấn đấu hoàn thành các mục tiêu tăng trưởng mà Quốc hội đề ra.
“Chúng ta thấy trong xã hội, có những người hoang mang, lo lắng quá không cần thiết, “án binh bất động”, không làm việc, không hoạt động nhưng cũng có một bộ phận chủ quan, coi thường, không thực hiện đúng yêu cầu của ngành Y tế trong phòng chống dịch”, Thủ tướng nói và mong muốn người dân yên tâm, tin tưởng, đặt niềm tin và ủng hộ Chính phủ trong cuộc chiến chống dịch bệnh này. Bởi, theo Thủ tướng, cuộc chiến chống dịch cũng như chống giặc, nếu không có sự ủng hộ, đồng lòng hợp tác của người dân thì sẽ thất bại.
Thủ tướng cũng đề nghị người dân phát huy phẩm chất quý báu của dân tộc, tinh thần tương thân tương ái, giúp đỡ nhau trong lúc khó khăn, không kỳ thị, xa lánh, hỗ trợ và giúp đỡ bạn bè quốc tế lúc khó khăn, xây dựng hình ảnh người Việt Nam mến khách, nghĩa hiệp.
Người đứng đầu Chính phủ kêu gọi các nhà đầu tư, các doanh nghiệp yên tâm với kế hoạch sản xuất, kinh doanh. Bởi, Chính phủ bảo đảm không chỉ môi trường sản xuất, kinh doanh tốt nhất mà còn môi trường sống tốt nhất cho người dân, nhà đầu tư đến Việt Nam. Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp cần chủ động đón đầu để không bỏ lỡ cơ hội tăng tốc. Chính phủ sẽ có các kịch bản tăng trưởng, các chính sách phù hợp để thúc đẩy tăng trưởng, sản xuất kinh doanh.
Theo thông tin của Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống bệnh dịch Covid-19, tính đến 17h ngày 17/2, cả nước phát hiện 16 ca mắc bệnh. Trong đó, 7 bệnh nhân đã khỏi bệnh và ra viện. 9 bệnh nhân còn lại đang được cách ly và điều trị trong các cơ sở y tế từ tuyến huyện đến tuyến trung ương.
Hiện có thêm 6 bệnh nhân đã khỏi bệnh, với kết quả xét nghiệm 2 lần trở lên đều âm tính với Covid-19, bao gồm 2 bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở Kim Chung, Đông Anh và 4 bệnh nhân đang điều trị tại Trung tâm y tế huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc. Dự kiến ngày 18/2, cả 6 bệnh nhân này ra viện, nâng tổng số người được điều trị khỏi Covid-19 tại Việt Nam lên 13/16 bệnh nhân.