“Không hình sự hoá các quan hệ kinh tế, dân sự”
Sau gần 4 tiếng đồng hồ lắng nghe các ý kiến phát biểu, kết luận Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định vị trí của doanh nghiệp (DN) là lực lượng chủ chốt trên mặt trận kinh tế, từ đóng góp tăng trưởng đến giải quyết việc làm, thu ngân sách, áp dụng tiến bộ kỹ thuật. Thủ tướng ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp về trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc tạo điều kiện cho DN phát triển.
“Các bộ, cơ quan, đặc biệt là các địa phương cần có chương trình hành động cụ thể để tháo gỡ khó khăn cho DN phát triển, trong đó có một vài ý lớn mà các DN đều nói, đó là cải thiện tình hình kiểm soát, tăng cường hậu kiểm, làm nhanh các thủ tục. Quan tâm xử lý kiến nghị của DN nhanh hơn, thuận lợi hơn, không được đổ qua, đổ lại làm mất thời cơ kinh doanh của DN”, Thủ tướng nói.
“Tất cả DN đang chờ tiếng nói giải quyết nhanh của các cơ quan nhà nước, đặc biệt các địa phương, tháo gỡ cho DN hiện nay có nhiều vướng mắc”, Thủ tướng nhấn mạnh, yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, các bộ trưởng có liên quan phải có trách nhiệm xử lý nhanh những kiến nghị này để tháo gỡ cho DN.
Một số vấn đề lớn mà các cơ quan nhà nước phải quan tâm xử lý, đó là tạo môi trường tốt cho DN, hợp tác, hỗ trợ DN cả về chính sách, chia sẻ cùng DN. Thủ tướng một lần nữa nhắc lại tinh thần không hình sự hoá các quan hệ kinh tế, dân sự. “Kiểm tra, thanh tra nhiều quá cũng ảnh hưởng đến sự phát triển của doanh nghiệp. Chúng ta thực hiện hậu kiểm trong bối cảnh khó khăn này”, Thủ tướng chỉ đạo.
Tại Hội nghị, có 23 lượt ý kiến phát biểu của các hiệp hội, DN, doanh nhân, các bộ, cơ quan; 81 kiến nghị trực tiếp của 4 hiệp hội DN nước ngoài, 9 hiệp hội DN trong nước và 437 kiến nghị trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia, 180 kiến nghị đã gửi đến VCCI.
4 vướng mắc lớn của Kim Oanh
Trước Hội nghị, Kim Oanh Group đã có kiến nghị gửi đến Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, VCCI, nêu thực trạng đang đầu tư triển khai một số dự án BĐS trên địa bàn tỉnh Bình Dương, nhưng phát sinh một số vướng mắc sau:
1. Với một số dự án đã mua đấu giá trúng từ Agribank, góp phần giải cứu nợ xấu ngành ngân hàng, như Dự án Hòa Lân (tại phường Thuận Giao, TP Thuận An), dù cơ quan Thanh tra đã kết luận quá trình mua bán là hợp pháp, Thủ tướng cũng đã có chỉ đạo. Tuy nhiên, sự việc vẫn bị đưa ra tòa, bị TAND Quận 7 (TP HCM) ra quyết định phong tỏa, đến nay quá thời hạn nhưng vẫn chưa xét xử xong. Dù DN mua dự án hợp pháp, nhưng nhiều năm nay dự án vẫn bị bỏ hoang, lãng phí tài nguyên thiên nhiên, hàng ngàn tỷ của DN bị ứ đọng tại đây vì quyết định của Tòa án Quận 7 và vì tỉnh Bình Dương chưa cho chuyển đổi chủ đầu tư.
2. Với Dự án Cầu Đò - Mỹ Phước 4 (tại TX Bến Cát) diện tích hơn 400 ngàn m2, đã đầu tư xong cơ sở hạ tầng, tuy nhiên do vướng lô đất công xen kẹt hơn 7.000m2 trong dự án nên UBND tỉnh Bình Dương đã liên tục thay đổi chủ trương, rồi tạm dừng dự án, chưa đưa ra hướng tháo gỡ, giải pháp với DN. Hậu quả không chỉ khiến đất đai lãng phí mà còn phát sinh khiếu kiện không đáng có, DN bị một số đối tượng xấu vu khống “lừa đảo”.
3. Với dự án Tân Phú (43ha, tại trung tâm Thành phố Mới, Thủ Dầu Một), Kim Oanh là chủ sở hữu Công ty Tân Phú là đơn vị thực hiện dự án trên. Theo quy định pháp luật, Kim Oanh đã nhận chuyển nhượng dự án ngay tình và Bộ TN&MT đã có văn bản trả lời việc chuyển nhượng là hợp pháp, nên tài sản của Kim Oanh phải được bảo hộ. Tuy nhiên, cơ quan chức năng Bình Dương cho rằng trước đây hàng chục năm, các đơn vị chủ sở hữu dự án trong quá trình chuyển nhượng đã có sai sót, nên mới đây đã phong tỏa dự án, điều tra Kim Oanh.
4. Trong quá trình kinh doanh hàng chục năm, Kim Oanh nhận được nhiều bằng khen, giấy khen của Thủ tướng, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, UBND tỉnh Bình Dương... Tuy nhiên, thời gian gần đây một số đối tượng cạnh tranh không lành mạnh đã tung tin Kim Oanh sai phạm về thuế, hạ uy tín DN, đòi tước Huân chương Lao động, đòi thanh tra thuế...
“Kim Oanh không ngại các cuộc thanh, kiểm tra, tuy nhiên Kim Oanh nhận thấy những động thái này là đi ngược với tinh thần Nghị quyết 42/NQ-CP và Quyết định 15/2020/QĐ-TTg. Trong khi Chính phủ và Thủ tướng luôn chỉ đạo tạo điều kiện cho DN hoạt động hợp pháp, đóng góp cho đất nước; thì một số đối tượng lại bất tuân, có các động thái phá rối hoạt động của DN, ảnh hưởng tới môi trường đầu tư, ảnh hưởng tới động lực lao động sản xuất của doanh nhân và người lao động”, TGĐ Đặng Thị Kim Oanh nêu.
Vì bị vu khống, có lúc bà Oanh phải ôm 20kg “sổ đỏ” ra Hà Nội để giải thích, minh oan cho mình |
Từ những thực tế trên, Kim Oanh có các kiến nghị:
1. Kiến nghị Chính phủ có các chỉ đạo yêu cầu địa phương và các bộ, ngành thực hiện nghiêm việc bảo hộ quyền tài sản của DN theo quy định pháp luật; với các DN mua đấu giá trúng tài sản là Dự án như Hòa Lân, phải hướng dẫn, tạo điều kiện, tháo gỡ khó khăn cho DN nhanh chóng thực hiện dự án. Cơ quan chức năng không được lạm quyền phong tỏa dự án, khiến DN điêu đứng.
2. Với dự án vướng đất công xen kẹt như Cầu Đò - Mỹ Phước 4, cần sớm có hướng dẫn cụ thể chi tiết, tránh tình trạng dự án bị “chôn chân, chôn vốn”.
3. Với dự án như Tân Phú, phải đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của bên nhận chuyển nhượng ngay tình theo quy định Bộ luật Dân sự.
4. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo dẹp nạn cạnh tranh không lành mạnh trong thương trường của một số đối tượng chuyên tung tin giả, vu khống... Xử lý nghiêm những đối tượng lạm dụng quyền khiếu tố, dấu hiệu phạm tội lợi dụng quyền tự do dân chủ...
“Chúng tôi tha thiết kiến nghị những vấn đề nêu trên, mong Chính phủ lắng nghe và có những biện pháp giúp đỡ, không chỉ để cứu DN, cứu hàng ngàn cán bộ, công nhân viên trong Kim Oanh Group, mà còn là cải thiện, làm trong sạch môi trường đầu tư; giúp các doanh nhân có thêm động lực để lao động, cống hiến cho xã hội, đất nước”, bà Oanh nói.
Bộ Công an xử nghiêm hành vi nhũng nhiễu, gây cản trở doanh nghiệp
Tại hội nghị, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Công an và Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí đều cam kết không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự.
“Bộ Công an sẽ chủ động phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả, góp phần tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi, an ninh, an toàn để các DN tin tưởng, an tâm sản xuất, kinh doanh theo tinh thần và quan điểm của Bộ Công an "an ninh để phát triển, phát triển để đảm bảo an ninh””, ông Lâm nhấn mạnh.
Ngành Công an tham mưu với Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành liên quan xử lý hành vi tạo cớ gây sức ép, cạnh tranh không lành mạnh.
Bộ Công an đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản hoá điều kiện kinh doanh, kiểm tra chuyên ngành. Đặc biệt, quan điểm xuyên suốt của Bộ Công an là tất cả các DN đều bình đẳng trước pháp luật. “Chỉ đạo quán triệt, tuân thủ quan điểm nguyên tắc: Bộ Công an không có khái niệm hình sự hoá các quan hệ kinh tế, dân sự. Công tác thanh tra, kiểm tra về ANTT lồng ghép nhiều nội dung và chỉ kiểm tra 1 lần 1 năm, tạo điều kiện tối đa về an ninh để DN phát triển, cạnh tranh lành mạnh”, Đại tướng Tô Lâm khẳng định sẽ xử lý nghiêm cán bộ chiến sỹ có hành vi nhũng nhiễu, gây cản trở các hoạt động sản xuất, kinh doanh bình thường của các DN.
Viện trưởng Viện KSND Tối cao Lê Minh Trí cũng cho hay đã chỉ đạo các cấp kiểm sát chủ động phối hợp với các CQĐT, tòa án để nhanh chóng chọn điều tra truy tố và đưa ra xét xử các hành vi tung tin giả gây hoang mang trong xã hội… Ông cam kết sẽ tiếp tục chỉ đạo ngành kiểm sát tiếp tục nỗ lực phấn đấu thực hiện tốt hơn nữa chức năng nhiệm vụ của ngành, góp phần đảm bảo môi trường kinh doanh ngày càng minh bạch, tạo niềm tin và sự an tâm cho người dân và DN.
“Trước hết, sẽ không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự, nhất là những trường hợp chủ thể sai phạm đã chủ động khắc phục tốt hậu quả xảy ra; xem xét truy tố và phải kiên trì thực hiện nguyên tắc suy đoán vô tội”, ông Trí nói.